(TCTG) - Nhân Tháng hành động quốc gia về Dân số, và ngày Dân số Việt Nam 26/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 2161/QĐ-TTg (26/11/2010), lấy tháng 12 hàng năm là Tháng hành động quốc gia về Dân số. Quyết định này thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về DS-KHHGĐ, đồng thời cũng cho thấy Đảng, Chính phủ Việt Nam đã coi trọng vấn đề dân số, và đó là vấn đề kinh tế -xã hội quan trọng hàng đầu của đất nước.
Thực tế cho thấy, sau gần 50 năm thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ), và 10 năm thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam (1001-2010), trong đó có thực hiện cam kết quốc tế về dân số, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, công tác (DS-KHHGĐ) của Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, song cũng đứng trước nhiều thách thức.
DS-KHHGĐ, kiểm soát, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Theo kết quả Tổng Điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/2009, công tác dân số đã đạt đạt được kết quả tốt. Tỷ lệ gia tăng dân số trung bình hàng năm đã giảm xuống còn 1,2%. Đó là mức giảm sinh lớn nhất và cũng là tỷ lệ gia tăng dân số thấp nhất trong vòng 50 năm qua, trong đó tổng tỷ xuất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ) đã giảm xuống và đạt dưới mức sinh thay thế… Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ lại đang đứng trước những thách thức hết sức to lớn. Theo TS. Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế, thì: Mặc dù công tác giảm sinh chúng ta đã làm tốt, song chưa bền vững. Việt Nam vẫn có quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và kết quả giảm sinh chưa vững chắc, chưa giảm trừ được khả năng mức sinh tăng trở lại. Vẫn còn 28/63 tỉnh thành (chiếm 34% dân số cả nước) chưa đạt mức sinh thay thế, và chất lượng dân số còn thấp.
Trong khi đó, giới tính sinh của Việt Nam ngày càng trở nên mất cân bằng, tăng nhanh, tăng liên tục trong những năm gần đây. Cũng theo kết quả tổng Điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/2009, tỷ số giới tính khi sinh là 111/100. Theo các chuyên gia nghiên cứu quốc tế, sự mất cân bằng giới tính thường chỉ xuất hiện ở các nước có nền văn hoá tương đồng, ưa thích sinh con trai hơn con gái như ở Trung Quốc,Việt Nam, v.v.., song “chưa có một quốc gia nào lại có tốc độ gia tăng nhanh và diễn biến phức tạp như ở nước ta” [từ năm 2006 đến nay, tốc độ tăng nhanh và liên tục: năm 2006 từ 110 lên 111 (năm 2007) và 112 (năm 2008).
Nếu thực trạng này không được kiềm chế và kiểm soát tốt, nếu tâm lý “trọng nam hơn nữ”, cần con trai vẫn còn nặng nề trong tâm lý đàn ông, thì tất yếu dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong vài thập kỷ tới. Và lúc đó, sẽ có hiện tượng nam thanh niên Việt Nam không thể lấy được vợ người Việt Nam như hiện trạng ở một số nước xung quanh. Hơn nữa, nếu không có một giải pháp tích cực hơn, đồng bộ hơn, thì sự mất cân bằng giới tính này sẽ để lại những hệ luỵ lâu dài, tác động xấu đến trật tự an ninh xã hội.
DS-KHHGĐ vì sức khoẻ, vì hạnh phúc của mỗi gia đình và vì sự phát triển bền vững của dân tộc
Việt Nam đang bước vào giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, đồng thời cũng bước vào giai đoạn “già hoá dân số” với tỷ trọng người cao tuổi tăng nhanh. Năm 2009, tỷ trọng người từ 65 tuổi trở nên là 6,6%, và chỉ số già hoá là 35,7%, cao hơn mức trung bình là 30 % ở khu vực Đông Nam Á. Quá trình già hoá này không chỉ gây áp lực đến việc chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, đến chính sách an sinh xã hội, mà còn dẫn đến chất lượng dân số thấp. Bên cạnh đó, tuổi thọ bình quân khoẻ mạnh không cao (66 tuổi, xếp thứ 116/182 quốc gia), tỷ lệ dân số bị thiểu năng trí tuệ chiếm tới 1,5% dân số, môi trường sống độc hại, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn còn,v.v.. đã làm cản trở sự phát triển bền vững, và đặt đất nước ta trước nguy cơ tụt hậu ngày càng xa.
Từ thực trạng đó, nhân Tháng hành động quốc gia về Dân số, và ngày Dân số Việt Nam 26/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 2161/QĐ - TTg (26/11/2010), lấy tháng 12 hàng năm là Tháng hành động quốc gia về Dân số. Quyết định này thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về DS-KHHGĐ, đồng thời cũng cho thấy Đảng, Chính phủ Việt Nam đã coi trọng vấn đề dân số, và đó là vấn đề kinh tế -xã hội quan trọng hàng đầu của đất nước.
Trên tinh thần đó, Bộ Y tế cũng đã quán triệt và thể hiện sự quyết tâm trong việc thực hiện Tháng hành động quốc gia về Dân số bằng văn bản 8435/BYT-TCDS (6/12/2010). Chủ đề của Tháng hành động là: “DS-KHHGĐ vì sức khoẻ, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước”.
Năm nay, năm đầu tiên chúng ta thực hiện Tháng hành động quốc gia về Dân số, với những hoạt động chủ yếu: “Tổ chức các sự kiện, chiến dịch, hoạt động truyền thông trên các kênh truyền thông đại chúng và kênh truyền thông trực tiếp ở các cấp; tổ chức các hội nghị, hội thảo, các diễn đàn trao đổi về thực trạng, hiệu quả, nguyên nhân và đề xuất giải pháp để từng bước giải quyết có hiệu quả những khó khăn, thách thức, các vấn đề trọng tâm của công tác DS-KHHGĐ; tổ chức khảo sát, kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá việc thực hiện các chủ trương, luật pháp, chính sách hiện hành của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ; triển khai đồng bộ các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình cho nhân dân tại cụm dân cư. Nội dung của nhữn hoạt động chủ yếu nêu trên, tập trung vào công tác DS-KHHGĐ nói chung và mất cân bằng giới tính khi sinh nói riêng”[1], với hai mục tiêu, sẽ nhận được sự đồng thuận, chung sức của toàn xã hội:
1/Ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vì sức khoẻ, hạnh phúc của mỗi con người, mỗi gia đình, thể hiện tầm chiến lược vì sự phát triển bền vững của dân tộc.
2/ Tăng cường sự tham gia phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, sự giúp đỡ của quốc tế,… đối với công tác DS-KHHGĐ.
Đây là năm đầu tiên, Việt Nam thực hiện hai mục tiêu của Tháng hành động quốc gia về Dân số, vì sự phát triển bền vững của dân tộc. Và từ sự khởi đầu nan này, hy vọng rằng khi công tác DS-KHHGĐ được nhận thức sâu sắc, được thực hiện sâu rộng, thì vấn đề “coi con trai cũng như con gái”, và quy mô gia đình nhỏ “nên có một đến hai con” cũng sẽ được thực hiện “triệt để” hơn, để có thể chăm sóc tốt hơn cho những chủ nhân tương lai của nước nhà./.
Ths. Văn Thanh Hương
Ban sách Nhà nước và Pháp luật, Nxb.CTQG
[1] Bộ Y tế, Hướng dẫn triển khai Tháng Hành động quốc gia về Dân số