Thứ Hai, 23/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Tư, 1/12/2010 21:23'(GMT+7)

Nên có đề án về kiểm soát chất lượng dân số đồng bào vùng dân tộc

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Theo báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ, trong khi cả nước đã đạt mức sinh thay thế (số con trung bình của một phụ nữ) là 2,03 con thì ở các tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, mức sinh còn rất cao.

Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, trong tổng số 20 tỉnh có đông đồng bào thiểu số sinh sống có đến 13 tỉnh (65%) chưa đạt mức sinh thay thế. Đặc biệt có đến 8 tỉnh mức sinh vẫn còn cao với tổng tỷ suất sinh thô (TFR) là trên 2,5 trong đó đặc biệt có Kon Tum và Hà Giang mức sinh còn rất cao (TFR>3). Chưa tính đến những yếu tố khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và văn hóa ở khu vực có đông đồng bào thiểu số sinh sống, nếu mức giảm TFR tại các tỉnh này tương đương như mức giảm bình quân toàn quốc trong 10 năm qua (0,03 con/năm), thì hầu hết các tỉnh có đông đồng bào thiểu số sinh sống cần từ 10 năm trở lên để phấn đấu đạt mức sinh thay thế, cá biệt có những tỉnh cần đến trên 30 năm để đạt được mức sinh thay thế.

Đây là hội thảo đầu tiên bàn chuyên đề về dân số đồng bào dân tộc thiểu số song các đại biểu đã đặt ra rất nhiều vấn đề để bàn bạc thấu đáo nhằm tìm ra các giải pháp. Để các tỉnh có đông đồng bào thiểu số sinh sống đạt được mục tiêu mức sinh thay thế, các chuyên gia, đại biểu đều kiến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư, đào tạo đội ngũ cán bộ làm DS - KHHGĐ; đổi mới và cải tiến phương pháp truyền thông.

Ông Sa Văn Khuyên, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Sơn La, ông Trần Xuân Giong - PGĐ Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Si Ma Cai, Lào Cai cùng đặt ra mối lo ngại về tính chính xác của số liệu thống kê khi tỷ lệ người dân sử dụng các biện pháp tránh thai cao, có nơi đạt trên 80% - yếu tố đảm bảo để có thể đạt mức sinh thay thế, nhưng trên thực tế lại chưa đạt được mục tiêu này. Bày tỏ lo ngại về tính chính xác của con số thống kê, ông Giong cho rằng, đây không chỉ là sai số mà nếu không có số liệu thật, sẽ không đánh giá đúng thực chất, đưa ra các chỉ tiêu hàng năm ảo, đầu tư không thích đáng.

Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, một số tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có tỷ số giới tính khi sinh từ 110 trở lên, gồm: Hòa Bình 116,3; Lào Cai 113,7; Yên Bái 111,6; Trà Vinh 112,7; Thái Nguyên 110,5; Lâm Đồng 112,6 và Ninh Thuận 110,8.

10 tỉnh có mức sinh cao nhất, từ 2,55 - 3,45% đều rơi vào các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây nguyên như: Kon Tum, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Đắc Nông, Lào Cai… Những tỉnh này đều có tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai đạt trên 70%. Hay lấy ví dụ Quảng Trị có tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai đạt 81,58% thì đáng lẽ phải mức sinh là 1,44; nhưng theo số liệu được báo cáo thì con số này lại lên tới 2,85.

Với tốc độ giảm sinh như hiện nay thì để đạt mức sinh thay thế thì Gia Lai cần tới 13 năm, Lai Châu 14 năm, Hà Giang 16 năm và Kon Tum cần tới 22 năm. Rào cản khiến công tác DS-KHHGĐ gặp nhiều khó khăn, thách thức ở đây là bởi rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, sự phát triển kinh tế - xã hội thấp hơn đồng bằng, thành thị. Ở các tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ chế chính sách.

Theo ông Nguyễn Trần Lâm, Tổ chức UNESCO, các chính sách dân số đều phải dựa trên các bằng chứng cụ thể, trên các nghiên cứu định tính là các số liệu và những ý kiến phỏng vấn người dân để sáng tỏ các số liệu. Nếu không các chính sách và việc thực thi sẽ bị trệch hướng hoặc đi theo đường mòn, mang tính phong trào.

Các đại biểu đều nhất trí việc đầu tư vật chất và con người ở khu vực này phải tăng gấp nhiều lần mới hy vọng trong 5 - 10 năm tới hầu hết các tỉnh có đông đồng bào thiểu số sinh sống đạt được mức sinh thay thế. Đặc biệt, hội nghị đã nêu lên vấn đề nên chăng Chính phủ cần ban hành Đề án kiểm soát dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để nhanh chóng đạt được mức sinh trung bình của cả nước, nâng cao chất lượng sống của đồng bào nơi đây.

TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng Cục DS – KHHGĐ cho biết: Nếu năm 2011 công tác DS-KHHGĐ ở Trung ương có chuyển hướng mạnh từ số lượng sang chất lượng với thứ tự ưu tiên là chất lượng dân số, cơ cấu dân số rồi mới đến kiểm soát mức sinh thì ở các tỉnh miền núi, ưu tiên số 1 vẫn là giảm sinh, giảm nhanh tình trạng gia tăng.

Trên góc độ nào đó, các số liệu này, dù có sai số cũng vẫn có thể định hướng cho người quản lý về xu hướng tăng hay giảm của các biện pháp tránh thai. Việc hạn chế trình độ và kinh nghiệm của cán bộ y tế cũng không phải là vấn đề giải quyết một sớm một chiều. Hiện tại trên toàn quốc có khoảng 160.000 cộng tác viên dân số, chi phí phụ cấp, thù lao cho họ mỗi tháng đã lên tới 8 tỉ đồng, mỗi năm là 100 tỉ đồng, chiếm 1/7 ngân sách dành cho công tác dân số. Tới đây, Tổng cục DS – KHHGĐ sẽ đề đạt ý kiến với Quốc hội và Chính phủ về việc tăng mức thù lao này để động viên và khuyến khích họ làm việc hiệu quả, nhiệt tình hơn nữa./.

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất