Thứ Tư, 27/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Tư, 13/4/2016 22:16'(GMT+7)

Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế gặp khó vì bị giảm kinh phí

Tiêm chủng vắcxin cho trẻ. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Tiêm chủng vắcxin cho trẻ. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Tuy nhiên, chương trình vẫn còn khá nhiều thách thức khi nguồn vốn bị cắt giảm mạnh. Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, để huy động nguồn vốn hiệu quả, ngành y tế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia và đóng góp cho công tác phòng, chống dịch bệnh để giảm dần sự bao cấp của nhà nước trong lĩnh vực y tế thông qua việc triển khai các dịch vụ có thu phí…

Thông tin trên được đại diện Bộ Y tế đưa ra trong hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia ngành y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020 diễn ra sáng 13/4, tại Hà Nội.

Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Y tế được giao thực hiện bốn chương trình mục tiêu quốc gia gồm Chương trình mục tiêu quốc gia y tế; Chương trình mục tiêu quốc gia An toàn vệ sinh thực phẩm; Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số-Kế hoạch hóa gia đình; Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài Chính (Bộ Y tế) cho hay, sau 5 năm, chương trình đã đạt và hoàn thành được nhiều chỉ tiêu đặt ra. 

Chương trình đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của người dân về ý thức chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Ý thức và nhận thức của người dân về tầm quan trọng trong công tác phòng bệnh, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình ngày càng được nâng cao.

Chẳng hạn như trong Chương trình mục tiêu quốc gia y tế, 100% (63/63) tỉnh, thành phố đạt 4 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong, trên 50% số huyện/thị xã trong cả nước không còn bệnh nhân phong mới trong 5 năm, 90% bệnh nhân phong bị tàn tật được phẫu thuật, phục hồi chức năng và 85% bệnh nhân phong tàn tật được săn sóc tàn tật.

Kết quả về bệnh sốt xuất huyết,  ngành y tế đã hoàn thành mục tiêu giảm 18% tỷ lệ mắc/100.000 dân do sốt xuất huyết so với trung bình giai đoạn 2006-2010 (giai đoạn 2006-2010 là 119,06%), Duy trì tỷ lệ chết/mắc do sốt xuất huyết xuống dưới 0,09%.

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế luôn duy trì được tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt >90%. Trên 90% nữ 15-35 tuổi được tiêm đủ mũi vắcxin uốn ván và trên 90% trẻ được tiêm mũi 2 vắcxin sởi; hoàn thành chiến dịch tiêm vắcxin sởi-rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi trên toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay, đạt tỷ lệ 98%.

Trong giai đoạn 2011-2015, công tác phối hợp liên ngành của chương trình mục tiêu quốc gia An toàn vệ sinh thực phẩm có hiệu quả hơn ở các cấp. Cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 2,6 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 99,6 tỷ đồng, ngoài ra còn công khai tên, địa chỉ các cơ sở vi phạm để người dân được biết.

Về Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng dân số được khống chế ở khoảng 1,05%/năm, quy mô dân số năm 2015 là 91,7 triệu người đạt mục tiêu để ra (<93 triệu người), mô hình gia đình ít con ngày càng được chấp nhận rộng rãi.

Đặc biệt, về Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS, trong giai đoạn qua, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng được duy trì dưới 0,3% dân số, trong đó đạt cả 3 tiêu chí: giảm số nhiễm mới, số chuyển sang AIDS và số tử vong vì AIDS.

Ông Liên cũng chỉ rõ, chương trình mục tiêu quốc gia ngành y tế giai đoạn 2011-2015 vẫn còn tồn tại những hạn chế. Điển hình như một số chỉ tiêu chuyên môn y tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2011-2015 chưa hoàn thành như 85% (kế hoạch là 100%) bệnh nhân phong tàn tật được săn sóc; Khống chế tỷ lệ lây truyền bệnh lao kháng thuốc, tăng tỷ lệ tiếp cận với điều trị lao đa kháng thuốc là 30% (kế hoạch là 55% vào năm 2015); Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn 22% (kế hoạch là 19,3%).

Theo ông Nam Liên, nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do giai đoạn 2011-2015 có sự cắt giảm không nhỏ về nguồn ngân sách nhà nước cho các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như cho các hoạt động đầu tư công khác. Nguồn vốn ngoài nước giảm dần do Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình.

Về chủ quan, đôi khi, địa phương còn trông chờ vào nguồn bổ sung có mục tiêu của Trung ương, nên chưa chủ động trong công tác huy động vốn cho hoạt động của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ tiếp tục vận động các nhà tài trợ có kế hoạch đầu tư dài hạn và giảm kinh phí có lộ trình để Việt Nam chuẩn bị các điều kiện tăng các nguồn kinh phí trong nước, giảm dần khoảng trống thiếu hụt kinh phí. Thông qua đó đảm bảo duy trì và mở rộng các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là các mô hình hiệu quả đã được xây dựng thành công bằng kinh phí tài trợ quốc tế./.

Theo VietNam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất