Nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ethiopia từ ngày 23 đến 25/8 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trả lời phỏng vấn báo chí Ethiopia.
Dưới đây là nội dung trả lời phỏng vấn của Chủ tịch nước.
- Xin Ngài Chủ tịch nước cho biết mục đích, ý nghĩa của chuyến thăm Ethiopia lần này?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Nhận lời mời của Ngài
Tổng thống Ethiopia Mulatu Teshome, tôi rất vui mừng dẫn đầu Đoàn đại
biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Ethiopia. Đây là chuyến thăm
đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
tới Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia kể từ khi hai nước thiết lập
quan hệ ngoại giao năm 1976.
Việt Nam luôn coi trọng việc duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống và
thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Ethiopia. Tuy xa cách về địa lý, nhưng
hai nước có nhiều điểm tương đồng, đều là quốc gia đang phát triển với
lực lượng lao động trẻ, dồi dào và quyết tâm phát triển kinh tế, nâng
cao đời sống nhân dân.
Việt Nam luôn quan tâm theo dõi quá trình xây dựng, phát triển của đất
nước Ethiopia và rất ngưỡng mộ, chân thành chúc mừng những thành tựu rất
ấn tượng mà Ethiopia đã đạt được trong thời gian qua.
Từ một quốc gia luôn phải chịu hậu quả nặng nề của thiên tai hạn hán kéo
dài, tỷ lệ nghèo đói ở mức cao trong những năm 80 của thế kỷ trước,
Ethiopia đã vươn mình trỗi dậy trở thành “Con hổ châu Phi” với tốc độ
tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới ở mức trung bình trên 10% trong
suốt hơn một thập kỷ qua; thủ đô Addis Ababa được coi là trái tim của
châu Phi, nơi đặt trụ sở của hơn 90 tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó
có Liên minh châu Phi.
Trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, Ethiopia đóng vai trò ngày càng
tích cực trong việc gìn giữ hòa bình, an ninh, ổn định cho khu vực và
thế giới.
Do điều kiện mỗi nước, trong những năm gần đây, hai bên chưa có nhiều
dịp trao đổi đoàn; hợp tác kinh tế-thương mại còn chưa tương xứng với
tiềm năng của hai bên và nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Trong chuyến thăm này, tôi sẽ hội đàm với Ngài Tổng thống Mulatu
Teshome, gặp Ngài Thủ tướng Abiy Ahmed và lãnh đạo Thượng viện, Hạ
viện... nhằm trao đổi các định hướng và biện pháp thúc đẩy hợp tác song
phương, trong đó chú trọng tăng cường tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp
tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, thúc đẩy giao lưu văn
hóa, giao lưu nhân dân.
Cũng trong dịp này, tôi sẽ đến thăm và làm việc với lãnh đạo Liên minh
châu Phi - tổ chức lớn nhất châu lục, trao đổi về việc tăng cường hơn
nữa hợp tác nhiều mặt, nhất là trên lĩnh vực kinh tế giữa Việt Nam với
Liên minh châu Phi và các quốc gia thành viên; phối hợp tại các diễn đàn
quốc tế, khu vực, đặc biệt tại Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết
và khuôn khổ hợp tác Nam-Nam.
Tôi tin tưởng chuyến thăm lần này sẽ là động lực tích cực thúc đẩy quan
hệ hợp tác giữa hai nước chúng ta bước sang giai đoạn phát triển mới,
hiệu quả, tương xứng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt
Nam-Ethiopiavà tình cảm thân thiết của nhân dân hai nước.
- Xin Ngài Chủ tịch nước cho biết phương hướng hợp tác chủ yếu của
Việt Nam trên lĩnh vực kinh tế-thương mại với Ethiopia trong thời gian
tới?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Việt Nam luôn coi trọng
thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Ethiopia, trong đó hợp tác kinh tế-thương
mại là trọng tâm, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân mỗi
nước.
Hai nước chúng ta đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ và hội nhập
quốc tế sâu rộng. Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến
lược về kinh tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường thu hút
đầu tư trực tiếp nước ngoài và xúc tiến đầu tư ra nước ngoài...
Ethiopia với chính sách “Tăng trưởng và Chuyển đổi” đang có những bước
tiến dài đáng ngưỡng mộ trong phát triển kinh tế. Chúng tôi mong muốn
tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với Ethiopia, nhất là trong
những lĩnh vực hai bên có nhiều tiềm năng và có thể bổ trợ cho nhau.
Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với Ethiopia tăng đều qua
từng năm trong thời gian vừa qua song các con số này vẫn còn rất khiêm
tốn. Với dân số mỗi nước khoảng 100 triệu dân, Việt Nam và Ethiopiav có
nhiều cơ hội để tăng cường xuất khẩu hàng hóa vào thị trường của nhau.
Việt Nam mong muốn xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thực
phẩm chế biến, giày dép, may mặc, thủy sản, hàng điện tử-điện dân dụng,
vật liệu xây dựng, các sản phẩm từ cao su, gỗ, cơ khí chế tạo... sang
thị trường Ethiopia.
Các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu triển khai một số dự án đầu tư tại
châu Phi, trong đó Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Viettel đã triển khai
thành công các dự án đầu tư tại Mozambique, Tanzania, Cameroon,
Burundi, bày tỏ quan tâm và mong muốn đầu tư vào Ethiopia.
Thời gian tới, hai bên cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện
thuận lợi cho doanh nghiệp của nhau tăng cường khảo sát thị trường, xúc
tiến thương mại-đầu tư, chia sẻ thông tin... Bên cạnh đó, do điều kiện
xa xôi về địa lý, cần thiết lập các cơ chế thanh toán phù hợp, bảo đảm
an toàn các hoạt động giao dịch của doanh nghiệp, đồng thời đẩy nhanh
việc trao đổi, đàm phán tiến tới ký kết các thỏa thuận, hiệp định cần
thiết, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng
doanh nghiệp hai bên.
- Xin Ngài Chủ tịch nước cho biết ý kiến về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với các nước châu Phi?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Việt Nam và các nước châu
Phi có quan hệ hữu nghị đặc biệt, được hình thành trong quá trình đấu
tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do của mỗi nước, được Chủ
tịch Hồ Chí Minh và các nhà yêu nước tiền bối châu Phi đặt nền móng và
dày công vun đắp.
Chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng hợp tác
với các nước bạn bè truyền thống châu Phi, trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ
quý báu của nhân dân châu Phi đối với nhân dân Việt Nam trong những năm
qua.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 53/55 nước châu
Phi. Quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi phát
triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực.
Nhiều thế hệ chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp Việt Nam đã có mặt
tại các quốc gia châu Phi từ những năm 60 của thế kỷ trước, góp phần
nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, giáo dục và phát triển nông
nghiệp.
Với mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt, đặc biệt là về kinh tế
- thương mại, Việt Nam đã hai lần tổ chức Diễn đàn hợp tác Việt
Nam-châu Phi vào các năm 2003 và 2010; triển khai nhiều dự án hợp tác về
nông nghiệp và thủy sản, viễn thông, dầu khí..., đóng góp vào việc bảo
đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội và phát triển kinh tế của châu
lục.
Đặc biệt, từ năm 2014, các sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham
gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi
và Nam Sudan.
Hiện nay là thời điểm thuận lợi để Việt Nam và các nước châu Phi tăng
cường thúc đẩy hợp tác cùng phát triển. Việt Nam là một trong những quốc
gia phát triển nhanh, năng động ở Đông Nam Á với GDP tăng trưởng trung
bình trên 6% trong những năm qua, tổng lưu chuyển hàng hóa xuất nhập
khẩu của năm 2017 là trên 400 tỷ USD.
Với 1,2 tỷ người và GDP 2.500 tỷ USD, châu Phi gần đây được các tổ chức
quốc tế đánh giá là điểm sáng về kinh tế trong bức tranh chung nhiều
biến động của thế giới.
Đặc biệt, việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do châu Phi vừa qua sẽ đưa
châu Phi trở thành khu vực tự do mậu dịch rộng lớn và hấp dẫn. Đây là
thị trường lớn, đầy hứa hẹn với nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đa dạng và có
nhiều phân khúc thị trường phù hợp với sản phẩm và dịch vụ thương hiệu
Việt Nam như nông, lâm sản, may mặc, điện máy, dịch vụ viễn thông…
Chúng tôi đánh giá cao quyết tâm của các nước châu Phi trong nỗ lực cùng
nhau phát triển thành một khối đoàn kết thống nhất, vươn lên mạnh mẽ,
có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối giữa Liên minh châu Phi với ASEAN, thúc
đẩy hợp tác toàn diện giữa hai khu vực cũng như tăng cường phối hợp chặt
chẽ trên các diễn đàn toàn cầu và liên khu vực, góp phần vào hòa bình,
hợp tác và phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
- Xin trân trọng cảm ơn Ngài Chủ tịch nước!./.
(TTXVN)