Các môn học tự chọn gồm 3 loại: Tự chọn tùy ý: học sinh có thể chọn hoặc không chọn (TC1); tự chọn trong nhóm môn học: học sinh buộc phải chọn một hoặc một số môn học trong nhóm môn học theo quy định trong chương trình (TC2); tự chọn trong môn học: học sinh buộc phải chọn một số nội dung trong một môn học (TC3). Tỷ lệ môn học tự chọn hoặc nội dung học tự chọn tăng dần từ lớp dưới lên lớp trên.
Theo chương trình này, giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) có các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt (ngữ văn), toán, ngoại ngữ 1, thể dục, giáo dục lối sống/giáo dục công dân, cuộc sống quanh ta, tìm hiểu tự nhiên (khoa học tự nhiên), tìm hiểu xã hội (khoa học xã hội). Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh được tự chọn: Tự chọn tùy ý (TC1) gồm: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc, Nghiên cứu khoa học kỹ thuật (ở lớp 8, lớp 9). Tự chọn trong môn học (TC3) gồm: kỹ thuật/công nghệ, tin học, thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Riêng tự học có hướng dẫn là thời gian học sinh tự học trên lớp (để thay thế tự học ở nhà) có sự kèm cặp, giúp đỡ của giáo viên; thì chỉ có ở các lớp tiểu học học 2 buổi/ngày.
Trong cả cấp THPT, học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập tự chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp cá nhân nhưng bắt buộc phải hoàn thành số lượng các môn học, chuyên đề học tập tối thiểu theo quy định trong chương trình giáo dục. Chương trình dành một thời lượng nhất định để tạo điều kiện cho học sinh có thể thực hiện sự thay đổi này.
|
Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông): Có 4 môn học bắt buộc: Ngữ văn 1, toán 1, Công dân với Tổ quốc, ngoại ngữ 1. Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh được tự chọn: Tự chọn tùy ý (TC1) gồm: Nghiên cứu khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ 2. Tự chọn trong nhóm môn học (TC2) gồm 4 môn (lớp 10, 11) và 3 môn (lớp 12) trong các môn: Lịch sử, địa lý, ngữ văn 2, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, công nghệ, toán 2, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Nếu chọn môn khoa học tự nhiên thì không chọn các môn: Vật lý, hóa học, sinh học; nếu chọn môn khoa học xã hội thì không chọn các môn: Lịch sử, địa lý. Các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội chỉ học ở lớp 10 và lớp 11. Tự chọn trong môn học (TC3) gồm: âm nhạc, mĩ thuật, thể thao, hoạt động trải nghiệm sáng tạo (lớp 10, 11, 12); chuyên đề học tập (lớp 11, 12).
Mạnh dạn đổi mới
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) gồm chương trình GDPT tổng thể (gọi tắt là chương trình tổng thể) và các chương trình (CT) môn học. Các môn học ở cả 3 cấp học được chia thành môn học bắt buộc (BB) và môn học tự chọn (TC).
Một hoạt động giáo dục được nhấn mạnh trong dự thảo là hoạt động trải nghiệm sáng tạo - gồm phần bắt buộc (bao gồm cả các hoạt động tập thể) và tự chọn. Nội dung hoạt động trải nghiệm sáng tạo được xây dựng thành các chủ đề mang tính chất mở và tương đối độc lập với nhau, gắn với từng lĩnh vực của địa phương, vùng miền, đồng thời cũng mang tính quốc gia, quốc tế được trường lựa chọn một cách phù hợp nhất.
Có tính kế thừa
Giải thích về chương trình giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, chương trình GDPT mới tiếp tục tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại; bảo đảm yêu cầu cơ bản, hiện đại, phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lý lứa tuổi của học sinh các cấp học. Nhìn chung, hệ thống các lĩnh vực giáo dục và hệ thống các môn học của CT hiện hành được kế thừa từ tên gọi đến nội dung các mạch kiến thức lớn, thời lượng cho các môn học. Kiến thức cơ bản của tất cả các môn học ở bậc phổ thông, nhất là một số môn học truyền thống của Việt Nam có thế mạnh, có chất lượng và hiệu quả (được chứng tỏ qua các kỳ đánh giá quốc gia và quốc tế), đều được kế thừa trong CTGD mới, chỉ bớt đi những kiến thức quá chuyên sâu, chưa hoặc không phù hợp với yêu cầu học vấn phổ thông và tâm -sinh lý lứa tuổi, không phục vụ nhiều cho việc phát triển phẩm chất và năng lực.
Nội dung các hoạt động giáo dục của CT hiện hành cũng được kế thừa trong Hoạt động trải nghiệm sáng tạo của CTGD mới như chào cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động đoàn đội, hoạt động ngoài giờ lên lớp...
Về phương pháp dạy học của CT mới thể hiện rõ tính kế thừa ở chủ trương: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh... Tất cả các phương pháp dạy học truyền thống và hiện hành đều được kế thừa trong CTGD mới với một tinh thần và định hướng mới. Đó là vận dụng linh hoạt, kết hợp nhuần nhuyễn các PPGD phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh và đều tập trung hình thành, phát triển năng lực người học.
Về thi, kiểm tra - đánh giá, tính kế thừa thể hiện ở chỗ dù mục tiêu kiểm tra đánh giá hướng tới năng lực và phẩm chất nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở hệ thống kiến thức, kĩ năng cơ bản thông qua các môn học và hoạt động giáo dục. Các hình thức và công cụ đánh giá như kiểm tra miệng, kiểm tra viết, câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi tự luận, đề theo hướng mở, kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ... đều được kế thừa trong CTGD mới, kết hợp và bổ sung thêm những hình thức và công cụ mới nhằm đánh giá đúng phẩm chất và năng lực của học sinh.
Lê Vân