Để phòng, chống “tự diễn biến” phải đặc biệt coi trọng biện pháp tuyên truyền. Tăng cường tính thuyết phục, hiệu quả trong công tác giáo dục chính trị, nâng cao tính chủ động và tính chiến đấu, tạo bằng được sự đồng thuận trong đơn vị và sự gắn kết giữa cá nhân với tập thể, hình thành nhu cầu đòi hỏi lẫn nhau giữa các quân nhân sẽ là “màng lọc” bảo vệ tập thể trước mọi tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Chiến lược “Diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc từ lâu đã chứng tỏ sự nguy hiểm, thâm độc và lan rộng trên mọi lĩnh vực, mọi đối tượng. Song, nham hiểm hơn và cũng gây tác hại lớn hơn chính là quá trình “tự diễn biến” trong mỗi con người, mỗi cơ quan, đơn vị. Lợi dụng đặc điểm này, các thế lực thù địch ra sức thúc đẩy “tự diễn biến”, coi đây là một trong những mục tiêu, biện pháp cơ bản, là cơ hội thuận lợi để đạt mưu đồ đen tối. Trên thực tế, “tự diễn biến” đang ngày càng lan rộng, không ngoại trừ một tổ chức, cá nhân nào, ngay cả trong tập thể quân nhân.
Tập thể quân nhân bao gồm những con người cụ thể nên không tránh khỏi sự tác động đa chiều từ bên ngoài dẫn tới sự biến đổi trạng thái tư tưởng trong mỗi con người. Dấu hiệu của sự biến đổi đó biểu hiện tập trung ở sự suy thoái về tư tưởng, bản lĩnh, đạo đức, lối sống, là thái độ chia rẽ đoàn kết nội bộ, mất cảnh giác trong thực hiện nhiệm vụ, thiếu rèn luyện bản lĩnh chính trị, thiếu tin tưởng ở cấp trên và đồng đội v.v.. Những biểu hiện đó dẫn tới tình trạng nội bộ đơn vị thiếu thống nhất, bè phái, ảnh hưởng tới sự đồng thuận về tư tưởng và hành động. Tình trạng này nếu không được cấp ủy, chỉ huy đơn vị kịp thời ngăn chặn, giải quyết triệt để, củng cố tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của cấp ủy đảng sẽ là mảnh đất màu mỡ cho kẻ thù lợi dụng thực hiện âm mưu chia rẽ, làm suy yếu từ bên trong.
Cùng với đó, tình trạng “rỉ tai” những câu chuyện trong và ngoài đơn vị cũng vô hình trung tạo tâm lý hoài nghi giữa các quân nhân với nhau và giữa quân với dân. Đây thực sự là nguy cơ nội tại cần khắc phục từ gốc.
Thực tế cho thấy, “tự diễn biến” trước hết và chủ yếu là về tư tưởng chính trị. Khi tư tưởng có vấn đề thì trong hoạt động dễ nảy sinh tiêu cực. Một khi tư tưởng chính trị chệch hướng, thì sẽ làm cho hành động của quân nhân sai lầm, hậu quả của nó hết sức khó lường nếu không sớm phát hiện và kịp thời xử lý. Đơn cử như việc truy cập thông tin trên mạng internet, chỉ cần một quân nhân vô tình đọc được những thông tin “ngoài luồng” rồi “rỉ tai” đồng đội thì liền sau đó sẽ có nhiều quân nhân khác đọc theo. Và lập tức những thông tin này âm ỉ lan truyền như những tế bào độc cư trú ngay trong tư tưởng mỗi quân nhân rồi phát triển, “di căn”... nếu không được giải quyết dứt điểm. Đây chính là thời cơ có một không hai để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, tung tin sai sự thật hòng làm mất đoàn kết nội bộ và suy giảm sức mạnh chiến đấu của tập thể quân nhân. Bài học nhỡn tiền từ vụ Nguyễn Tiến Trung ở Trung đoàn Gia Định hay một số vụ việc suy thoái tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ thời gian qua bị kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc là những ví dụ điển hình. Như vậy, đủ thấy tác hại khó lường của “tự diễn biến”, nó tạo ra hiệu ứng tiêu cực về mặt tư tưởng, tâm lý, tiềm ẩn ngay trong suy nghĩ, hành động, việc làm chủ quan, mất cảnh giác hằng ngày của mỗi quân nhân.
Để ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến” trong tập thể quân nhân, bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ phải phục tùng sự lãnh đạo, định hướng của cấp ủy đảng và sự quản lý của tổ chức. Trước hết, cần tăng cường công tác giáo dục, quản lý quân nhân nâng cao khả năng đề kháng trước những thông tin xấu độc, ngoài luồng. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chính trị cần sâu sát bám nắm và thông qua hệ thống “tai, mắt” ngay trong tập thể đơn vị để quản lý tư tưởng quân nhân và những dấu hiệu bất thường. Quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa “xây” và “chống”, chú trọng làm tốt công tác xây dựng, bảo vệ nội bộ, kiện toàn đội ngũ chiến sĩ bảo vệ, chiến sĩ dân vận ở từng cấp, phát huy hiệu quả của đội ngũ này để sàng lọc thông tin, lành mạnh hóa môi trường đơn vị.
Để phòng, chống “tự diễn biến” phải đặc biệt coi trọng biện pháp tuyên truyền. Tăng cường tính thuyết phục, hiệu quả trong công tác giáo dục chính trị, nâng cao tính chủ động và tính chiến đấu, tạo bằng được sự đồng thuận trong đơn vị và sự gắn kết giữa cá nhân với tập thể, hình thành nhu cầu đòi hỏi lẫn nhau giữa các quân nhân sẽ là “màng lọc” bảo vệ tập thể trước mọi tác động tiêu cực từ bên ngoài. Đội ngũ báo cáo viên, chính trị viên các cấp trực tiếp làm công tác tuyên truyền phải kết hợp nhuần nhuyễn thông tin hai chiều, tăng cường đối thoại, lắng nghe thông tin từ cơ sở nhằm mục tiêu định hướng đúng dư luận, điều chỉnh nhận thức để thống nhất hành động, không để “việc bé xé ra to” dẫn tới hậu quả đáng tiếc.
Xét cho cùng, đấu tranh chống “tự diễn biến” chính là đấu tranh trong nội bộ, đấu tranh với chính mình. Yêu cầu chống “tự diễn biến” trong tập thể quân nhân không mấy khó khăn nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo, ý chí quyết tâm và tinh thần đoàn kết nhất trí cao của mọi cán bộ, chiến sĩ tự giác rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, đề cao cảnh giác…/.
(Theo; Hoàng Thành/QĐND)