Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 25/1/2012 10:7'(GMT+7)

Văn hoá ứng xử - nói thêm về những điều cần nói

Rất cần ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Ảnh minh họa

Rất cần ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Ảnh minh họa

Văn hóa ứng xử được hình thành từ khi văn minh phát triển ở một cấp độ nào đó nhằm diễn đạt cách ứng xử con người đối với thiên nhiên, đối với xã hội và đối với chính mình

Ứng xử là thái độ, hành vi, lời nói thích hợp trong quan hệ giao tiếp giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Thuật ngữ văn hóa đặt trước ứng xử có nghĩa là tô đậm chiều cao phẩm chất, chiều rộng quan hệ của người ứng xử. Có con người là có cách ứng xử giữa họ với nhau, giữa họ với môi trường sống. Nhưng Văn hóa ứng xử được hình thành từ khi văn minh phát triển ở một cấp độ nào đó nhằm diễn đạt cách ứng xử con người đối với thiên nhiên, đối với xã hội và đối với chính mình.

Ở nước ta, dưới các triều đại phong kiến, văn hóa ứng xử chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Nho giáo là học thuyết luân lý nhập thế rất sâu, tạo nên những áp lực tinh thần, tâm lý, niềm tin của con người trong hàng nghìn năm. Đối với vua là “trung quân ái quốc”; đối với cha mẹ là hiếu đễ; thầy giáo là đối tượng được tôn vinh ở vị trí thứ hai sau vua và trước cha (quân, sư, phụ). Nho giáo coi lễ là hạt nhân của tư tưởng thống trị, là danh phận của đẳng cấp phong kiến. Lễ trong quan niệm của Khổng Tử là sửa mình, khôi phục lễ là nhân (khắc kỷ, phục lễ vi nhân). Các nhà tư tưởng nho giáo chủ trương cai trị dân bằng lễ (lễ trị), bởi tiêu chí của giai cấp thống trị bắt mọi người phải làm đúng giáo huấn, những kỷ cương: tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức. Thật nghiệt ngã đối với con người! May thay! Song song với học thuyết đạo nho, nước ta có một nền văn hóa dân gian sáng ngời chủ nghĩa nhân đạo, với triết lý bình dân trong văn hóa ứng xử. Nói về truyền thống nhân nghĩa chúng ta có câu: “Tình sâu nghĩa nặng”, “Tình làng nghĩa xóm”, “Thấu lý đạt tình”. Lý giải về ý thức cộng đồng, người dân viện dẫn: “Chung lưng đấu cật”, “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, “đông tay hơn hay làm”. Giá trị của lòng bao dung, khoan hòa, tâm lý sống bình yên được kết tinh qua nhiều thành ngữ: “Thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, “vì tình, vì nghĩa không ai vì đĩa xôi đầy”, “an cư lạc nghiệp”, “an khang hạnh phúc…”

Là một nhà hiền triết, khi tiếp nhận những giá trị của triết thuyết phương Đông, Bác Hồ là người đầu tiên sử dụng phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác, thừa nhận những “hạt nhân hợp lý”, gạt bỏ những rào cản phi lý của Nho giáo. Trong ngũ thường (Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), Người không nhắc chữ lễ, bởi phạm trù lễ bao gồm tam cương (Vua tôi, cha con, vợ chồng), tam tòng (phụ nữ ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con). Ngũ thường được Bác Hồ vận dụng gồm năm đức tính của người cách mạng: Trí, Tín, Dũng, Nhân, Liêm. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa ứng xử thật phong phú. Nó bao chứa ít nhất ba bình diện: văn hóa ứng xử đối với thiên nhiên, đối với xã hội, đối với chính mình.

Thiên nhiên là một trong hai nguồn lực cơ bản của phát triển. Người ta nói, nếu nguồn lực con người (human capital) là loại vốn đặc biệt, có khả năng tái sinh, là yếu tố đầu vào, là mục tiêu và trung tâm của phát triển, thì nguồn lực tự nhiên (naturel capital) là tài nguyên vô tận do thiên nhiên ban tặng: Rừng vàng, biển bạc, núi cao, sông sâu, đất đai phì nhiêu, kênh rạch chằng chịt, v.v… Tài nguyên thiên nhiên còn là do con người sáng tạo, bồi đắp vì sự mưu sinh. Cái khéo của hóa công chưa bao giờ bị con người từ chối, trái lại, con người đã dùng sức lao động và trí tuệ thông minh của mình để “chung sống” với thiên nhiên, thân thiện hài hòa với màu xanh, khí trời, sương sớm bình minh, chiều tím hoàng hôn. Rừng Việt Nam được quốc tế đánh giá cao về đa dạng sinh học, chủng loại, họ, nhóm thực vật. Biển Việt Nam có chiều dài mấy nghìn cây số với nhiều cảng thị sầm uất, bãi tắm, địa danh du lịch sinh thái nổi tiếng tạo một nền văn hóa biển quí giá. Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên chứa đầy mâu thuẫn. Con người thoát thai từ thiên nhiên, nhờ thiên nhiên mà sống và lao động, phát triển, thế mà con người lại đang tâm phá hoại rừng, biển, có lúc lại “tự hào” coi mình đã “chinh phục được thiên nhiên”. Thực trạng đó đã gây nhiều thảm họa, nhất là trong thời đại công nghiệp hóa, khi khoa học, công nghệ phát triển, người ta đã dùng mọi phương kế để khai thác kiệt quệ thiên nhiên với mục đích chạy theo lợi nhuận và lợi ích cục bộ. Liên quan tới văn hóa ứng xử đối với môi trường tự nhiên và môi trường sinh thái, chúng tôi nêu hai hiện tượng đáng báo động đỏ. Con số 1728 vụ gây ô nhiễm môi trường sinh thái được nêu ra trong Báo cáo Chính phủ tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII (11- 2011) nhưng chỉ mới khởi tố khoảng 150 vụ. Các khu công nghiệp tập trung, các làng nghề, tình trạng ô nhiễm nước, không khí, đất đai trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Người dân bức xúc kêu cứu tình trạng cuộc sống bị đe dọa: Một số làng gần nơi sản xuất công nghiệp có mức độ ô nhiễm cao, tuổi thọ trung bình của người dân thấp hơn 10 năm trước. Tại các làng nghề sản xuất, tái chế kim loại, chế biến nông sản, tỉ lệ người mắc bệnh thần kinh, hô hấp, da liễu, điếc, ung thư, bệnh phụ khoa, bệnh tiêu hóa, viêm da, hô hấp v..v… tăng lên rõ rệt. Ấy thế mà phía chủ thể gây tai họa lại “bình chân như vại”, thậm chí là vô cảm, coi như vô can. Tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách mà không tính đến số kiếp con người là sự tăng trưởng thua thiệt. Nạn chặt phá rừng, đốt trụi nương rẫy, khai thác lậu khoáng sản, cướp đất công để kinh doanh bất động sản v.v… được các nhà quản lý, chính quyền địa phương bảo kê, dung túng làm càn, mặc dầu họ không phá, không biết tác hại của nạn “chảy máu rừng”, đốt phá rừng là “ngõ cụt sinh thái” (imfasse écologique) đã gây nên những biến động khôn lường của thời tiết như nhiều năm nay, nhất là ở miền Trung.

Vậy làm thế nào để ngăn ngừa thực trạng khủng hoảng môi trường sinh thái dẫn đến thảm họa cho đời sống an bình, cho môi trường văn hóa? Về nhận thức, hãy coi môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái gắn kết với nhau, con người không được hành xử manh động, thô bạo, can thiệp mù quáng, mà phải dựa trên nhận thức đúng đắn quy luật khách quan của nó. Ngày nay, các nhà môi trường học coi cách ứng xử đó là sự thân thiện. Từ nhiều trăm năm trước, nhà triết học, nhà văn người Anh Francis Bacon (1561- 1626) đã nói: “Muốn làm chủ thiên nhiên là phải vâng lời nó”, tức là khi đụng chạm tới đất đai, rừng biển, sông suối… các nhà chức trách phải có chủ trương đúng đắn, đồng bộ, vừa có lợi cho quốc kế, dân sinh, vừa không để ảnh hưởng xấu đến khí hậu vùng, phòng ngừa mọi tai biến, sự “trả thù” của thiên nhiên.

Lùi sâu vào lịch sử nước ta, văn hóa ứng xử được con người dự cảm về mối khoan hòa giữa tự nhiên và con người, giữa cảnh và tình thường được miêu tả trong nhiều tác phẩm nghệ thuật. Người bình dân quanh năm vất vả với miếng cơm manh áo vẫn nghĩ tới, dù là mơ hồ, về cảnh quan thiên nhiên xung quanh nơi ở, đường làng, ngõ xóm, cây đa, khóm trúc gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, đạo đức làm người. Người cao niên thường khuyên con cháu tránh bắt chim non mà mắc tội, không được “hái lộc” để cây xanh trụi lá, khuyên thả chim, thả cá vào các dịp lễ hội. Họ thường coi đất là biểu tượng sự sinh sôi, điềm lành, điềm tốt: “Đất lành, chim đậu”, “Đất thiêng, người hiền”, hoặc răn đe những kẻ vô tình, vô cảm phá hoại môi trường sinh thái: “Đất có thổ công, sông có hà bá”, “đất có lề, quê có thói” v.v… Tâm lý “nhớ màu xanh”, nhớ “rừng chiều”, “quê cũ” thường có ở những người thành thị. Người ta liền nghĩ ra phương thức “Kiến trúc cộng sinh”, tức là đưa cảnh quan thiên nhiên vào nơi ở. Một khóm trúc quân tử, một chậu tùng trượng phu, một cây đào thế, mấy giỏ phong lan ở các cửa sổ không chỉ làm “xanh hóa” môi trường sinh thái, mà còn nói lên tình cảm nhân cách, hoài vọng của con người đối với tự nhiên.

Có nhiều chuyện để nói văn hóa ứng xử của cá nhân đối với xã hội. Bức xúc nhất, cập nhật nhất là văn hóa giao thông đô thị. Quá trình đô thị hóa đặt ra ở nhiều nước, một mặt là xây dựng hạ tầng cơ sở, quy hoạch đồng bộ các phương tiện phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, kiến trúc bộ mặt đô thị, mặt khác, phải tính đến sự gia tăng dân số, sự quá tải của giao thông, môi trường sinh thái và môi trường nhân văn. Nước ta cũng không nằm ngoài quy luật đó. Cần phải có nhiều kế sách để việc đi lại ở các đô thị đông dân, phương tiện tham gia giao thông đa dạng, diện tích mặt đường hẹp, vỉa hè bị lấn chiếm v.v...mà vẫn thông suốt. Bài toán chưa có lời giải đáp: tại sao ở các nước đang phát triển cũng có thực trạng như nước ta, mà nạn kẹt xe được giải quyết, những vụ tai nạn bị kiềm chế, cách ứng xử có văn hóa khi không may xe cộ va chạm với những lời “xin lỗi”, “cám ơn” đã làm cho hai phía đều vui vẻ? Còn ở nước ta, theo thống kê của các cơ quan thông tin đại chúng, mỗi năm có đến vài chục nghìn người tử nạn và trọng thương. Cách ứng xử vô văn hóa của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông đã dẫn đến tình trạng không ai nhường ai, đổi lỗi cho nhau, thiếu ý thức tự giác khi mình có lỗi, không tôn trọng số đông nghiêm chỉnh, coi thường kỷ cương đường phố. Thậm chí nạn vô cảm, “sống chết mặc bay” trước cảnh đồng bào bị nạn, bị móc túi trên xe buýt, thậm chí một số người chứng kiến cảnh đau lòng đó không chung tay, góp sức để giải quyết hậu quả cùng với nhà chức trách, trái lại còn “hôi của” của nạn nhân. Tìm nguyên nhân, tại sao đến nông nỗi này giữa thanh thiên bạch nhật? Chủ nghĩa vị kỷ, sự khủng hoảng niềm tin, tâm lý chạy theo đồng tiền bất chính, sự coi thường phép nước… Tất cả đều không sai, đều đúng, nhưng cốt lõi là ý thức thiếu tự giác trong văn hóa giao thông. Con người có gốc gác là động vật có ý thức, có mục tiêu giá trị, luôn luôn lấy chữ thiện (vốn là bản chất người) để răn mình, khuyên người. Bất cứ hành xử một điều gì trước khi hoạt động, con người đều đặt câu hỏi: làm gì và làm như thế nào? Trái lại, các động vật là vô ý thức. Các tôn giáo lớn sở dĩ được nhiều người sùng ái chính là vì lấy chữ thiện để giáo hóa các tín đồ. Thất nhân, thất đức, bất hiếu, bất trung chính là hậu quả của cái ác, là quy luật muôn đời, là quả báo đối với những kẻ vô lại, bất lương. Hãy cảnh giác và loại trừ chúng ra khỏi đời sống tinh thần của chúng ta.

Một thực trạng khác để lại hậu quả xấu lâu dài, nghiêm trọng, phổ biến trong xã hội ta là nạn tham nhũng, hối lộ, lãng phí của công. Những hành vi này chủ yếu tập trung ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức có quyền. Chúng vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của sự tha hóa quyền lực (C.Mác), tâm lý hưởng thụ, chạy theo đồng tiền, nếp sống xô bồ, thác loạn, vơ vét của công với suy nghĩ nông cạn “tư duy nhiệm kỳ”, có sự bảo đảm khi “hạ cánh an toàn”. Trên thực tế, thực trạng đó đã xô đẩy một bộ phận cán bộ đương chức biến thành những con người có tâm lý căng thẳng, lo lắng, bất an, sống thiên về lý trí, vô cảm, lạnh lùng trong giao tiếp, làm nghiêng lệch nhu cầu văn hóa của con người. Họ chính là thủ phạm và là nạn nhân của thực trạng trên khi bị pháp luật trừng trị. Vì mục đích lợi nhuận, họ coi thường những giá trị tinh thần, giá trị nhân văn trong mọi quan hệ xã hội. Các cơ quan hữu trách về pháp luật, về an ninh, về tổ chức đã có hàng trăm biện pháp để ngăn ngừa các loại tội phạm, nhưng chưa thật hiệu quả do cơ chế lỏng lẻo, thực thi pháp luật thiếu nghiêm minh, trong đó nổi lên cơ chế kiểm tra, kiểm soát chống tham nhũng lại nằm trong bộ máy đảng, chính quyền. Tình trạng này đã được Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII phát hiện và bàn bạc, đi tới thống nhất, trả lại sự khách quan, minh bạch của cơ chế, cơ quan chống tham nhũng. Tin tưởng rằng, cuộc đấu tranh này sẽ tiếp diễn quyết liệt và chắc chắn sẽ có hiệu quả.

Giá trị cao nhất của mọi giá trị văn hóa chính là con người, con người có nhân cách văn hóa. Sự hoàn thiện nhân cách là chiến thắng lớn nhất của văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng, cuộc chiến đấu vì nhân phẩm và tự do phải đặt lên trên mọi cuộc chiến đấu khác. Tính kinh điển, tính thời sự câu nói triết học của Người thật hữu ích đối với con người hôm nay. Văn hóa ứng xử của cá nhân đối với chính mình tóm tắt hai chữ: “tri kỷ” (biết mình), là giá trị làm công dân, mà mỗi người tự xác định, tự giác thực hiện chứ không chờ sự cưỡng bức của luật, sự nhắc nhở của hệ chuẩn xã hội. Ở các nền văn hóa khác nhau có hệ chuẩn không giống nhau, nhưng vẫn có giá trị chung. Đó là sống có lý tưởng, trung với nước, hiếu với cha mẹ, tình thương đối với đồng bào, trung thực với bạn bè, giữ chữ tín trong mọi quan hệ. Trong văn hóa phương Đông, Khổng Tử khuyên mọi người tu tâm dưỡng tín với sáu chữ: “Nhất nhật tam tĩnh ngô thân”. Đối với người Nhật, nhân cách văn hóa được công thức hóa: Thiện, Ích, Đẹp. Nước ta coi trọng mục tiêu giá trị: Chân, Thiện, Mỹ. Ở châu Âu, người ta nói tính cách, khi bàn giá trị nhân cách tiêu biểu dân tộc. Tính cách Nga được thể hiện ở lòng đôn hậu, tình thủy chung, nghĩa cử quốc tế cao cả. Khẩu hiệu: “Tri thức là sức mạnh” (Knowledge is power) được nhiều nước tư bản châu Âu viện dẫn và ảnh hưởng tới hành động đã mấy trăm năm. Bí quyết hàng đầu của người Do Thái là sự trọng học, đề cao vai trò của trí tuệ, tôn sùng học vấn và tài năng. Để con gái lấy được học giả, hoặc lấy được con người là học giả làm vợ thì không tiếc tài sản. Tuy nhiên, họ cũng coi tri thức mà thiếu thực tiễn chẳng khác nào chú lừa chỉ biết thồ trên lưng sách vở. Ở các gia đình người Do Thái, tủ sách thường để đầu giường. Một câu chuyện tưởng như giai thoại: Người mẹ Do Thái hỏi con:

- Nếu chẳng may nhà bị cháy, thì con mang theo cái gì?

- Tiền bạc, của cải quí. Người con trả lời.

- Người mẹ chữa lại: Không, không phải. Chỉ có trí tuệ, vì trí tuệ làm nên tất cả, nếu như con còn sống, nó mãi mãi đồng hành với con.

Đối với nước ta, trong bối cảnh xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề văn hóa ứng xử cá nhân được xác lập trên cơ sở tôn trọng giá trị tinh thần phải bình đẳng với giá trị vật chất, có sự hài hòa giữa lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân, giữa lý tưởng và hiện thực. Ý thức tự giác cá nhân có khi quyết định vận mệnh con người. Không thể một lúc cải tạo được toàn xã hội, nhưng có thể và cần phải tu dưỡng từng bước gập ghềnh của mỗi cá nhân. Đòi hỏi cao của bản thân mình là dấu hiệu văn hóa. Khổng Tử nói câu chí lý về mối quan hệ giữa nói và làm của mỗi con người: “Kim ngô ư nhân dã, thính kỳ ngôn, quan kỳ hành” (Luận ngữ) (Tạm dịch: Nay ta đối với người không chỉ nghe lời nói, mà phải xem xét việc làm…). Ý thức tự giác phải song hành với hành động tự giác. Đó chính là văn hóa ứng xử của cá nhân đối với chính mình một cách hoàn thiện trong bất cứ hoàn cảnh nào./.

GS. VS. HỒ SĨ VỊNH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất