Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 31/1/2012 22:5'(GMT+7)

Văn hóa tâm linh

Thắp hương lễ chùa đầu năm. Ảnh minh họa/internet.

Thắp hương lễ chùa đầu năm. Ảnh minh họa/internet.

Chỉ riêng việc thắp nhang (thắp hương) đã có những chuyện đáng để nói. Từ bao đời nay, trước khi chắp tay khấn vái Thần, Phật, Tổ tiên, mọi người thường thắp nén nhang. Nén nhang cháy lên, tỏa vào không gian hương thơm của trầm và các hương liệu quý, vừa để tẩy trần – làm trong lành, chay tịnh cái không gian nhỏ hẹp mà mình đứng cầu khấn các bậc Thánh hiền, linh thiêng, vừa là nén tâm nhang thể hiện tấm lòng thành trước khi cung thỉnh, thưa gửi… Ấy vậy mà đến các chùa, nhiều người như quên mất điều đơn giản ấy, họ không chịu thắp một nén nhang mà đốt cả bó nhang, cháy đùng đùng như bó đuốc, xông vào hậu cung của chùa. Có lẽ những người ấy nghĩ bó nhang càng lớn sẽ càng thể hiện rõ hơn lòng thành của mình?!

Những năm qua, ở các chùa lớn như: Vĩnh Nghiêm, Pháp Hoa, Bà Thiên Hậu (Bình Dương), nhà chùa phải huy động khá nhiều phật tử ngăn chặn tình trạng này nhưng vẫn có người cố tình lén lút làm theo ý mình. Tại chùa Chính của chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) nằm trong động đá thiên nhiên, có lần do nhang đốt quá nhiều, khói mù mịt, ô nhiễm không khí, người lại quá đông khiến những người bệnh tim mạch đứng trong chùa ngất xỉu. Chùa Bửu Quang trên núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) ở độ cao hơn 600m, tọa lạc trong hang đá (như miệng rồng) cũng nhiều lúc gặp tình trạng tương tự chùa Hương. Hậu quả của tình trạng đốt nhang vô tội vạ, vi phạm quy định của chùa còn dẫn đến hỏa hoạn, tổn thất lớn. Còn nhớ, Tết năm ngoái, do đốt nhang quá nhiều, lại thiếu sự cẩn trọng của nhà chùa đã khiến ngôi Tam bảo cổ kính chùa Tảo Sách (còn gọi là Linh Sơn Tự, quận Tây Hồ, Hà Nội) bị thiêu rụi. Trước đó là cảnh cháy lớn tại chùa Dơi (Sóc Trăng) và chùa Đức Quang (quận 4, TP Hồ Chí Minh)… Xem ra văn hóa tâm linh ngay từ việc thắp nén nhang, chứ đâu phải điều gì to tát. Cái việc nhỏ ấy, ai đó không làm được, gây khó chịu, thiệt hại cho chúng sinh thì sao còn mong được Thần, Phật tỏ lòng từ bi, hỉ xả mà phù hộ, độ trì?

Hơn nữa, phải thấy rằng văn hóa tâm linh từ ngàn xưa nhắc nhở rằng: Chùa chiền là nơi cầu cho "Quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa…". Còn với mỗi người dân thường, lên chùa để cầu an và thêm một lần “xác nhận” với Đức Phật về tấm lòng thành, khuyên răn mình sống nhân từ, làm điều tâm phúc… Nhưng có những người chắp tay, cúi mình trước Phật Tổ, chỉ cầu được vinh hoa, phú quý, mua rẻ, bán đắt, thậm chí thành công trong các phi vụ buôn gian, bán lậu, làm ăn phi pháp… Thật là đắc tội với Đức Phật. Văn hóa tâm linh còn dạy, Phật ở trong tâm, “thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Rõ ràng, điều quan trọng nhất của mỗi người chính là tạo yên ấm trong gia đạo - kính trên, nhường dưới, thương yêu lẫn nhau, có trách nhiệm với nhau. Đó là cách tu tốt nhất, tạo nên sự thanh thản, yên vui cho mỗi con người. Bởi vậy, những ai có điều kiện đến các chùa xa, chùa gần là điều đáng quý, vừa lễ Phật, vừa kết hợp du lịch, thay đổi môi trường sống. Còn những ai chưa có điều kiện lên chùa cũng chẳng có gì phải lấn cấn, họ vẫn được hưởng ấm êm, cái tâm thanh thản, nếu thực sự biết tu tại gia.

Ngày Xuân, nhân vãn cảnh chùa, xin được tản mạn đôi nét về văn hóa tâm linh của người Việt chúng ta.

ĐÀO VĂN SỬ/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất