Thứ Năm, 3/10/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 6/8/2009 10:42'(GMT+7)

Chưa nên điều trị bệnh nhân cúm H1N1 tại nhà

Trang bị kỹ càng trước khi vào phòng bệnh nhân cúm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng

Trang bị kỹ càng trước khi vào phòng bệnh nhân cúm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng

Tại buổi họp Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống đại dịch cúm chiều 5.8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đã lưu ý ngay đến ca tử vong của bệnh nhân nữ 29 tuổi tại Khánh Hòa. Thứ trưởng yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh rút kinh nghiệm chung với các bệnh viện (BV), cần làm tốt hơn việc tư vấn cho bệnh nhân khi có biểu hiện nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1, tránh tử vong đáng tiếc do điều trị muộn. Thứ trưởng Huấn nhấn mạnh: “Thuốc kháng virus cần được điều trị sớm và hiệu quả cao nhất trong vòng 24 giờ đầu. Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 tại Khánh Hòa mặc dù đã được điều trị đúng phác đồ, nhưng đã tử vong do vào viện điều trị khi bệnh diễn biến nặng”.

TS Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia (CBTN), khuyến cáo tại VN giai đoạn này chưa nên áp dụng điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 tại nhà. Vì như vậy có thể dẫn đến tình trạng bệnh diễn biến nặng mới chuyển đến bệnh viện. Khi đó, nguy cơ tử vong rất cao.

Theo công bố của Ban giám đốc BV Thống Nhất (TP.HCM), tính đến 11 giờ trưa hôm qua tại BV có tổng số 14 nhân viên mắc cúm A/H1N1 (gồm 5 bác sĩ và 9 điều dưỡng), phần lớn họ làm việc ở khoa Khám bệnh và khoa Truyền nhiễm… Nghi ngờ nguồn lây nhiễm bệnh là vào ngày 31.7 BV có tiếp nhận khám cho 5 người và sau đó kết quả xét nghiệm cả 5 đều dương tính cúm A/H1N1. Hiện BV cho sát khuẩn khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 3 lần/ngày...

Trong một động thái khác, sáng 5.8, tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, bác sĩ Nguyễn Đức Tiến, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc với Sở Y tế Khánh Hòa về trường hợp bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 tử vong. Theo thạc sĩ - bác sĩ Lê Tấn Phùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế Khánh Hòa, triệu chứng gây tử vong của bệnh nhân L. là viêm phổi nặng, biến chứng suy hô hấp không hồi phục và dương tính với cúm A/H1N1. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 bị nặng thường có các yếu tố nguy cơ đi kèm. Bệnh nhân này không có yếu tố nguy cơ kèm theo, chỉ có một nguy cơ dễ nhận thấy, đó là điều trị muộn. Bệnh nhân phát bệnh từ ngày 25.7 nhưng đến 29.7 mới đến khám tại Bệnh viện Quân y 87. Kết quả chụp X-quang phát hiện viêm phổi, bác sĩ khuyên bệnh nhân ở lại điều trị nhưng bệnh nhân không chịu. Ngày 30.7, bệnh nhân quay trở lại với triệu chứng mệt hơn và nhập viện. Lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với cúm A/H1N1.

Tại Hà Nội, một học sinh (HS) tiểu học đầu tiên đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H1N1. Đó là trường hợp em Ng.M.T, HS lớp 1P, trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm (xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm). Bà Đào Thị Thủy - Phó hiệu trưởng trường này cho biết: nhà trường tập trung HS ôn tập và học hè từ ngày 18.7, đến ngày 31.7 khi có thông báo HS của trường kế bên là trường THPT Lô-mô-nô-xốp nhiễm cúm A/H1N1, nhà trường đã cho toàn bộ HS nghỉ học. Trong suốt thời gian học tại trường từ ngày 18 - 31.7, em T. không có biểu hiện gì bất thường về mặt sức khỏe. Tuy nhiên, theo thông tin từ gia đình em T. thì chiều tối ngày 31.7, em T. bị sốt nhẹ, sau khi khám và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, ngày 4.8, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia đã cho kết quả em T. dương tính với virus cúm A/H1N1.

Tại Đà Nẵng, ca nhiễm cúm thứ 9 ở TP cũng là một HS. Đó là em N.Đ.T.N (16 tuổi, trú đường Hải Sơn, P.Thanh Bình, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng). Tuy nhiên, N. vẫn đang trong thời gian nghỉ hè, nên hạn chế được tình trạng lây lan cho bạn bè. Hiện Đà Nẵng đang có 4 trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1 đang chờ kết quả xét nghiệm, trong đó có 2 trường hợp là cha và mẹ của bệnh nhân N.Đ.P.L.

Tại Đồng Nai, Sở Y tế Đồng Nai họp đột xuất rà soát công tác đối phó với dịch cúm A/H1N1 trong tình hình diễn biến phức tạp. Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng cho biết trong ngày ghi nhận thêm 1 trường hợp (Việt kiều Pháp) dương tính với cúm A/H1N1, nâng tổng số bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 trong toàn tỉnh lên con số 59 người. Riêng 15 mẫu bệnh phẩm của những trường hợp tiếp xúc gần 4 công nhân Công ty Scavi (KCN Biên Hòa 2) vẫn chưa có kết quả xét nghiệm. Gần 2.000 nhân viên, công nhân công ty vẫn được giám sát chặt chẽ. Ông Huỳnh Minh Hoàn, Phó giám đốc Sở Y tế, nhấn mạnh do đã có bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 tử vong nên phải hết sức cảnh giác, tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị cúm A/H1N1, chuẩn bị trang thiết bị, nhân lực để đối phó các ca bệnh nặng.

Liên quan đến thông tin cúm A/H1N1 tại Công ty Pousung VN (KCN Bàu Xéo, Trảng Bom), một cán bộ Sở Y tế khẳng định trường hợp nhiễm cúm tại Pousung VN không phải là công nhân mà là một chuyên gia người nước ngoài đi về từ vùng có dịch. Tuy nhiên, bệnh nhân này đã được cách ly điều trị và xuất viện từ đầu tháng 7.2009./.
 
(Theo Thanh niên online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất