(TG) - Trong sáu tháng đầu năm 2019, Chương trình Chống lao quốc gia đã phát hiện 50.645 bệnh nhân lao các thể, đạt tỷ lệ phát hiện khoảng 52/100,000 dân và điều trị thành công cho hơn 90% số bệnh nhân lao mới và tái phát phát hiện được. Tuy nhiên, số bệnh nhân phát hiện lao có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018.
Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2019, do Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức sáng ngày 30/8, tại Hà Nội.
Theo PTS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia phát biểu tại sơ kết cho biết: Trong sáu tháng đầu năm 2019, mặc dù số bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học giảm nhẹ (357 ca), tuy nhiên số bệnh nhân không có bằng chứng vi khuẩn học và lao ngoài phổi lại tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018 lần lượt là 921 và 252 trường hợp.
Về hoạt động điều trị, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát được duy trì ở mức cao (87,1%), đạt chỉ tiêu của WHO, tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu Chương trình Chống lao quốc gia đã đề ra là hơn 90%. Đặc biệt, một số tỉnh có tỷ lệ điều trị khỏi cao như Hà Nội (94,6%), Quảng Ngãi (94,9%) và Hậu Giang (97,6%). Tỷ lệ âm hóa đờm sau 2-3 tháng điều trị của bệnh nhân trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 87,6%.
Hiện nay, công tác chống lao còn gặp nhiều thách thức như cung ứng sinh phẩm xét nghiệm gặp nhiều khó khăn; Cung ứng Xpert gián đoạn dẫn đến việc sàng lọc và phát hiện hạn chế; Cung ứng thuốc chưa đầy đủ và kịp thời (do việc tiếp nhận thuốc từ Hợp đồng mua sắm năm 2018 bị chậm hơn nhiều so với kế hoạch dẫn tới thiếu cục bộ một số thuốc như Lzd, Cfz, Mfx); Chậm tiến độ mua sắm Hain test.
Công tác phối kết hợp trong hoạt động phối hợp y tế công – tư vẫn còn hạn chế. Sự gắn kết giữa các cơ sở y tế công - tư còn chưa thật sự khăng khít do nhiều yếu tố như sự phản hồi hai chiều chưa được thường xuyên, kinh phí hỗ trợ cho y tế tư không có trong khi các cơ sở y tế tư rất ngại ghi chép báo cáo mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến thu nhập của họ.
Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, sự hợp tác để phát hiện lao trẻ em giữa Chương trình chống lao quốc gia và các cơ sở nhi khoa ở tỉnh và huyện chưa thường xuyên và chưa hiệu quả. Công tác chống lao trong trại giam còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc thay đổi mô hình tổ chức y tế tại tuyến tỉnh, huyện có ảnh hưởng không nhỏ tới Chương trình chống lao.
Mục tiêu của năm 2019 là chương trình sẽ đạt được 100% các chỉ tiêu đã đặt ra với Chính phủ và Bộ Y tế về tỷ lệ phát hiện và điều trị thành công cho bệnh nhân lao, duy trì củng cố mạng lưới chống lao, bảo đảm chất lượng hoạt động Chương trình Chống lao trong bối cảnh cơ cấu lại tổ chức tại một số tỉnh, thành phố chưa có bệnh viện chuyên khoa Lao và Bệnh phổi.
Phát biểu tại hội nghị, GS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế thay mặt Bộ Y tế biểu dương và ghi nhận những kết quả mà Chương trình chống lao đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Thứ trưởng yêu cầu Chương trình Chống lao cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030. Đặc biệt, cần phối hợp cùng Bộ Y tế vận động ngân sách Chính phủ cấp cho Chương trình Chống lao đủ để mua thuốc chống lao cho toàn bộ các bệnh nhân lao trong chẩn đoán, điều trị năm 2019 – 2020. Bên cạnh đó, về hậu cần thuốc và trang thiết bị, Chương trình Chống lao cần phải chuẩn bị tốt cho việc chuyển đổi nguồn kinh phí từ nhà nước sang sử dụng kinh phí bảo hiểm y tế cho thuốc chống lao.
Tổ chức các đối tác Phòng chống lao (VSTP) cùng với Chương trình Chống lao quốc gia đã phát huy vai trò và hiệu quả trong tháng hành động phòng chống lao, công tác huy động xã hội, với nhiều hình thức: mít tinh diễu hành, truyền thông trên nhiều kênh thông tin (báo đài, phát thanh truyền hình). Đặc biệt, Quỹ PASTB đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB và cán đích với 425.304.000 đồng, tương ứng với 23.628 tin nhắn. Đây là một kết quả khả quan cho thấy sự quan tâm của cả cộng đồng tới những người bệnh lao đang được lan tỏa từng ngày.
Trong sáu tháng cuối năm 2019, chương trình tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động thường quy và các lĩnh vực chuyên môn ưu tiên như phát hiện chủ động, lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn, lao trẻ em, lao/HIV, thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp (PAL), phối hợp y tế công – tư (PPM). Ngoài ra, chương trình cũng đẩy mạnh triển khai các can thiệp tích cực, các sáng kiến mới, áp dụng các công nghệ, kỹ thuật mới trong xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao, áp dụng y học chính xác trong chẩn đoán và điều trị, quyết tâm phấn đấu đạt các chỉ tiêu cam kết với Chính phủ, Bộ Y tế./.
Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 13 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2018). |
Hoàng My-Bệnh viện Phổi Trung ương