Chủ Nhật, 24/11/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 20/3/2017 20:31'(GMT+7)

Mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm

Một đoạn sông ở Cà Mau bị ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Một đoạn sông ở Cà Mau bị ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Ở miền Bắc, mùa khô bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 11, ở miền Trung và miền Nam, mùa khô bắt đầu muộn hơn, thường vào tháng 1. Mùa khô thường kéo dài từ 6 đến 9 tháng, các lưu vực sông ở miền Trung có mùa khô dài nhất. Lưu lượng tự nhiên trong mùa khô chiếm 20-30% tổng lưu lượng năm.

Cùng với sự đô thị hóa nhanh và phát triển công nghiệp, các vấn đề môi trường như rác thải, nhất là tình trạng ô nhiễm nước ngày càng trở nên trầm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Hệ lụy vì ô nhiễm nguồn nước

Mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 80,6 tỷ m3 nước, gần 82% tổng lượng nước mặt trên toàn quốc được sử dụng cho tưới, 11% cho nuôi trồng thủy sản, 5% cho công nghiệp, 3% cho nông nghiệp và 3% cho đô thị. Do khai thác nước không hợp lý, không theo quy hoạch nên nguồn nước đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng.

Hầu hết các sông chính ở Việt Nam đều đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau, trong đó ô nhiễm chủ yếu các vùng trung và hạ lưu, khu vực tập trung đông dân cư và các khu công nghiệp, hiện tượng ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tăng cao vào mùa khô, khi lượng nước chảy vào các con sông giảm.

Ngoài ô nhiễm nguồn nước mặt, thì nguồn nước dưới đất cũng đang phải đối mặt với những vấn đề như nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu, các chất có hại khác. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nước biển Việt Nam cũng đã có dấu hiệu bị ô nhiễm do sự ô nhiễm từ các lưu vực sông và do các hoạt động phát triển kinh tế vùng cửa sông, ven biển...

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, trên 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư mà một trong những nguyên nhân là do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.

Hiện cả nước có hơn 770 đô thị, trong đó có hai đô thị đặc biệt; 15 đô thị loại một; 14 đô thị loại hai; 53 đô thị loại ba; 65 đô thị loại bốn, còn lại là đô thị loại năm. Tuy vậy, tỷ lệ dân đô thị hưởng dịch vụ thoát nước chỉ chiếm khoảng 60% và tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý mới đạt khoảng 12%.

Điển hình như tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn nước thải sinh hoạt (không được xử lý, đổ thẳng vào các ao, hồ, sau đó chảy ra các con sông lớn tại vùng châu thổ sông Hồng và sông Đồng Nai-Sài Gòn.

Hồ Trường Xuân - hồ nước ngọt lớn nhất đảo Cô Tô cung cấp nước sạch cho người dân. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Ngoài ra, nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất, các lò mổ cũng không được trang bị hệ thống xử lý nước thải. Ngay cả các bệnh viện, hiện thải khoảng 7.000 m3/ngày, thì chỉ có 30% trong số này là được xử lý.

Cần ứng dụng công nghệ quản trị tài nguyên nước

Theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Bẩy, những năm gần đây, các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên nước được đổi mới, hoàn thiện. Việt Nam đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ nhằm quản trị tài nguyên nước hiệu quả, trong đó có các giải pháp về kỹ thuật và giải pháp về quản lý.

Việt Nam đã ứng dụng giải pháp về kỹ thuật nhằm tăng cường việc ứng dụng các thiết bị quan trắc, giám sát số lượng và chất lượng nước như quan trắc các yếu tố thủy văn và khí tượng (mực nước, lưu lượng, mưa, bốc hơi, nhiệt độ...) trên các sông.

Các dữ liệu này cần được quan trắc liên tục và số liệu được truyền về trạm trung tâm để xử lý, phân tích. Việc giám sát chất lượng nước có thể dựa trên việc thu, lấy mẫu tự động, phân tích và cho kết quả.

Việt Nam cần tăng cường ứng dụng thu thập dữ liệu qua vệ tinh có độ chính xác cao như ứng dụng công nghệ thiết bị định vị vệ tinh toàn cầu trong việc xác định cao tọa độ sử dụng GPS đa hệ, xác định tọa độ bằng thiết bị GPS cầm tay phục vụ công tác điều tra tài nguyên nước rất phổ biến và được ứng dụng rộng rãi. Việc ứng dụng công nghệ đo địa vật lý có thể xác định địa tầng địa chất, mức độ chứa nước, phân bố mặn nhạt của tầng chứa nước trên cơ sở kết hợp với các tài liệu khoan thăm dò địa chất thủy văn.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ phân tích ảnh viễn thám được sử dụng thông qua các tài liệu ảnh, viễn thám chụp ở độ phân giải cao, tỷ lệ lớn, có thể cho phép phân tích giám sát biến đổi chất lượng nước, số lượng nước mặt, thậm chí cả nước dưới đất.

Việc ứng dụng công nghệ sử dụng nước tiết kiệm (tưới nhỏ giọt) góp phần tăng hiệu quả sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp. Một trong những giải pháp được đưa ra là áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước (học hỏi từ Israel) tại các vườn cây công nghiệp, cây ăn quả, hoa... và nghiên cứu chế tạo thành công các loại vòi, bộ lọc nước phục vụ tưới tiết kiệm.

Đối với giải pháp về quản lý, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ phát triển nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước; thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước như Luật Tài nguyên nước đã quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xem xét, ban hành thông tư quy định cụ thể về việc này.

Đơn vị chức năng sẽ xã hội hóa việc quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải, nghĩa là các cơ sở xả nước thải, các cơ sở khai thác nước sẽ phải tự đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, phân tích chất lượng nước thải, công nghệ sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, thu gom tích trữ nước mưa để sử dụng, sử dụng nước được khử muối từ nước lợ, nước mặn, đầu tư thiết bị; công nghệ tiết kiệm nước, công nghệ xử lý nước thải, cải tạo, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc vận hành điều tiết nước hồ chứa, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước.

Mặt khác, kết nối tự động trực tuyến hoặc nhập số liệu quan trắc định kỳ vào hệ thống giám sát chung do Nhà nước đầu tư (bao gồm phần cứng, phần mềm và đường truyền), tạo thành một hệ thống thống nhất giữa Trung ương, địa phương, thậm chí trên từng lưu vực sông.

Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý ở cả Trung ương và địa phương với các phần mềm phân tích, xử lý số liệu trực tuyến sẽ theo dõi thường xuyên, phát hiện và cảnh báo, xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật; ứng dụng giải pháp sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả trong quá trình thiết kế thi công công trình xây dựng được hưởng những chính sách ưu đãi như vay vốn, miễn giảm thuế theo quy định của pháp luật.

Quản lý tài nguyên nước thực sự là một thách thức và đòi hỏi phải được đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc. Muốn làm được như vậy, cần chú trọng đầu tư không chỉ vào nguồn nhân lực, mà còn phải đầu tư và ứng dụng những đổi mới về khoa học công nghệ, các giải pháp kỹ thuật, hệ thống thông tin truyền thông... để đạt hiệu quả cao./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất