Thứ Bảy, 27/4/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 13/10/2023 11:5'(GMT+7)

Chủ tịch VCCI: Cơ hội lịch sử và hiếm có để doanh nghiệp Việt tạo ra ‘cú bật’ mới

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lịch sử, hiếm có để tham gia và tạo vị thế mới trong các chuỗi giá trị quốc tế.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lịch sử, hiếm có để tham gia và tạo vị thế mới trong các chuỗi giá trị quốc tế.

Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và đón chào nghị quyết mới về phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Thưa ông, thời gian qua, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do chịu những tác động bởi tình hình thế giới, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển và phục hồi của nền kinh tế của đất nước? Đâu là những cơ hội để các doanh nhân có thể tận dụng?

Hiện nay, tình hình tình hình kinh tế cũng như tình hình chung thế giới biến động khó lường, rất bất thường. Việt Nam lại là quốc gia có độ mở rộng, nên bất cứ một biến động nào của thị trường nước ngoài cũng sẽ tác động đến Việt Nam. Bởi vậy, khi thế giới khó khăn thì Việt Nam cũng sẽ khó khăn. Khó khăn của ta vừa những hệ quả hậu covid, vừa là của những biến động xung đột vũ trang địa chính trị trên thế giới. 

Đặc biệt cuối năm 2022 bắt đầu khó khăn, khi đó cũng bắt đầu những biến động về thị trường bất động sản kéo theo ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác và cả nền kinh tế.

Sang năm 2023, nửa đầu năm tình hình vẫn tiếp tục khó khăn chính. Đến cuối năm 2023, chúng ta phải bắt đầu có những “tia sáng”, nhưng phải xem xét những “tia sáng” đó bản chất là cái gì mới, có phải là do kinh tế thế giới tốt hay không? Về bản chất, kinh tế thế giới chưa tốt lên, GDP thế giới chưa tăng trưởng, lạm phát  cũng chưa được khắc phục. Một số nước tăng nhập khẩu do tồn kho của họ đã tiêu thụ hết và họ phải chuẩn bị hàng hóa cho một chu kỳ mới của mùa Noel và năm mới chứ không phải là do nền kinh tế của các nước trên thế giới phục hồi. 

Chúng ta lạc quan, nhưng cũng không nên thái quá. Chúng tôi cho rằng phải đợi thêm 6 tháng đầu năm 2024 để dự báo xu thế giới, tuy nhiên, thế giới cũng vừa có những biến động mới không thể đoán trước được, nó sẽ tác động tiếp theo như thế nào. Không một chuyên gia kinh tế trên thế giới nào đưa ra được dự báo chính xác và  Việt Nam cũng vậy. Chúng ta phải luôn sẵn sàng cho một tâm thế ứng phó với tất cả các biến động. Đó là chiến lược tốt nhất trong quản trị doanh nghiệp hiện nay.  Do đó, đòi hỏi trong quản lý, điều hành hết sức linh hoạt, kể cả cấp vĩ mô và cả cấp quản trị doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, chính những cái khó khăn của thế giới và bất ổn đó sẽ tạo ra một cơ hội lịch sử cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Những khó khăn, xung đột trên thế giới đã tạo ra sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng này đã được thiết lập trước khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó chen chân vào chuỗi cung ứng quốc tế. Bây giờ do biến động này, khi thế giới đứt gãy chuỗi cung ứng thì doanh nghiệp Việt lại có cơ hội “chen chân” vào.

Cùng với đó, khi có áp lực xung đột, đặc biệt là có những mâu thuẫn trong quan hệ rất lớn, tạo áp lực cho sự dịch chuyển của các cơ sở sản xuất, các dòng vốn đầu tư, công nghệ phải tìm địa điểm mới trên thế giới. Chưa bao giờ có cơ hội lớn như vậy cho nước ta. Đúng như Tổng Bí thư nói: chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”. Ngày hôm nay, cơ đồ nước ta rất khác, hệ thống cao tốc đã hình thành việc kết nối giữa các tỉnh rất nhanh, do đó việc chọn lựa địa điểm để đặt cơ sở sản xuất được thuận lợi hơn 10-20 năm trước đây rất nhiều; việc tìm kiếm nguồn nhân lực cũng tốt hơn. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã đầu tư vào Việt Nam. 

Cộng đồng doanh nghiệp Việt cần xác định đây là cơ hội lịch sử và hiếm có đối với các doanh nghiệp Việt Nam đối với quốc gia. Tôi tin rằng đây là một cơ hội tuyệt vời nếu như chúng ta có sự đồng lòng và những quyết sách đúng đắn.

Chính thời điểm khó khăn nhất hiện nay thì cơ hội lớn nhất cho chúng ta tạo ra một “cú bật” mới và cú bật này là cú bật để trở thành quốc gia phát triển. 

Mới đây, cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng khi Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Với vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, thời gian tới, VCCI sẽ làm gì cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 41 đã đề ra, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, thưa ông?

Năm 2011, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.  Đây là một Nghị quyết hết sức quan trọng cách đây 12 năm, trong bối cảnh chúng ta cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

Các nghị quyết vào Việt Nam thường sau 10 năm sẽ tổng kết. Lần này, Nghị quyết 09 cũng vậy, Bộ Chính trị có giao cho VCCI  là đơn vị cơ quan chủ trì tham mưu cho Bộ Chính trị trong việc tổng kết nghị quyết, đưa ra những đề xuất.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW đã tạo được bước tiến rất lớn trong sự phát triển của doanh nhân Việt Nam, nhận thức của cấp uỷ, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và xã hội được nâng cao; việc thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân được đẩy mạnh; môi trường sản xuất, kinh doanh được cải thiện, ngày càng bình đẳng, thuận lợi. Vai trò của doanh nhân và tổ chức đại diện cho đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp được củng cố, phát huy. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đánh giá sau 10 năm Nghị quyết 09 cơ bản đạt được các mục tiêu.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu thì VCCI nhận thấy bối cảnh hiện nay đã khác, mục tiêu đất nước đã khác nên VCCI đã mạnh dạn đề xuất, khảo sát tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp, doanh nhân và tham mưu ra đời Nghị quyết 41.

Nghị quyết  41-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới có những nội dung rất mới, rất quan trọng. Đầu tiên là tư duy, nhận thức, quan điểm của chúng ta, vai trò đội ngũ doanh nhân, trước đây Nghị quyết 09 đã khẳng định doanh nghiệp doanh nhân là có vị trí, vai trò quan trọng.

Nghị quyết 41 đã có một bước tiến mới, một sự phát triển mới trong quan điểm đó là về vai trò đội ngũ doanh nhân không chỉ có vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Một bước ngoặt, nâng tầm trong quan điểm, có thêm 2 thành tố mới là bảo đảm quốc phòng, an ninh, vai trò doanh nhân, trong đó thực sự mà doanh nghiệp hoạt động, doanh nghiệp có thành nhiệm của quốc gia. 

Ngay trong quan điểm thôi. Nghị quyết xác định rất rõ trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp rất vui mừng vì điều này, an ninh, an toàn là yếu tố rất quan trọng, là yếu tố ưu tiên hàng đầu.

Cùng với đó, yếu tố bình đẳng được đưa vào. Xét thấy tổng kết Nghị quyết 09, chính sách của chúng cơ bản công bố là bình đẳng các thành phần kinh tế, các đối tượng. Tuy nhiên, thực tế trong ứng xử vẫn thiếu sự bình đẳng, cùng một nội dung nhưng ứng xử với doanh nghiệp lớn khác, doanh nghiệp nhỏ khác, doanh nghiệp nước ngoài khác, các doanh nghiệp trong nước khác. Lần này, với Nghị quyết 41 xác định rất rõ là phải thực sự bình đẳng. Cùng với đó, phát triển doanh nghiệp đi cùng với với trách nhiệm và cống hiến, cống hiến cho đất nước, cho quốc gia.

Nghị quyết cũng đưa ra những mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 230 và tầm nhìn đến năm 2045, những mục tiêu đồng bộ với những mục tiêu, định hướng của Đại hội 13 của Đảng đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập trung bình cao, công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao… 

Nghị quyết cũng nói đến việc hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Đây có nói đề cập rất nhiều những nội dung về rà soát, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, vấn đề về hoàn thiện, phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Thưa ông, một trong những nội dung mới của Nghị quyết 41 được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm là nội dung “không hình sự hoá quan hệ kinh tế”, ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

Trong Nghị quyết 41, có một ý mà doanh nhân doanh nghiệp rất hào hứng, rất ủng hộ, rất tán thành, đó là việc bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế. Đây là nội dung đã được nói đến nhưng hiện nay đã được chính thức hoá trong Nghị quyết. 

Thời gian tới chúng ta sẽ thể chế hóa định hướng này, chế tài kinh tế như thế nào? Các nước trên thế giới chế tài rất mạnh, sai thì có thể phạt hàng nghìn đô, hãn hữu lắm thì họ mới xử lý hình sự hóa và xử lý hình sự doanh nhân.  Bởi vì khi xử lý hình sự thì các nước nhìn thấy một điều rằng tổn thất cho quốc gia lớn hơn rất nhiều khi xử lý bằng chế tài khác. Bởi điều này có thể đánh gục ngay lập tức, phá sập một thương hiệu sập, một doanh nghiệp, hàng nghìn người ra đường ngay lập tức, thậm chí có lĩnh vực, ngành nghề nếu là doanh nghiệp trụ cột thì có thể đánh sụt một nền kinh tế. Đây là nhận thức mới, một định hướng rất mới, rất phù hợp với chủ trương phát triển đất nước.

Trong Nghị quyết cũng nhấn mạnh về mặt quan điểm xây dựng, tôn vinh và cổ vũ đội ngũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước, phồn vinh và hạnh phúc và có lẽ lần đầu tiên trong Nghị quyết của Đảng đã đưa ra khái niệm phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc được hiểu là doanh nghiệp quốc gia.

Đây là tầm nhìn mới, quan điểm mới nhằm xây dựng, phát huy, phát triển doanh nghiệp và phát triển của doanh nhân để có một đội ngũ doanh nhân dân tộc, đội ngũ doanh nghiệp dân tộc, có vai trò trong việc đảm bảo xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ quốc gia về đảm bảo an ninh quốc phòng.

Chúng ta cũng có tầm nhìn xa, định hướng ban hành một chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương gắn với mục tiêu quát và mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp nông nghiệp. Như vậy, chúng ta sẽ có một chiến lược chứ không phải là phát triển tự phát.

Chúng ta cần chính sách tạo đột phá để hình thành doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chứ không chỉ dừng lại ở việc đóng gói bao bì. VCCI sắp tới sẽ đề xuất, xây dựng chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân, xây dựng đạo đức kinh doanh. Tạo ra bản sắc riêng của doanh nhân Việt Nam, kết tinh văn hoá Việt Nam và văn hoá thế giới.

Nghị quyết 41 là điểm tựa cho cộng đồng doanh nghiệp giai đoạn mới, tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, hiện thực khát vọng dân tộc. VCCI mang hết sức để thực hiện sứ mệnh, đưa đội ngũ doanh nhân phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo baotintuc.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất