Thứ Sáu, 27/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 1/4/2012 9:34'(GMT+7)

Chung sức xây dựng nông thôn mới: Đột phá trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình

Thanh niên xã Hùng Dũng (Hưng Hà) đắp bờ vùng, bờ thửa thực hiện dồn điền đổi thửa xây dựng nông thôn mới. Ảnh tư liệu

Thanh niên xã Hùng Dũng (Hưng Hà) đắp bờ vùng, bờ thửa thực hiện dồn điền đổi thửa xây dựng nông thôn mới. Ảnh tư liệu

So với trước khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các xã đã có nhiều chuyển biến tích cực, các vùng sản xuất, công trình giao thông, thuỷ lợi nội đồng... theo tiêu chí NTM đã và đang hình thành. Qua quá trình triển khai, Thái Bình đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, đặc biệt trong công tác quy hoạch và dồn điền đổi thửa, mang lại sự thay đổi tích cực về diện mạo nông thôn, đời sống nông dân quê lúa. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế ở một số xã điểm của Thái Bình, việc thực hiện một số tiêu chí còn lại khá khó khăn...

Đột phá trong quy hoạch và dồn điền đổi thửa


Công tác quy hoạch được xác định là tiền đề quan trọng nên phải “đi trước, làm trước”. Vấn đề này được tỉnh Thái Bình làm rất chặt chẽ và bài bản. Trước hết, tỉnh chọn một số đơn vị tư vấn có năng lực về giúp các xã điểm để khảo sát và làm quy hoạch. Dự thảo quy hoạch được Đảng ủy, Hội đồng nhân dân xã thông qua, các ban, ngành trong huyện, tỉnh tham gia, góp ý, Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo và UBND huyện phê duyệt. Sau đó, quy hoạch được xã, thôn thông báo công khai, chi tiết trước Đảng bộ, nhân dân và trưng bày trên bảng tin đặt tại khu trung tâm.


Theo ông Đặng Đình Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Thái Bình, một trong những khó khăn trong công tác quy hoạch là phải xác định được tiêu chuẩn cho các công trình. Vấn đề này Trung ương cũng chưa có quy định. Từ thực tế ở cơ sở, Thái Bình đã chủ động xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật cho các mục công trình như quy định về diện tích tối thiểu của vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa, chuẩn bờ vùng cách bờ vùng, bờ thửa cách bờ thửa, điểm tránh xe cơ giới phục vụ sản xuất… Các xã đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, đồng thời tiến hành dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng để sản xuất nông nghiệp hàng hoá lớn. Đa phần các xã đạt nhiều tiêu chí và có kinh nghiệm trong tổ chức triển khai thực hiện xây dựng NTM đều tiến hành làm từ ngoài đồng vào trong làng; từ ngõ xóm làm lên trung tâm xã; xã đảm nhiệm làm các công trình phức tạp ở khu trung tâm và thôn chủ động huy động sức dân làm công trình của thôn; các hộ dân đảm nhận cải tạo nhà ở, ao, vườn, công trình vệ sinh, giải phóng mặt bằng đường xóm...

Thực hiện theo quy hoạch, các xã điểm đã bố trí các cây trồng có chất lượng hiệu quả cao trong vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Vì vậy, diện tích và năng suất các loại cây trồng đều cao và tốt hơn. Bên cạnh đó, các xã cũng đã hoàn thành quy hoạch khu trung tâm xã, quy hoạch thủy lợi, giao thông nội đồng. Bằng nguồn vốn của địa phương và đóng góp của nhân dân, các xã này đã cứng hóa 45 km kênh mương, xây dựng gần 18 nghìn mét giao thông nội đồng, xây mới 68 cống đập, nạo vét đào đắp san lấp 498 nghìn m3 đất… Bên cạnh công tác quy hoạch, Thái Bình đã chỉ đạo quyết liệt trong tiến hành dồn điền đổi thửa.


Đến nay, toàn tỉnh có 147 xã giao xong đất ngoài thực địa và đang phấn đấu trong năm nay 70 - 80% số xã sẽ hoàn thành dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, chỉnh trang đồng ruộng; bình quân khối lượng đào đắp kênh mương, bờ vùng, bờ thửa, đường giao thông là 50 – 100 nghìn m3/ xã. Nhân dân ở nhiều xã, thôn đã đồng lòng tự nguyện tháo dỡ cổng dậu, nhà ở, công trình phụ trị giá hàng trăm triệu đồng để giải phóng mặt bằng làm đường thôn xóm như Thanh Tân (Kiến Xương), Hồng Minh (Hưng Hà). Ngoài ra, tỉnh còn có các cơ chế chính sách hỗ trợ mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật... Chính vì vậy mà nhiều hộ dân đã đầu tư thêm vốn để tập trung sản xuất quy mô lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chủ tịch UBND xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương) Bùi Mạnh Hà cho rằng: Muốn cơ giới hóa, xây dựng NTM thì nhất định phải dồn điền đổi thửa. Điều quyết định để việc này thành công là dân phải thông suốt và cán bộ phải gương mẫu, tâm huyết. Theo ông Hà, dồn điền đổi thửa dễ động chạm đến lợi ích của nông dân, vì vậy phải tuyên truyền cho dân thấy được lợi ích chung của việc dồn điền đổi thửa. Khi dân đã hiểu, đã thông thì sẽ tự giác chấp hành, thậm chí nhiều người còn tự nguyện hiến đất cho tập thể. Chỉ trong 2 tháng, Thanh Tân đã hoàn thành cơ bản việc dồn điền đổi thửa và trở thành điển hình về chỉnh trang đồng ruộng, định hình bờ vùng, bờ thửa, cắm hơn một nghìn cột mốc bê-tông, xác định ranh giới bờ vùng, giao thông nội đồng và tiến hành đào đắp bờ vùng theo quy hoạch. Đến nay, 97% số hộ của Thanh Tân đã dồn đổi chỉ còn 1 đến 2 thửa ruộng. Xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư) thực hiện theo phương án nhiều hộ trên một thửa, 281 thửa nhỏ dồn vào thành 41 thửa lớn, bình quân mỗi thửa là 0,64 ha, thửa lớn nhất là 1,5 ha…


Khó khăn về một số tiêu chí còn lại


Theo thống kê mới nhất, trong 8 xã điểm hiện nay của tỉnh Thái Bình đã đạt từ 11 đến 15/19 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí NTM của Chính phủ. Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình cũng đặt chỉ tiêu trong nhiệm kỳ mới sẽ có 20% số xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu đến năm 2020 sẽ là tỉnh NTM. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế ở một số xã điểm của Thái Bình, việc thực hiện một số tiêu chí còn lại còn khá nhiều khó khăn. Trước hết là về hộ nghèo, quy định phải đạt tiêu chuẩn tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn 3%. Trong khi hiện nay tỷ lệ hộ nghèo ở Thái Bình còn khoảng hơn 9%.


Thanh Tân là xã đã giảm hộ nghèo khá nhanh trong những năm qua, nhưng theo Chủ tịch xã Bùi Mạnh Hà, do xã làm rất quyết liệt nên tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn 5,9%. Tới đây chuẩn hộ nghèo tăng lên thì tỷ lệ này còn cao nữa. Việc hiện thực hóa tiêu chí dưới 3% là rất khó. Tiêu chí thứ 10 quy định xã NTM phải có thu nhập bình quân bằng 1,5 lần thu nhập bình quân của tỉnh cũng không hợp lý. Vì tiêu chí này rất động, thu nhập của các xã tăng thì thu nhập bình quân chung cũng tăng, hiện nay nhiều xã, huyện cũng xây dựng NTM, tiêu chí “gấp 1,5 lần” càng xa vời. Thực tế hiện nay, hầu hết các xã điểm mới chỉ chạm mức bình quân của tỉnh, thậm chí có xã còn thấp hơn. Các xã cũng đang loay hoay vì năng suất lúa đã kịch trần, việc chọn cây con gì hay ngành nghề gì để đột phá về thu nhập vẫn chưa rõ nét. Tiêu chí về cơ cấu lao động cũng là một thách thức với các xã NTM. Theo quy định để đạt chuẩn NTM, tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp của mỗi xã chỉ còn lại 25%. Nghĩa là mỗi xã phải chuyển 75% lao động sang làm việc phi nông nghiệp. Tỷ lệ này cũng khó thực hiện vì hầu hết lao động ở địa phương đều chưa qua đào tạo, trong khi đó, tỷ lệ lao động nông nghiệp hiện nay của Thái Bình vẫn còn ở mức gần 57%...


Ông Vũ Công Bình, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh cho biết: Kinh nghiệm cho thấy, trong thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh lấy phương châm “19 tiêu chí là đích hướng tới; quy hoạch là tiền đề, phát triển sản xuất là gốc, nâng cao đời sống nhân dân là mục tiêu; lợi ích mang lại cho người dân và cộng đồng là động lực; sự đồng lòng góp sức của cộng đồng dân cư là bí quyết thành công” để chỉ đạo xây dựng NTM. Tuy nhiên, xây dựng NTM đòi hỏi nhiều công sức và nguồn kinh phí lớn, do đó cần phải huy động sức mạnh tổng hợp và kết hợp giữa nội lực và ngoại lực, mỗi địa phương, thôn xóm và người dân là chủ thể, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Các nguồn vốn phải huy động đa dạng, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước với chương trình mục tiêu quốc gia; thu hút, huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp để đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ...; huy động sự đóng góp của người dân trên cơ sở cộng đồng dân cư dân chủ thảo luận, quyết định, phù hợp với khả năng, điều kiện của từng địa phương.


Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục về quan điểm, chủ trương, nội dung, trình tự, thủ tục và các bước tiến hành xây dựng NTM; tập trung thúc đẩy sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện nay, nhiều xã đã hoàn thành xong dồn điền, đổi thửa, do đó phải xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa như vùng lúa chất lượng cao, vùng chuyên màu; đẩy mạnh cơ giới hoá vào sản xuất; phát triển chăn nuôi quy mô lớn; tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như hệ thống thuỷ lợi, giao thông nội đồng...;nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ xã, thôn; đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Đặc biệt là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, chi bộ để thực sự trở thành hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội ở xã, thôn để cùng thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới./.


Thanh Phú - TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất