Thứ Năm, 3/10/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 4/8/2009 13:52'(GMT+7)

Công tác phòng, chống HIV/AIDS huyện miền núi Tri Tôn( An Giang)

Tri Tôn (tỉnh An Giang) là huyện miền núi, dân tộc, biên giới có 13 xã và 02 thị trấn, và có đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia chạy dài trên 10 cây số, nơi đây người dân thường xuyên qua lại làm ăn sinh sống. Với dân số 120 ngàn, trong đó người dân tộc Khmer chiếm hơn 42%, trình độ dân trí đa số còn thấp, ý thức tự chăm sóc sức khỏe chưa cao, nhất là ít hiểu biết về HIV/AIDS. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho dịch lan rộng ở 100% xã, thị trấn và đang diễn biến hết sức phức tạp tại xã như Châu Lăng, Cô Tô, An Tức, thị trấn Tri Tôn….

Xác định đây là đại dịch nguy hiểm, mối hiểm hoạ đối với sức khỏe, tính mạng của con người và tương lai của dân tộc, tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, từ cuối những năm 90, huyện xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, đề ra các biện pháp có hiệu quả như gắn công tác phòng, chống HIV/AIDS với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; xây dựng gia đình - làng văn hóa sức khỏe; đưa hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS là một trong những tiêu chí xét công nhận xã-phường-thị trấn - ấp-cơ quan văn hóa hằng năm.

Mặt khác, tăng cường tuyên truyền và nâng cao trách nhiệm của gia đình thông qua việc quản lý, giáo dục, tư vấn cho con em, đồng thời phát huy các chuẩn mực đạo đức gia đình, phong tục tập quán tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, huy động sự tham gia của cộng đồng, gia đình và cá nhân; khuyến khích các doanh nghiệp, các hội nghề, các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội - từ thiện tại địa phương và cộng đồng tương trợ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để người bị nhiễm và gia đình có thu nhập để sinh sống, giúp họ an tâm và thấy được trách nhiệm của mình, tự giác tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Song song đó, đảm bảo quyền bình đẳng và có biện pháp chống phân biệt, kỳ thị với người bị nhiễm.

Ngoài các hình thức tuyên truyền rộng rãi trong các cấp, các ngành, trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi sống an toàn, với tinh thần “Sống chung với AIDS”, ngành y tế đã duy trì đều đặn 248 lượt truyền thông trên đài phát thanh; cung cấp 15.000 tờ rơi (bệnh hoa liễu và AIDS); 200 tờ tranh, áp phích (phòng qua đường máu); 15 cụm pano (phòng, chống AIDS); 100 cuốn tạp chí, bản tin nhanh; cấp 42.000 bao cao su. Mở 18 lớp về phòng, chống AIDS; truyền thông trực tiếp cho gần 2.500 lượt người và tổ chức 122 buổi sinh hoạt câu lạc bộ người có “H” …

Bằng các biện pháp tích cực và thường xuyên, hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện đã có phần thuận lợi và kết quả khả quan hơn so với năm 2008. Trong 06 tháng đầu của năm 2009, chỉ phát hiện 09 người nhiễm HIV, 06 trường hợp chuyển giai đoạn AIDS và 02 ca tử vong. Đạt kết quả trên là do có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời và thường xuyên của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự hợp tác của các ban ngành, đoàn thể, nhất là trong cộng đồng dân cư đã có ý thức trách nhiệm hơn.

Để tiếp tục phòng, chống có hiệu quả cao hơn - trong thời gian tới, huyện xác định tiếp tục đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS là đầu tư cho sự phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội trực tiếp và gián tiếp; đảm bảo đầu tư các nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Cùng với tăng cường các giải pháp thông tin, truyền thông, giáo dục, thì việc tiến hành các giải pháp “Giảm thiểu tác hại” là một biện pháp can thiệp tốt nhất để hạn chế và giảm sự lây lan HIV/AIDS ra cộng đồng.

Nguyễn Đăng Giai (Ban TGTU An Giang)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất