Theo Ban chỉ đạo chương trình phát triển công nghiệp vi mạch, đến năm 2017, ngành vi mạch TP. HCM sẽ có doanh số khoảng 150 triệu USD, đào tạo khoảng 2.000 kỹ sư, kỹ thuật viên, ươm tạo khoảng 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM kiêm trưởng ban chỉ đạo chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM Lê Mạnh Hà đã đồng ý về bốn đề án của chương trình gồm: đào tạo nguồn nhân lực vi mạch, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng, quảng bá vi mạch, thiết kế và sản xuất thử nghiệm vi mạch và hai dự án: xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử và trung tâm thiết kế vi mạch.
Dự tính, chi phí ban đầu cho chương trình là 7.506 tỉ đồng, trong đó, ngân sách TP.HCM hỗ trợ 453 tỉ đồng, vay ngân hàng Phát triển Việt Nam là 5.634 tỉ đồng, vay chương trình kích cầu của TP.HCM là 669 tỉ đồng...
Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn là chủ dự án xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử được đặt tại khu công nghệ cao TP.HCM với vốn đầu tư 6.600 tỉ đồng.
Từ ngày 23 - 24/8, tại TP.HCM, đại học Quốc gia TP.HCM và khu công nghệ cao TP.HCM đã tổ chức diễn đàn quốc tế lần thứ hai về công nghiệp vi mạch. Diễn đàn đã thu hút các nhà sản xuất, hiệp hội vi mạch quốc gia đến từ Nhật Bản, Mỹ, Singapore…Tham dự diễn đàn, các chuyên gia đã giới thiệu những kinh nghiệm trong việc tổ chức những mô hình sản xuất chip điện tử, đào tạo nguồn nhân lực, những cơ hội hợp tác giữa công nghiệp vi mạch Việt Nam với những hiệp hội vi mạch như hiệp hội Hỗ trợ thương mại bán dẫn châu Á (ASTSA), hiệp hội Vi mạch Singapore (SSIA)…/.
(Theo: VGP News)