Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 2/2/2012 14:22'(GMT+7)

Đổi giờ làm, giờ học, có giảm được ùn tắc?

Ghi nhận qua ngày đầu tiên đổi giờ làm, tình trạng giao thông ít nhiều đã được cải thiện, một số điểm ù tắc lâu nay đã thông thoáng hơn. Tình trạng lưu thông trên một số tuyến phố, một số trục giao thông chính của thành phố đã trở nên “dễ thở” hơn đối với người tham gia giao thông. Tuy nhiên, mới chỉ ngày đầu tiên thử nghiệm, nên việc khẳng định chủ trương này hợp lý hay chưa vẫn cần có thời gian. Mọi chính sách khi ban hành đều cần có độ trễ, để được kiểm chứng, kiểm nghiệm…

Bài toán về tình trạng ùn tắc giao thông chưa có đáp án, nhưng với việc đổi giờ làm, giờ học, hơn 1,5 triệu gia đình có con em đang theo học các cấp từ mẫu giáo, tiểu học đến phổ thông trung học trên địa bàn thành phố đã phải thay đổi thói quen lâu nay. Vấn đề đưa đón con, ăn uống, sinh hoạt sẽ được thiết lập lại để phù hợp với yêu cầu mới. Sẽ có rất nhiều tình huống nảy sinh, nhiều khó khăn phải giải quyết, trong đó hai chủ thể chính là gia đình và nhà trường sẽ là những đơn vị gánh vác trọng trách này.

Đối với các hộ gia đình, đó là lịch đưa đón con, đồng thời bố trí bữa cơm trong gia đình sao cho hợp lý nhất đối với tất cả các thành viên. Còn phía nhà trường, ngoài việc sắp xếp lại lịch giảng dạy, còn phải lo tính đến việc quản lý các em sau giờ tan học. Như trường Chu Văn An (Quận Tây Hồ) ngày hôm qua đã phải lắp thêm hệ thống đèn chiếu sáng trị giá 50 triệu đồng để phục vụ các em. Bởi lẽ, sau 19 giờ các em mới trở về nhà, không thể để các em “chơi trong bóng tối”.

Sau một tháng thay đổi giờ làm, giờ học, UBND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá xem việc đổi giờ làm, giờ học có phù hợp hay không. Trước mắt, UBND thành phố yêu cầu các ngành, các cấp và các gia đình đồng thuận với quyết sách này. Việc thay đổi giờ làm, giờ học không chỉ là việc của riêng Sở Giáo dục - Đào tạo và các trường trên địa bàn thành phố mà cần có sự chung tay, chung sức của nhiều đơn vị, nhiều cá nhân, tập thể. Sở Giáo dục - Đào tạo cũng có công văn đề nghị các trường tuyệt đối không được thu thêm bất kỳ khoản phí nào đối với phụ huynh các học sinh; nhưng với ngân sách hạn hẹp của các trường, liệu các khoản phụ phí đối với học sinh mẫu giáo như trông thêm ngoài giờ, với học sinh các cấp lớn hơn như lắp thêm đèn chiếu sáng… có đè thêm lên vai các bậc phụ huynh không?

Việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông không nhất thiết từ chủ trương đúng đắn phía cơ quan ban hành chính sách, điều quan trọng chính là ý thức của người dân khi tham gia giải quyết vấn đề này. Trong điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông còn kém, khi chưa có tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, việc giải quyết tình trạng giao thông phải trông chờ vào việc thay đổi giờ đi lại của người dân. Nếu người dân chấp nhận hy sinh thói quen sinh hoạt của mình tình trạng giao thông sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, các nhà ban hành chính sách có tính đến yếu tố tâm sinh lý của học sinh, khi các em học sinh cấp 3 và đại học phải hy sinh khoảng thời gian chơi thể thao của mình, thay đổi giờ ăn uống. Thời gian sinh hoạt ăn uống của các em bị đảo lộn, phụ huynh dáo dác đưa đón con, các thói quen sinh hoạt thể thao, văn hoá cộng đồng đành phải hy sinh…

So sánh những thay đổi các hộ gia đình phải chia sẻ với việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đô thị, cán cân sẽ nghiêng về phía nào? Hãy cùng chờ đợi sau một tháng thử nghiệm, liệu phương án thay đổi giờ làm, giờ học có hợp lý không? Mong rằng, tình trạng ùn tắc giao thông không phải trông chờ vào phương án mới./.

Trọng Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất