(TG) - Cần chú trọng việc kiểm nghiệm chất lượng thuốc, nguồn thuốc, tiến tới xây dựng sàn giao dịch điện tử về thuốc đông y để minh bạch nguồn gốc thuốc. Đó là nhận định của Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Đậu Xuân Cảnh tại Hội thảo "Hiện đại hóa y học cổ truyền bằng giải pháp áp dụng công nghệ mới".
Sáng ngày 24/11, tại Hà Nội, Khoa Dược, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội thảo "Hiện đại hóa y học cổ truyền bằng giải pháp áp dụng công nghệ mới".
Hội thảo khoa học "Hiện đại hóa y học cổ truyền bằng giải pháp áp dụng công nghệ mới" chia sẻ kết quả nghiên cứu đề tài cấp bộ của dược sĩ chuyên khoa II (DSCKII) Trần Bình Duyên, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm, Dược liệu Trung ương I (Mediplantex), hiện đang là Trưởng Bộ môn Dược liệu - Dược cổ truyền (Khoa Dược, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội). Đề tài nghiên cứu đã vận dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại để bào chế thành công “cốm vị thuốc”. Không những thế, tác giả đã thành công triển khai ứng dụng nghiên cứu của mình vào sản xuất quy mô công nghiệp, đã sản xuất được gần 200 loại cốm vị thuốc. Đây là một bước ngoặt trong việc hiện đại hóa dược học cổ truyền, góp phần phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tại hội thảo, DSCKII Trần Bình Duyên cho biết: Hiện nay rất nhiều nước sử dụng y học cổ truyền (YHCT) trong phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng cũng như nâng cao sức khỏe. Việt Nam có nền YHCT lâu đời, triển vọng sử dụng thuốc YHCT trong nước là rất lớn. Hàng năm, cả nước dùng khoảng 4,5 vạn tấn đến 5 vạn tấn dược liệu. Tuy nhiên, tình hình sử dụng thuốc YHCT hiện nay tại Việt Nam còn nhiều hạn chế: Chất lượng dược liệu dễ bị suy giảm do khó bảo quản; khó kiểm soát chất lượng dược liệu; việc sử dụng thuốc YHCT chưa tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng chặt chẽ. Phương pháp sử dụng phổ biến nhất là sắc thuốc, trong khi sắc là một phương pháp kỳ công, tốn kém thời gian, người bệnh không sắc đúng hướng dẫn về kỹ thuật và thời gian có thể làm giảm hiệu quả điều trị…
Cuối năm 2018, Hội đồng khoa học Bộ Y tế cho phép thực hiện dự án nghiên cứu "Nâng cấp quy trình điều chế và hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng của một số cao khô dược liệu" và tiến tới bào chế thành dạng cốm vị thuốc, một bước hiện đại hóa YHCT. Dự án được thực hiện trong 3 năm tại Công ty cổ phần Dược liệu Việt Nam, do DSCKII Trần Bình Duyên làm chủ nhiệm dự án. Kết quả, nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng của các cốm vị thuốc y học cổ truyền: Ba kích, bạch chỉ, bạch truật, cam thảo, cát cánh... với khoảng trên 200 loại, tiến tới sẽ chuẩn hóa tất cả các cốm vị thuốc y học cổ truyền.
Cốm vị thuốc ra đời, ứng dụng trong thực tiễn điều trị của YHCT sẽ tạo ra bước đột phá trong việc sử dụng thuốc YHCT tại Việt Nam hiện nay với ưu điểm: Thuận lợi sử dụng, chất lượng được đảm bảo, đóng gói theo đơn vị chia liều nên dễ dàng bảo quản, vận chuyển, hấp thu nhanh, có thể điều chỉnh liều lượng dễ dàng, tạo ra nguồn nguyên liệu tiêu chuẩn hóa dưới dạng cao khô để phục vụ sản xuất thuốc đông dược, thực phẩm chức năng...
Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Đậu Xuân Cảnh nhận định, hội thảo có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc, hiện đại hóa y học cổ truyền bằng giải pháp áp dụng công nghệ mới là một hướng đi tốt. Tuy nhiên, để thực hiện thành công, rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các bệnh viện. Đặc biệt, cần chú trọng việc kiểm nghiệm chất lượng thuốc, nguồn thuốc, tiến tới xây dựng sàn giao dịch điện tử về thuốc đông y để minh bạch nguồn gốc thuốc./.
Thị trường dược phẩm Việt Nam hiện đạt quy mô gần sáu tỷ USD, mức tăng trưởng hằng năm gần 12%, lớn thứ hai khu vực Ðông - Nam Á. Cả nước có hơn 61 nghìn cơ sở kinh doanh thuốc, 1.400 bệnh viện... đòi hỏi công tác quản lý nhà nước ngành dược cần có những thay đổi.
Cục Quản lý dược đã triển khai kết nối mạng các nhà thuốc tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc; gần 100% trong tổng số 60.724 cơ sở cung ứng thuốc đã có phần mềm, 60% đã liên thông dữ liệu. Hệ thống đã quản lý hơn 7,2 triệu đơn thuốc, 26,7 triệu hóa đơn bán hàng, gần bốn triệu phiếu xuất nhập kho. Việc triển khai kết nối và liên thông với các cơ sở cung ứng thuốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý giá thuốc và tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về chống kháng thuốc.
|
Thành Luân