Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu rất lớn là phải tạo nên một ấn
tượng Việt Nam với toàn cầu và khu vực thông qua WEF-ASEAN lần này.
Chính vì thế, mọi công việc đều phải được kiểm soát, chuẩn bị chu đáo và
có các phương án hết sức cụ thể.
Ngày 22/8 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường
trực Chính phủ về công tác chuẩn bị Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế
giới về ASEAN (gọi tắt là WEF-ASEAN) diễn ra từ ngày 11-13/9 tới tại Hà
Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các tiểu ban phải phát huy
những kinh nghiệm quý trong công tác tổ chức Năm APEC 2017, Hội nghị hợp
tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp
tác khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ 10 (CLV
10) vừa qua.
Thủ tướng nhấn mạnh để hội nghị đạt thành công toàn diện thì không được
chủ quan. Cùng với đó, cần có biện pháp để xã hội hóa nguồn lực, giúp
giảm chi phí từ ngân sách Nhà nước.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao tại phiên họp, đến nay, Ban tổ chức đã
thống nhất với WEF về tất cả phiên họp, hoạt động chính của Hội nghị
diễn ra từ ngày 11-13/9 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia; thống nhất
khung chương trình nghị sự với gần 60 phiên họp, hoạt động, trong đó có
nhiều phiên toàn thể được truyền hình, phát trực tiếp trên trang web của
Diễn đàn Kinh tế Thế giới và các hãng thông tấn có uy tín trên thế
giới.
Đến thời điểm này, đã có Tổng thống, Thủ tướng của 8 nước khẳng định
tham dự hội nghị. Cùng với một số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại
giao, ước tính có khoảng 50 đại biểu cấp Bộ trưởng tham dự hội nghị này.
Đến nay, đã có gần 800 đại biểu là lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực khẳng định tham dự.
Dự kiến có 120 phóng viên các hãng tin, truyền thông uy tín thế giới và trong khu vực dự và đưa tin.
Một số hoạt động chính của hội nghị là Diễn đàn mở có chủ đề “ASEAN 4.0
vì mọi người dân”; chiêu đãi chào mừng đại biểu; lễ đón chính thức Hội
nghị WEF-ASEAN 2018; phiên khai mạc toàn thể hội nghị; Dạ hội Văn hóa
Việt Nam; phiên bế mạc Hội nghị và trao chuông cho nước chủ nhà Hội nghị
WEF-ASEAN 2019; hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam; chương trình
tham quan quảng bá du lịch Việt Nam.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về mối quan hệ
tốt đẹp giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF); trong đó năm
ngoái, Việt Nam là nước đầu tiên ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối
tác công-tư (PPP) với WEF về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường
trước tương lai.
Thủ tướng nhấn mạnh sự kiện này phải tạo được niềm tin về chính sách,
môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện của Việt Nam. Vì
vậy, công tác chuẩn bị cho các hội nghị cần thể hiện được điều này, tạo
điều kiện kết nối giữa các nhà đầu tư của WEF và Việt Nam.
Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ về công
tác tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu rất lớn là phải tạo nên một ấn
tượng Việt Nam với toàn cầu và khu vực thông qua WEF-ASEAN lần này.
Chính vì thế, mọi công việc đều phải được kiểm soát, chuẩn bị chu đáo và
có các phương án hết sức cụ thể.
Thủ tướng yêu cầu trong công tác chuẩn bị, phải thể hiện được văn hóa
đặc sắc, vừa đậm nét truyền thống, vừa mang tính hiện đại, tính dân tộc
Việt Nam và cả các đặc tính ASEAN.
Trong công tác tuyên truyền, cần đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền về hình
ảnh và vị thế của Việt Nam; chuẩn bị tốt nhất công tác hỗ trợ cho các
phóng viên báo chí quốc tế tác nghiệp, tuyên truyền về hội nghị; sớm tổ
chức họp báo quốc tế để thông tin tuyên truyền về hội nghị.
Nhấn mạnh an ninh an toàn là vấn đề rất quan trọng đối với hội nghị, Thủ
tướng chỉ đạo các tiểu ban chuyên môn rút kinh nghiệm từ công tác đảm
bảo an ninh, an toàn các hội nghị quốc tế lớn trước đây để đảm bảo an
toàn tuyệt đối cho hội nghị này. Công tác đón tiếp phải thể hiện được sự
chu đáo, lòng mến khách và tạo ấn tượng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần tham mưu đề xuất các sáng kiến của
Việt Nam tại hội nghị; chuẩn bị tốt nhất các nội dung của các sự kiện,
thể hiện đúng tầm của nước đồng chủ trì hội nghị./.
(TTXVN)