Thứ Năm, 28/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Hai, 13/4/2015 10:49'(GMT+7)

Chống vi phạm bản quyền phần mềm bằng "khóa cứng"

Chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"

Trao đổi với ICTnews về hiện trạng sử dụng phần mềm không có bản quyền tại Việt Nam, một lãnh đạo của Bộ TT&TT chia sẻ: "Việt Nam đã nhiều năm đứng trong danh sách "đen" của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) về tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao (tính riêng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2013, Bangladesh có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao nhất - 87%, tiếp theo là Pakistan - 85%, Indonesia – 84%, Sri Lanka - 83%, và Việt Nam - 81%). Rất nhiều nhân viên văn phòng khi được hỏi đều thừa nhận phần mềm được cài đặt trong máy của họ không có bản quyền. Hầu hết mọi người sử dụng máy tính không biết những gì được cài đặt trên hệ thống của họ. Điều đó cần phải thay đổi".

khóa cứng

Hầu hết nhân viên văn phòng không biết hệ thống máy tính của tổ chức, doanh nghiệp mình cài đặt những phần mềm gì. Ảnh có tính chất minh họa.

"Người sử dụng phần mềm vẫn chưa thực sự hiểu đúng bản chất của bản quyền phần mềm. Thực chất, bản quyền chỉ ra cho người dùng số lần có thể cài đặt phần mềm đó. Chỉ cần sử dụng phần mềm nhiều hơn bản quyền cho phép, thì đã có nghĩa là người dùng đang lấy cắp bản quyền. Khi sử dụng phần mềm không có bản quyền, người dùng sẽ có thể gặp rủi ro về an ninh như dễ dàng bị tin tặc truy cập trái phép vào máy tính và lấy cắp dữ liệu", lãnh đạo Bộ TT&TT lưu ý thêm.

Đối với các nhà sản xuất phần mềm, vấn nạn sử dụng phần mềm không có bản quyền đang khiến họ thất thu một khoản tài chính không nhỏ. Ước tính trong năm 2013, giá trị thương mại của số lượng phần mềm không có giấy phép được cài đặt trên thế giới lên tới 620 triệu USD.

Ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam từng bức xúc chia sẻ rằng vấn nạn vi phạm bản quyền phần mềm chính là nguyên nhân chủ yếu cản trở sự phát triển. Tình trạng ăn cắp phần mềm thực sự đã làm nản lòng các hãng phát triển phần mềm và ngăn cản việc mở rộng kinh doanh phần mềm.

Ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Lạc Việt cũng từng ước tính doanh nghiệp này đã bị thiệt hại khoảng 50 triệu USD vì nạn ăn cắp bản quyền đối với phần mềm từ điển Lạc Việt kể từ năm 1995, thời điểm mà phần mềm này được phát hành.

Đi tìm giải pháp

Bên cạnh những nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách trong việc ban hành các quy định, chính sách mới nhằm giảm thiểu tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm, thì các nhà sản xuất phần mềm cũng đang tích cực trang bị cho mình những giải pháp hữu hiệu hơn về mặt kỹ thuật, công nghệ.

Một trong những giải pháp đang được nhiều nhà sản xuất, kinh doanh phần mềm sử dụng để kiếm soát bản quyền là giải pháp khóa cứng.

“Khi sử dụng khóa cứng để quản lý bản quyền phần mềm, các nhà sản xuất phần mềm sẽ đóng gói phần mềm của mình với một khóa cứng và cung cấp cho người sử dụng. Nhà sản xuất phần mềm có thể ghi nhận và quản lý số lượng bản quyền và người sử dụng thông qua các thông tin mà họ ghi trên khóa cứng. Trong suốt thời gian sử dụng phần mềm, người sử dụng cần cắm khóa này vào máy tính mới có thể mở và sử dụng các chức năng của phần mềm. Có thể nói, khóa cứng chính là bản quyền của phần mềm”, lãnh đạo một công ty sản xuất phần mềm cho biết.

Theo thông tin mà một số chuyên gia bảo mật “bật mí” với ICTnews, hiện nay chủ yếu các thiết bị khóa cứng sử dụng ở Việt Nam đều được nhập từ các hãng nước ngoài. Trong đó, thiết bị khóa cứng của SecureMetric từ Malaysia được đánh giá khá cao.

Ông Law Seeh Key, Giám đốc SecureMetric cho biết: "Sản phẩm khóa cứng Securedongle của hãng có cơ chế chống bẻ khóa nâng cao bởi kết hợp giữa vi chip thông minh (đạt chuẩn EAL4+ và ITSEC) với thuật toán. Sản phẩm được tích hợp sẵn hệ thống mật khẩu nâng cao để chống lại sự tấn công của tất cả các loại mã hóa (Brute-Force). Không có nhiều nhà sản xuất khóa cứng trên thế giới có được thiết bị chất lượng cao như vậy. Trong bối cảnh chưa có những thiết bị “made in Vietnam” tương tự, khóa cứng của SecureMetric đã và đang giúp cho các nhà sản xuất, kinh doanh phần mềm giảm thiểu nguy cơ rủi ro mất bản quyền phần mềm cho người dùng tại Việt Nam"".

Các cơ quan quản lý Nhà nước đã không ít lần thừa nhận hiện trạng vi phạm bản quyền phần mềm diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam. Tại Lễ công bố “Tháng hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4” do Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp cùng BSA tại Việt Nam tổ chức mới đây, ông Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch cập nhật thông tin mới, theo đó: "Năm 2014, Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 121 cuộc, trong đó thanh tra đột  xuất 82 doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới trên 1,57 tỷ đồng"./.

Theo ICTnews



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất