Thứ Bảy, 27/7/2024
Y tế - Dân số
Thứ Tư, 4/9/2019 15:27'(GMT+7)

Ung thư đang trở thành gánh nặng lớn cho xã hội

Điều trị ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế

Điều trị ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế

Tỷ lệ tử vong lớn

Theo thống kê năm 2018 của Tổ chức Ung thư toàn cầu, bệnh ung thư hằng năm cướp đi sinh mạng khoảng 8,2 triệu người trên thế giới và 14,1 triệu ca mới. Khoảng 65% bệnh nhân sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh cao, mỗi năm có hơn 300.000 bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư khoảng 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân tử vong do ung thư (năm 2018). Dự báo con số này sẽ tăng lên khoảng 200.000 ca vào năm 2020. Nhìn tổng quan trên bản đồ ung thư thế giới, tỉ lệ mắc ung thư của Việt Nam không cao nhưng tỉ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị trí 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ 104,4/100.000 dân”.

Trong một Hội nghị về ung thư do Bệnh viện K tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: “Những số liệu trên cho thấy, chúng ta cần có những quan tâm đúng mức nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống ung thư: từ việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống và phát hiện sớm ung thư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị, giảm tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư”.

Căn bệnh ung thư có tỷ lệ mắc mới lớn nhất ở Việt Nam

Hiện Việt Nam có 8 bệnh viện chuyên khoa, 69 trung tâm hay khoa hoặc đơn vị chuyên điều trị ung bướu. Mỗi năm số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tăng thêm 10%. Tại Bệnh viện K năm 2018, số lượng người đến khám lên tới 417.000 lượt bệnh nhân, trong đó thực hiện 22.000 ca phẫu thuật, 24.000 lượt bệnh nhân hóa trị và hơn 13.000 lượt xạ trị với các loại ung thư thường gặp ở nam giới như ung thư phổi, gan, đại trực tràng, miệng, hầu, dạ dày; nữ giới là ung thư vú, cổ tử cung, hạch, máu…

Trước đây, ung thư phổi có tỷ lệ mắc mới lớn nhất, nhưng đến nay, ung thư gan đã vươn lên vị trí số 1 với số mắc năm 2018 là 25.335 trường hợp. Kế tiếp là ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng. Ở nữ giới ung thư thường gặp lần lượt là vú, dạ dày, phổi.

Ung thư đang ngày càng trẻ hóa

Bệnh viện K từng tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân mắc ung thư vòm họng, ung thư dạ dày ở độ tuổi lên 9, ung thư vú trong độ tuổi 18 đến 20, ung thư tuyến giáp cũng có những bệnh nhân mới 20 đến 30 tuổi.

Mặc dù, ở nước ta vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ nào để tìm ra nguyên nhân của tình trạng trẻ hóa căn bệnh ung thư, nhưng các nhà khoa học trong nước đã chỉ ra một số nguyên nhân như: Thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng. Do cường độ lao động cao, không có thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc cho sức khỏe, áp lực công việc, ít vận động, hút thuốc lá... Môi trường ô nhiễm làm tăng nguy cơ tổn thương gen và phát triển tế bào ung thư, thực phẩm bẩn làm tăng tác nhân gây bệnh nguy hiểm như vi khuẩn, vi sinh gây bệnh, độc tố nấm, độc tố vi khuẩn, hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc nhuộm màu, chất bảo quản chống thối… Những tác nhân này khi xâm nhập vào cơ thể có thể gây ra những phản ứng tức thời như: ngộ độc, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Về lâu dài có thể gây các bệnh mạn tính, đột biến gen, phát sinh tế bào ung thư.

Phòng tránh hiểm họa ung thư

Theo số liệu công bố của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, có khoảng 70% bệnh nhân ung thư ở Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn gây khó khăn trong điều trị, tốn kém chi phí mà cơ hội kéo dài sự sống không cao. Do đó, để có thể phát hiện sớm và điều trị căn bệnh ung thư người dân cần khám sức khỏe định kỳ 1 – 2 lần mỗi năm để tầm soát và phát hiện bệnh sớm. 

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K: Phần lớn bệnh ung thư đều có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết người bệnh ung thư ở Việt Nam khám và điều trị ở giai đoạn muộn, tỷ lệ chữa khỏi và tỷ lệ sống thấp.

Để ngăn chặn tình trạng ung thư nói chung và tình trạng trẻ hóa ung thư nói riêng, việc đầu tiên người dân cần ngăn chặn nguồn lây nhiễm. Ví dụ, không ăn dưa bị hỏng bởi có chứa nhiều chất nitrosamine là nguyên nhân gây ung thư vòm họng và ung thư vùng cổ; không ăn gạo mốc do có chất aflatoxin gây ung thư gan. Bên cạnh đó, phải thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, để tăng sức đề kháng. Quan trọng hơn cả là phải biết nói không với thuốc lá, vì hiện nay đã có nhiều phụ nữ mắc ung thư phổi do hút thuốc lá thụ động.

Người dân nên duy trì chế độ khám sức khỏe tối thiểu một hoặc hai lần/năm để tầm soát, phát hiện sớm các loại bệnh tật, trong đó có ung thư. Đặc biệt, đối với những nhóm có nguy cơ cao, như nghiện rượu, bia, thuốc lá; làm việc trong môi trường độc hại... thì càng nên tầm soát dày hơn và sớm hơn. Đồng thời, mỗi người cần có ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình bằng cách cải thiện môi trường sống, tránh xa những yếu tố độc hại nhưthuốc lá, rượu, bia, tích cực tập thể dục, thể thao để rèn luyện thân thể. Ngoài ra phải cẩn thận trong ăn uống, không sử dụng nguồn thực phẩm kém chất lượng, ẩm mốc, nguồn gốc không rõ ràng để ngăn ngừa các bệnh ung thư phổ biến nhất hiện nay.

Phong Duy

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất