(TG) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo tiếp tục chủ động nghiên cứu, áp dụng các phương thức giáo dục tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tiễn để đảm bảo thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục; đồng thời chủ động nghiên cứu, lựa chọn các thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào phương thức giáo dục đang áp dụng.
Đây là nội dung được nêu trong Công văn Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017.
Công văn nêu, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội
nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn
bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo
các địa phương, cơ sở giáo dục triển khai đổi mới đồng bộ các yếu tố đảm
bảo chất lượng giáo dục; chuyển trọng tâm từ chủ yếu trang bị kiến thức
sang phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh thông qua thực hiện
phương thức tổ chức giáo dục lấy hoạt động học của học sinh làm trung
tâm.
Theo định hướng trên, trong thời gian
qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo nghiên cứu, vận dụng một số
phương pháp, hình thức dạy học tiên tiến của thế giới vào các cấp học
phổ thông như: dạy học giải quyết vấn đề, dạy học tìm tòi nghiên cứu,
dạy học dự án, phương pháp "bàn tay nặn bột"..., trong đó có mô hình
trường học mới (VNEN). Đây là mô hình đã được thử nghiệm ở một số nước
cho kết quả tốt, được UNESCO và chuyên gia giáo dục quốc tế khuyến cáo
chọn thử nghiệm tại Việt Nam.
Kết quả 3 năm thử nghiệm cho thấy mô
hình có nhiều điểm tích cực, tạo được môi trường giáo dục thân thiện,
dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản
trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng
đồng được tăng cường.
Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình trường
học mới này chưa thực sự phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương nên
đã gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, trong những năm đầu triển khai, một số
nơi chưa nhận thức đầy đủ về mô hình và điều kiện áp dụng; cán bộ quản
lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới
hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc; việc triển khai nóng vội, áp dụng
ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật
chất, sĩ số lớp học đông... dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa
đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận.
Những ưu điểm và bất cập nói trên trong
áp dụng mô hình trường học mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc
rút kinh nghiệm.
Nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản,
toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW,
rút kinh nghiệm quá trình triển khai thực hiện vừa qua, Bộ Giáo dục và
Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo tiếp tục chủ động nghiên cứu, áp
dụng các phương thức giáo dục tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tiễn
để đảm bảo thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục; đồng thời chủ động
nghiên cứu, lựa chọn các thành tố tích cực của mô hình trường học mới để
bổ sung vào phương thức giáo dục đang áp dụng.
Cụ thể, khuyến khích các cơ sở giáo dục
đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự
nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học
vì quyền lợi của học sinh.
Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng
mô hình trường học mới, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô
hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang
thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung
tâm.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục chủ
động nghiên cứu đổi mới, sáng tạo trong tổ chức dạy và học; áp dụng các
mô hình giáo dục tiên tiến khác phù hợp với điều kiện thực tiễn; đồng
thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong phụ
huynh học sinh và dư luận xã hội nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn
bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Công văn cũng đề nghị Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo các cơ quan
quản lý giáo dục ở địa phương triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm
về chất lượng giáo dục của địa phương.
TG