Thứ Hai, 23/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Chủ Nhật, 5/12/2010 23:26'(GMT+7)

Giúp trẻ em lang thang về gia đình

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Những nguyên nhân khiến trẻ em lang thang

Công ước quốc tế về Quyền trẻ em đã được Nhà nước phê chuẩn đầu tiên ở châu Á và là thứ hai trên thế giới. Cùng đó, hệ thống  luật pháp nước ta liên tục điều chỉnh, bổ sung để đáp ứng và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội):  Lĩnh vực luật pháp về bảo vệ trẻ em còn thiếu đồng bộ, chưa cụ thể. Chưa quy định các thủ tục đặc biệt về việc điều tra, đánh giá các trường hợp xâm hại trẻ em. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người dân về bảo vệ trẻ em chưa nghiêm. Hình thức xử lý đối với người có hành vi xâm hại trẻ em chưa kịp thời và còn nương nhẹ. Nhận thức về tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác bảo vệ trẻ em của cán bộ, công chức chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở chưa đầy đủ. Tốc độ đô thị hóa nhanh, thiếu sân chơi,  sự phân hóa giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình đã làm tổn thương đến đời sống tinh thần của trẻ em. Một số gia đình mải làm ăn, không quan tâm đến con cái, hoặc quá chiều chuộng con, làm cho trẻ thích tự do đua đòi, dẫn đến bỏ nhà đi lang thang...

Thực tế cho thấy, nhóm trẻ em phải lao động sớm thường chịu những ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập, thậm chí nhiều trẻ em bỏ học ở độ tuổi rất sớm. Lao động trẻ em còn ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, thường bị còi xương, thân hình phát triển không cân đối hoặc mắc bệnh nghề nghiệp do làm việc không phù hợp, môi trường làm việc không bảo đảm, nhiều độc hại, nguy hiểm. Ngoài ra, các em còn phải đối diện với nguy cơ phát triển lệch lạc về nhân cách và trở thành những 'con mồi' của tệ nạn xã hội như trộm cắp, cướp giật, sử dụng ma túy, tham gia các hoạt động mại dâm, bị mua bán, lạm dụng tình dục.

Nỗ lực đưa trẻ em lang thang về với gia đình

Cùng với việc thực hiện các chính sách của Nhà nước, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Ủy ban châu Âu đã triển khai dự án hỗ trợ trẻ em lang thang giai đoạn hai (2009-2012) tại mười tỉnh, thành phố; trong đó  Hưng Yên là một trong những tỉnh được chọn làm điểm, với mong muốn giúp 7.000 em lang thang và có nguy cơ lang thang  ở độ tuổi 16 được tư vấn và tiếp cận xã hội; 500 em được tư vấn, hỗ trợ hồi gia, tái hòa nhập bền vững; 2.000 gia đình nghèo có trẻ em lang thang và nguy cơ cao được vay vốn phát triển sản xuất...

Vũ Xá là một xã nghèo của tỉnh Hưng Yên, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào chăn nuôi và trồng trọt theo thời vụ, nhiều hộ gia đình thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Ðể cải thiện đời sống cho nhân dân, Ban lãnh đạo xã đã chủ động thuê thầy về dạy nghề mây tre đan cho bà con. Tuy nhiên, nghề này chỉ tồn tại được một thời gian ngắn do không có đầu ra. Cái nghèo, đói lại tiếp tục đeo bám và đã có một số gia đình bán nhà cửa, ruộng vườn để ra đô thị kiếm sống. Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Thành Tôn cho biết: Sau khi tiếp nhận và triển khai dự án (đầu năm 2009), chúng tôi đã rà soát toàn xã có 14 trẻ em lang thang trong tổng số 74 em có nguy cơ lang thang. Phần lớn những em lang thang này nằm trong diện gia đình đông con, nghèo đói, bố nghiện rượu, như gia đình em Trương Thị Hanh (thôn Cộng Vũ), hiện hai chị em lang thang bán hoa quả ở chân cầu Long Biên (Hà Nội). Em Nguyễn Thị Thủy (thôn Cao Xá), theo bố mẹ ra đóng và bán than tổ ong ở Hà Ðông...

Ðể triển khai có hiệu quả mục tiêu dự án đề ra, lãnh đạo xã Vũ Xá phối hợp các đoàn thể thành lập đội ngũ cộng tác viên của năm thôn và câu lạc bộ Quyền trẻ em, với 35 em tham gia sinh hoạt. Ðây là đội ngũ nòng cốt, nhiệt tình, tâm huyết với công tác, không ngại khó, ngại khổ để đi đến từng nhà tuyên truyền, vận động các gia đình, dòng họ đưa con em về hoặc không cho đi lang thang. Khi đã thống nhất phương thức hoạt động, từng thôn đưa ra chỉ tiêu phấn đấu cụ thể và ký cam kết. Thôn nào, đoàn thể nào để trẻ em bỏ nhà đi lang thang sẽ bị trừ điểm thi đua hoặc bị phạt. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, lãnh đạo xã tổ chức cho bà con vay vốn dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm không tính lãi 24 tháng. Ðầu năm học mới và các ngày lễ, Tết, các em ở tuổi đến trường được tặng quần áo, cặp, sách giáo khoa, quà, miễn giảm học phí và nhà trường tổ chức kèm cặp những em mới trở lại trường. Với cách làm thiết thực, sau ba tháng triển khai dự án (từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2010), xã đã vận động 7 trong số 14 em đang lang thang trở về gia đình; trong đó, hai em được đi học nghề may, ba em tiếp tục đến trường, hai em đã quá tuổi đi học cho nên bố trí làm việc khác. Một số em gia đình chưa muốn cho các em về, lãnh đạo xã và các cộng tác viên đang tiếp tục thuyết phục.

Rất cảm động và vui mừng khi cháu gái của mình được trở về nhà, tiếp tục đi học, ông Nguyễn Văn Minh, ở thôn Cao Xá, bác của em Nguyễn Thị Thủy, tâm sự: Gia đình tôi nghèo, bản thân tôi và người con út bị bệnh lòa mắt bẩm sinh. Sau khi các cán bộ xã, cán bộ dự án đến tuyên truyền, giải thích về Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, vợ chồng tôi  thấy được sự nguy hại của việc trẻ lang thang. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm tìm đến nơi làm của bố mẹ cháu và đón cháu về chăm sóc. Hiện em Nguyễn Thị Thủy và hai bạn Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Văn Khải (thôn Bình Ðôi) đang theo học lớp 9, Trường THCS Vũ Xá. Ngoài giờ lên lớp, em Thủy còn được bố trí học nghề đan hạt cườm cho cơ sở may thêu hàng thủ công mỹ nghệ Thúc Nhanh, ở xã Ðồng Thanh, huyện Kim Ðộng./.

(Theo: Trịnh Sơn/ND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất