(TG) - Sáng ngày 23/3/2017, tại Hà Nội, Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam đã tổ chức buổi Toạ đàm “Ngộ độc rượu methanol, thực trạng và giải pháp”.
Tham dự buổi toạ đàm có đàm có Đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế; Đại diện Vụ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương; Đại diện Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai; Đại học Y Hà Nội; Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội; Đại diện các doanh nghiệp sản xuất bia rượu và Đại diện các Sở Công Thương các tỉnh thành Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Lạng Sơn...
Phát biểu tại toạ đàm ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam cho biết: Trong thời gian qua tình trạng lạm dụng rượu và ngộ độc rượu có chứa methanol vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm vẫn còn nhiều ca phải nhập viện, thậm chí tử vong vì ngộ độc rượu. Nhiều trường hợp là do uống rượu liên tục trong một thời gian ngắn (từ 8 tới 12 tiếng) nhưng nhiều trường hợp đáng tiếc lại do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, các nạn nhân phần lớn lại là người nghèo, sinh viên, người trẻ tuổi chưa đủ nhận thức, còn ham sản phẩm rẻ.
Việc điều trị đối với những ca ngộ độc rượu có chứa methanol rất tốn kém về thời gian, tiền bạc và còn để lại những di chứng lâu dài như giảm thị lực, ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh của người bị ngộ độc. Nhiều gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi mất đi những lao động chính và phải chi phí tốn kém để điều trị và phục hồi sức khỏe cho người bị ngộ độc.
Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay đã có 15 người tử vong và hàng trăm ca cấp cứu tại các bệnh viện do ngộ độc rượu, trong có có nhiều vụ ngộ độc tập thể như vụ xảy ra ở Phong Thổ, Lai Châu, vụ các sinh viên ở Cầu Giấy, Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam cho rằng: Nguyên nhân của những vụ ngộ độc này đã được các cơ quan chuyên môn xác định là do các nạn nhân đã sử dụng các loại rượu tự pha chế, không rõ nguồn gốc, có chứa methanol vượt quá ngưỡng cho phép, thậm chí có trường hợp methanol vượt ngưỡng đến hàng ngàn lần, dẫn đến tử vong.
Để kịp thời ngăn ngừa và khắc phục tình trạng ngộ độc rượu, ngày 10 tháng 3 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 371/CĐ-TTg về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu. Tại Công điện này, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương tích cực khắc phục hậu quả của các vụ ngộ độc, khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu.
Triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14 tháng 3 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu. Tại Chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cho các Sở Công Thương và các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai các hoạt động cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã nghe một số báo cáo của đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia y tế và an toàn thực phẩm về thực trạng ngộ độc methanol, các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và sản xuất, kinh doanh rượu, giới thiệu, phân tích cơ chế và tác hại của methanol, kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm ngăn ngừa và khắc phục tình trạng ngộ độc methanol, các ý kiến, trao đổi của một số chuyên gia về y tế và an toàn thực phẩm, đại diện một số địa phương và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu…
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh thuộc Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa nêu những công thức của methanol và những tác hại của methanol khi phá rượu với sức khoẻ của con người. Methanol rất dễ gây tử vong, tổn thương não, thị giác, nội tạng, tổn thương thần kinh.
Các biện pháp chống độc methanol được PGS.TS. Thịnh khuyến cáo là: Cần sử dụng men có chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ, các cơ sở phải đăng ký sản xuất, đăng ký chất lượng và có bao bì nhãn mác. Đối với người tiêu dùng chỉ mua và uống rượu khi biết rõ nguồn gốc xuất xứ, kiềm chế lượng rượu uống.
Các ý kiến tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến ngộ độc rượu có chứa methanol để góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và cảnh giác với vấn đề rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ; kiến nghị với các cơ quan hữu quan có biện pháp tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ các nguồn sản xuất, cung ứng sản phẩm, ngăn chặn các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác.
Qua Tọa đàm này, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan góp phần ngăn ngừa các sản phẩm rượu có chứa methanol, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, hướng dẫn người tiêu dùng trở thành người tiêu dùng thông thái, sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Nhà nước./.
Tọa đàm được tổ chức để triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn thực phẩm với sản phẩm rượu tại Công điện số 371/CĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2017 và của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu tại Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 14 tháng 3 năm 2017 và góp phần nâng cao nhận thức nhằm ngăn chặn mối đe dọa đối với sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà sản xuất chân chính. |
Duy Phong