Thứ Năm, 3/10/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 2/8/2009 22:9'(GMT+7)

Xử lý tình huống cúm A xuất hiện tại các toà nhà cao tầng, chung cư và công sở

Để giúp người dân và các cơ quan công sở chủ động, bình tĩnh đối phó với dịch cúm A(H1N1), giảm thiểu mức độ lây lan và thiệt hại về sức khỏe, kinh tế xã hội, theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, biện pháp hữu hiệu nhất mà nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện là chiến dịch tăng cường rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn thông thường. Biện pháp này đã góp phần làm giảm trên 40% tần suất bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp, nhất là cúm A(H1N1).

Các cơ quan truyền thông, nhà trường công sở và ngành y tế cần đẩy mạnh hướng dẫn người dân (đặc biệt là đối tượng học sinh, giáo viên những người trực tiếp chăm sóc dạy trẻ học, những người làm trong cơ quan, xí nghiệp tập trung đông người) tăng cường rửa tay hoặc sát trùng tay với dung dịch có chứa cồn (khi không có sẵn nước và xà phòng rửa tay) ở mọi lúc, mọi nơi khi có tiếp xúc với bề mặt nguy cơ, chăm sóc người bệnh tại gia đình và sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, chùi mũi...

Bản chất của cúm A(H1N1) về cơ bản giống như cúm mùa thông thường. Hiện chưa có đánh giá đầy đủ về thời gian tồn tại của vi rút trong tự nhiên nhưng chắc chắn virut cúm A(H1N1) tồn tại bền vững trong môi trường không khí lạnh, các phòng có sử dụng điều hòa nhiệt độ... Bên cạnh đó, vi rút này tồn tại trên bề mặt của các sàn nhà, bàn ghế, giường tủ và lây truyền qua đường hô hấp (các chất tiết của dịch mũi, họng, miệng)...Vì vậy, nguy cơ lây lan cúm A (H1N1) là rất cao trong cộng đồng đặc biệt tại những nơi tập trung đông người như công sở, toà nhà trung tâm, khu chế xuất, công nghiệp, trường học...

Đối với các chung cư cao tầng và công sở, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên mở cửa sổ để không khí được thông thoáng, hạn chế dùng máy lạnh, hạn chế tập trung ở những khu vực có thông khí không tốt. Đồng thời, các cán bộ, công nhân viên cần đeo khẩu trang khi giao tiếp đặc biệt với những bộ phận thường xuyên tiếp xúc với khách hàng. Khi mở cửa sổ và cửa chính để thông khí tự nhiên cùng với việc bổ sung thêm một số quạt thổi thích hợp sẽ giúp giảm lượng vi rút (nếu có) phát tán trong không khí từ người bệnh vào môi trường (sau 30 phút chỉ còn lại là 0,3% và sau 1 giờ còn lại 0%.). Đây vẫn là phương pháp hữu hiệu nhằm làm loãng và giảm nồng độ vi rút trong không khí tại công sở, chung cư cao tầng ít tốn kém, dễ thực hiện. Các chuyên gia y tế không khuyến khích sử dụng thang máy và điều hòa trong thời gian cúm A (H1N1) lây lan ra cộng đồng nhất tại công sở, chung cư cao tầng đã có người nghi ngờ hoặc đã nhiễm cúm.

Tuy vi rút cúm A(H1N1) lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp, nước bọt, dịch tiết những cũng dễ bị diệt bằng thuốc sát khuẩn Cloramin, nước xà phòng.Vì vậy, đối với các công sở, tòa nhà cao tầng để diệt được vi rút cúm A(H1N1), nhân viên cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dùng nước sát khuẩn để lau chùi các đồ vật như nắm cửa, bàn ghế, điện thoại, mặt sàn nhà, nhà vệ sinh... bằng Cloramin B hoặc nước xà phòng. Khi phát hiện đồng nghiệp có biểu hiện sốt, hắt hơi sổ mũi hoặc có yếu tố liên quan đến nguồn dịch như từ các vùng có dịch cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, để khỏi lây sang đồng nghiệp xung quanh, người đó nên đeo khẩu trang (loại khẩu trang y tế có 3 lớp và bán thấm) để ngăn chặn sự phát tán nguồn bệnh tới người khác và hạn chế tối đa tiếp xúc và giữa khoảng cách trên 1 mét với người đối diện.

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người: Ở những địa điểm tập trung đông người, cường độ giao lưu phức tạp, khi phát hiện có người nghi nhiễm hoặc nhiễm cúm A(H1N1) cần thông báo sớm cho cơ quan dịch tễ gần nhất. Tại khu vực ổ dịch, khu vực nguy cơ cao cần tiến hành khử khuẩn hàng ngày bằng các dung dịch Cloramin B hoặc nước xà phòng trên toàn bộ nền nhà, đồ vật, bàn ghế... Những địa điểm này cần tiếp tục khử khuẩn 7-8 ngày sau đó, mỗi ngày khử từ 1-2 lần theo quy định xử lý dịch của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bởi tác dụng của các chất sát khuẩn không bền vững. Bộ Y tế cũng khuyến cáo: Với tình hình dịch như ở nước ta hiện nay không nhất thiết phải đóng cửa hoặc triển khai các bệnh viện dã chiến tại công sở.

Ở Việt Nam hiện nay, tỉ lệ giường bệnh trên người bệnh so với các nước còn rất thấp. Nếu dịch xảy ra trên diện rộng sẽ có thể xảy ra tình trạng quá tải. Để chống quá tải người điều trị cúm A(H1N1) khi dịch bùng phát trên diện rộng, Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống điều trị phân tuyến điều trị, cách ly phù hợp. Trường hợp cần thiết có thể thành lập các khu vực cách ly tạm thời để chăm sóc và điều trị cho người bệnh.

Dịch cúm A(H1N1) đã xuất hiện ở Hà Nội nhưng chủ yếu là từ những người ở khu vực có dịch trong và ngoài nước về Hà Nội. Sự lây lan trong cộng đồng dân cư chưa ở mức độ phổ biến, nguy hiểm. Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều văn bản, hướng dẫn công tác phòng chống, xử lý dịch bệnh cho nhân dân. Đến nay, sau khi dịch xuất hiện tại công sở, nhiều tòa nhà và công sở có người nhiễm cúm, mọi công việc vẫn diễn ra bình thường và nhân viên đều được phát khẩu trang, hướng dẫn rửa tay bằng dung dịch khử trùng. Tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và trung tâm y tế các quận, huyện là các đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát tình hình dịch bệnh và trực tiếp xử lý khử trùng tại các ổ dịch. Các chuyên gia khuyến cáo cộng đồng không nên hoang mang, lo lắng, cần bình tĩnh thực hiện đúng các hướng dẫn của ngành y tế để chủ động ngăn chặn dịch hiệu quả nhất./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất