Thứ Sáu, 27/9/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 11/6/2011 18:34'(GMT+7)

Chủ động ngăn ngừa dịch bệnh E.coli

Escherichia Coli (E.Coli) là những trực khuẩn Gram âm thuộc họ vi khuẩn đường ruột (Enterobacteriaceae). E.coli ký sinh bình thường ở ruột người, nhất là ruột già, ngoài ra còn ở niêm mạc miệng, sinh dục và cả ngoài môi trường. Từ ruột, E.coli theo phân ra đất, nước. E.coli phát triển ở nhiệt độ từ 50C đến 450C và phát triển tốt nhất ở 370C, pH thích hợp là 7-7,5. E.coli không chịu được nhiệt độ cao, đun nóng 550C/1giờ hoặc 600C/30 phút là bị tiêu diệt. Mặc dù là một trong những thành viên chính của hệ vi khuẩn bình thường ở ruột người nhưng đây cũng là thủ phạm của nhiều bệnh nhiễm trùng. Dựa vào vị trí gây bệnh, các E.coli gây bệnh được chia làm hai nhóm: nhóm gây bệnh đường ruột và nhóm gây bệnh ngoài đường ruột. Các E.coli gây bệnh đường ruột gồm: E.coli gây xuất huyết đường ruột (Enterohemorrhagic E.coli viết tắt là EHEC); E.coli gây bệnh (Enteropathogenic E.coli viết tắt là EPEC); E.coli sinh độc tố ruột (Enterotoxigenic E.coli viết tắt là ETEC); E.coli xâm nhập (Enteroinvassive E.coli viết tắt là EIEC); E.coli gây kết dính ruột (Enteroaggregative E.coli viết tắt là E.aggC).

Đối với dịch bệnh đang xảy ra ở Đức và các nước châu Âu là do E.coli thuộc nhóm EHEC có nguồn gốc từ gia súc như trâu bò, cừu, dê, lợn... Nguồn truyền nhiễm là từ các loại thức ăn khác nhau, nhất là các loại thức ăn như sữa, pho mát, rau sống, bánh kẹp thịt... Liều nhiễm trùng từ người sang người thấp khoảng 100-200 vi khuẩn. Đây là loài E.coli độc nhất trong năm loài E.coli kể trên. Loài này không chỉ gây tiêu chảy mà còn sinh ra các độc tố gây xuất huyết đường ruột và gây hội chứng tan máu - urê huyết cao (HUS) gây suy thận, tử vong nếu ở giai đoạn hội chứng HUS là 80%.

Bệnh truyền qua đường phân - miệng, nếu ăn, uống phải những thực phẩm có chứa chủng vi khuẩn này. Khi nhiễm bệnh, thời gian ủ bệnh từ năm đến 48 giờ (trung bình từ 10 đến 24 giờ). Bệnh phát đột ngột. Người bị ngộ độc thấy đau bụng dữ dội, đau đầu, đau cơ, không sốt hoặc sốt nhẹ, ít nôn mửa, đi ngoài phân lỏng có thể diễn biến từ nhẹ, phân không có máu đến thể nặng đi ngoài phân toàn máu nhưng không chứa bạch cầu. Các chủng EHEC có thể gây ra hội chứng tan máu, tăng urê huyết và có thể có các nốt hoặc mảng xuất huyết do thiếu tiểu cầu gây nên. Bệnh nặng thường gây tử vong do suy thận cấp hoặc đông máu rải rác trong lòng mạch.

Để phòng bệnh một cách hiệu quả cần thực hiện ăn chín, uống sôi; biết cách lựa chọn, chế biến thực phẩm và bảo quản thực phẩm một cách đúng đắn. Đối với thực phẩm sống càng tươi mới, càng nguyên vẹn càng tốt, thịt cá không nên xay, nạo trước; rau quả còn nguyên lành, không dập nát, trầy xước, thâm nhũn ở núm cuống; trái cây chỉ lựa chọn loại vỏ ngoài còn nguyên vẹn, không dập nát. Đối với thực phẩm bao gói sẵn nên mua ở những cửa hàng có tín nhiệm, có điều kiện bảo quản thực phẩm tốt; nhãn thực phẩm phải có đủ các thông tin như: tên thực phẩm, tên, địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm, thành phần cấu tạo, định lượng thực phẩm và chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng, thời hạn sử dụng và xuất xứ của hàng hóa. Đối với đồ hộp ngoài nội dung ghi nhãn cần lựa chọn đồ hộp không bị phồng, rỉ sét, móp méo, hở mí, rỉ nước. Đối với thực phẩm đông lạnh, không mua các thực phẩm đông lạnh khi không thấy lạnh hoặc không còn cứng. Trong quá trình chế biến thực phẩm cần phải có đồ chuyên dụng, có dao thớt riêng cho thức ăn sống và thức ăn chín; quá trình chế biến tránh để nhiễm chéo vi khuẩn từ thực phẩm bẩn sang thực phẩm đã được chế biến. Thường xuyên vệ sinh nhà bếp và vật dụng làm bếp; sử dụng nguồn nước sạch để chế biến và nấu ăn. Thực phẩm đã được chế biến nên ăn ngay, nếu phải để lâu cần bảo quản lạnh để hạn chế sự phát triển nhân lên của vi khuẩn; thức ăn phải đậy kín tránh để côn trùng và động vật gặm nhấm xâm hại.

Với cá nhân không ăn đồ sống, không dùng tay bốc. Việc rửa tay bằng xà-phòng trước khi ăn, trước khi chế biến thực phẩm hoặc sau khi đi vệ sinh là rất cần thiết và là một biện pháp quan trọng để cắt đứt vòng xoắn chân, tay, miệng. Ắn đủ dinh dưỡng, ngủ sớm, tập thể dục thường xuyên, ăn nhiều hoa quả là biện pháp tốt để có cơ thể khỏe mạnh, chung sống hòa bình với vi khuẩn E.coli nói riêng và vi khuẩn gây hại nói chung.

Tăng cường kiểm dịch y tế quốc tế, ngăn lây nhiễm E.Coli

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công văn chỉ đạo trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố về việc chủ động giám sát phòng, chống nhiễm khuẩn E.Coli nhóm Enterohaemorrhagic E.Coli (EHEC) tại Việt Nam. Theo đó, các địa phương cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc tiêu chảy cấp có triệu chứng nghi ngờ nhiễm khuẩn E.Coli, xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh đầu tiên, không để lây lan, bùng phát thành dịch. Đối với những tỉnh có cửa khẩu biên giới, tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế quốc tế, cách ly điều trị các trường hợp có sốt cao và tiêu chảy cấp, nhằm giảm việc lây nhiễm E.Coli vào nước ta. Phối hợp với các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm, tập trung giám sát thức ăn đường phố, kiên quyết xử lý các cơ sở không đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định...


Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất