Theo các đại biểu, con người chịu sự ảnh hưởng nhất định về tâm lý sau
các thảm họa, thiên tai và điều đó ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của
họ và gia đình. Điều này khẳng định nhu cầu khá bức thiết về hỗ trợ tâm
lý và sức khỏe tâm thần của người dân là chịu ảnh hưởng của thiên tai,
thảm họa, các tình huống khẩn cấp.
Ngày 21/10 tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Trung tâm phát triển sức khỏe bền vững (VietHealth) tổ chức Hội thảo “Tham vấn tài liệu đánh giá nhu cầu và hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tâm thần sau thảm họa, sử dụng cho cán bộ y tế cơ sở và vận động chính sách hỗ trợ” với sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý, lãnh đạo các bệnh viện tâm thần tuyến Trung ương, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Theo các đại biểu, con người chịu sự ảnh hưởng nhất định về tâm lý sau các thảm họa, thiên tai và điều đó ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của họ và gia đình. Điều này khẳng định nhu cầu khá bức thiết về hỗ trợ tâm lý và sức khỏe tâm thần của người dân là chịu ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, các tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên đến nay, sự quan tâm, hiểu biết của cộng đồng nói chung và cán bộ y tế, cán bộ xã hội nói riêng về công tác hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tâm thần cho con người sau thiên tai, thảm họa vẫn còn hạn chế…
PGS,TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, Việt Nam là một trong 10 nước có số thảm họa tự nhiên nhiều nhất trên thế giới; bão và lũ lụt xảy ra với tần suất cao nhất và ảnh hưởng nặng nề nhất. Ảnh hưởng của bão đã gây nhiều hậu quả về sức khỏe, trong đó có tâm lý và sức khỏe tâm thần... PGS,TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ, trong khi trên thế giới đã có nhiều can thiệp hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tâm thần cho nạn nhân sau thảm họa được thực hiện thì Việt Nam lại có rất ít hướng dẫn cho vấn đề này, đặc biệt đối với các cán bộ y tế, là người trực tiếp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo rà soát các tài liệu về đánh giá nhu cầu hỗ trợ tâm lý và sức khỏe tâm thần sau thảm họa; tình hình hỗ trợ tâm lý và sức khỏe tâm thần sau thảm họa trên thế giới của đại diện Tổ chức Y tế Thế giới và Đại sứ quán Na Uy. Từ thực tế công tác hỗ trợ tâm lý và sức khỏe tâm thần sau thảm họa tại địa phương, đại diện Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đã đánh giá các rối loạn tâm thần liên quan đến bão tại thành phố Đà Nẵng…
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào tài liệu “Hướng dẫn Đánh giá nhu cầu và hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tâm thần sau thảm họa, sử dụng cho cán bộ y tế cơ sở” và tập trung vào các vấn đề liên quan đến chính sách cho các can thiệp hỗ trợ tâm lý và sức khỏe tâm thần sau thảm họa…
Đánh giá về tài liệu “Hướng dẫn Đánh giá nhu cầu và hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tâm thần sau thảm họa, sử dụng cho cán bộ y tế cơ sở”, PGS,TS Lương Ngọc Khuê cho rằng tài liệu là một bước quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân chịu ảnh hưởng của thảm họa. “Việc đào tạo và đưa vào sử dụng cuốn sách này là một việc quan trọng và cần thiết để khi có tình huống khẩn cấp xảy ra, các cán bộ y tế có thể là những người đầu tiên nhận biết và giúp đỡ những nạn nhân bị ảnh hưởng”./.
Theo TTXVN