Thứ Hai, 23/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Sáu, 24/8/2012 18:51'(GMT+7)

Phát triển nguồn nhân lực: Đội ngũ lãnh đạo, quản lý là quan trọng nhất?

Theo quan điểm tiếp cận của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì nguồn nhân lực được hiểu là toàn bộ những người trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm về chất lượng của lực lượng lao động, đứng thứ 11/12 nước châu Á được xếp hạng, Việt Nam đang thiếu các chuyên gia chất lượng cao và lực lượng công nhân lành nghề.

Lực lượng lao động của Việt Nam hiện nay là 50,4 triệu người (trên tổng số 56,6 triệu người trong độ tuổi lao động) chiếm 58% tổng dân số. Theo một nghiên cứu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2010, lực lượng lao động của Việt Nam có tốc độ tăng bình quân cao (1,06 triệu người/năm giai đoạn 2000-2007) và dự kiến sẽ tăng khoảng 1,5% năm (tương đương với khoảng 738.000 lao động/năm) trong giai đoạn 2010-2015. Mặc dù có nhiều thay đổi tích cực trong những năm qua, nhưng lực lượng lao động của Việt Nam vẫn chủ yếu là lao động có trình độ thấp, gần 2/3 chưa được đào tạo, gần ¾ tổng số lao động đang làm những công việc bấp bênh với tiền công và điều kiện làm việc nghèo nàn.

Chỉ rõ tính cấp thiết của yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, Báo cáo đề dẫn do GS.TS Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã chỉ ra những hạn chế của nguồn nhân lực nước ta hiện nay.

Thứ nhất, tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ học vấn cao còn thấp và trình độ, kỹ năng còn yếu. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ người có trình độ học vấn đại học của Việt Nam còn thấp, chưa kể đến chất lượng của các sinh viên đại học được đào tạo tại Việt Nam còn xa mới đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động. Đây là một trong những lý do quan trọng khiến các nhà tuyển dụng khó tuyển được lao động có trình độ cao tại Việt Nam. Ngay trong khu vực, tỷ lệ người có bằng đại học ở Việt Nam chỉ cao hơn so với Campuchia, trong khi thấp hơn Indonesia, Thái Lan, Mông Cổ và thấp hơn nhiều so với Philippin.

Theo đánh giá của các nhà tuyển dụng, sinh viên mới ra trường của Việt Nam đặc biệt thiếu kỹ năng về giao tiếp và tiếng Anh, cũng như kiến thức thực tế về một công việc nào đó. Sự thiếu hụt về kỹ năng đặc biệt lớn trong một số lĩnh vực công nghệ, đẫn đến hạn chế khả năng cải tiến và đổi mới công nghệ.

Hai là, năng lực đổi mới và sáng tạo khoa học, công nghệ của nguồn nhân lực Việt Nam rất thấp. Năng lực nghiên cứu, phát minh, sáng chế của đội ngũ khoa học công nghệ ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Phần lớn những trang thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân hiện nay đều phải phụ thuộc vào nước ngoài. Số lượng các văn bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích được cấp và chứng nhận hằng năm của Việt Nam còn quá ít. Số nhân lực trong lĩnh vực khoa học, công nghệ của Việt Nam còn rất nhỏ bé về quy mô.

Ba là, đội ngũ kỹ thuật viên và công nhân có tay nghề vừa thiếu, vừa yếu. Trong đó, phần đông những sinh viên tốt nghiệp từ các khóa đào tạo trình độ sơ cấp chỉ có thể làm những công việc đơn giản và họ không thể trở thành lực lượng lao động có thể đáp ứng nhu cầu của quá trình CNH, HĐH. Lao động ở nông thôn hầu như không tham gia các khóa đào tạo nghề và do vậy có năng suất lao động rất thấp.

Bốn là, nguồn nhân lực có năng lực quản lý, nhất là quản trị doanh nghiệp vừa thiếu, vừa yếu. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1 triệu doanh nhân trên số 88 triệu dân. Đây là con số thấp nhất so với các nước trong khu vực Đông Á. Thống kê cho thấy, 50% doanh nhân Việt Nam chưa qua đào tạo. Việc điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chủ yếu theo kinh nghiệm cá nhân của doanh nhân. Trình độ ngoại ngữ chưa cao, không thông thạo luật pháp quốc tế, thiếu thông tin về thị trường thế giới khiến cho doanh nhân Việt Nam luôn chịu nhiều thua thiệt trên sân chơi toàn cầu.

Chưa bao giờ Việt Nam lại đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ cao như hiện nay. Nếu trong thời gian tới, không giải quyết được bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nước ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chất lượng nhân lực trầm trọng, mà hệ quả của nó là sụt giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế; khó thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”; đánh mất cơ hội tham gia thị trường lao động quốc tế, đặc biệt sau khi gia nhập WTO…

PGS. TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục, cho rằng, nguồn nhân lực hiện nay thiếu sót chính là nền giáo dục bất cập, chưa sáng tỏ một triết lý hành động. Là một chuyên gia nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, ông cho biết, rất nhiều quan điểm về giáo dục, đào tạo nhân lực của Bác vô cùng đúng đắn và còn nguyên giá trị nhưng chúng ta lãng quên hoặc vận dụng chưa tốt. Bác từng kêu gọi: “Ra sức chống giặc dốt làm cho dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái” (20/10/1946). Bác khẳng định: “Dân cường thì quốc thịnh”. Bức thư cuối cùng gửi ngành Giáo dục (15/10/1968) khi cả nước đang tiến hành cuộc kháng chiến anh dũng chống lại sự xâm lược tàn bạo của đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do Cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa đạt được những đỉnh cao của khoa học kỹ thuật”. Mùa xuân năm 1947, Người yêu cầu ngành Giáo dục phải: “Sửa chương trình làm sao để học thì hành được ngay”. Người khuyên: “Kế hoạch phải thiết thực, chớ làm kế hoạch đẹp mặt, to tát mà không thực hiện được”. Ở bản Di chúc viết năm 1968 trước lúc đi xa, Người có lời ân cần căn dặn: “Sửa đổi chế độ giáo dục cho thích hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân”….

Từ những lời dạy vẫn còn nguyên giá trị ấy, PGS.TS Đặng Quốc Bảo tổng kết, quán triệt được các lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển giáo dục nói chung, đặc biệt là các vấn đề kinh tế giáo dục nói riêng, làm cho giáo dục vừa là mục tiêu vừa là sức mạnh của kinh tế, làm cho cơ cấu giáo dục đáp ứng tốt cả 3 mục tiêu: Dân trí – Nhân lực – Nhân tài, làm cho nhà trường thực hiện tốt giáo dục cho mọi người, cho mỗi người, là công việc cấp thiết để sự nghiệp Đổi mới của đất nước đi đến thành công.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: bàn về phát triển nguồn nhân lực phải giải quyết đủ 3 khâu: Đào tạo – Sử dụng – Đãi ngộ; Xác định trong giai đoạn tới cần gì ở nguồn nhân lực; Phải có quan điểm tiếp cận từ nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông cho rằng, quan điểm đào tạo toàn diện là hơi lý tưởng bởi không có con người toàn diện, phải dựa trên năng khiếu và sở trường riêng để chú trọng đào tạo; Đồng thời, phải biết tích hợp những giá trị, kinh nghiệm phát triển của thế giới.

Phải chăng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý là quan trọng nhất?

Câu hỏi được Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương đưa ra tại Hội thảo thể hiện một trăn trở lớn. Ông trả lời ngay trong bài phát biểu của mình khi cho rằng, nếu có nguồn lãnh đạo, quản lý có tư duy đổi mới, có kiến thức, đạo đức trong sáng, bao dung, lắng nghe, tôn trọng đồng sự thì có khả năng tạo điều kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khác.

Trong thời kỳ mới, tiếp tục công cuộc đổi mới, thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ kinh tế tri thức, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, Đảng ta đã chỉ rõ phải xây dựng đồng bộ 4 loại nhân lực chất lượng cao. Đó là: Các nhà lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, một lòng vì nước, vì dân, có kiến thức kịp thời đại, có tư duy đổi mới, có tầm nhìn xa, có khả năng đoàn kết để tập hợp lực lượng tổ chức thực hiện thành công đường lối, định hướng chiến lược phát triển các chủ trương, chính sách; Các nhà văn hóa khoa học tài năng, có kiến thức sâu rộng, trửo thành các chuyên gia có sức sáng tạo, góp phần thúc đẩy khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế; Các doanh nhân tâm huyết với đất nước, có tầm nhìn xa và rộng, có khẳ năng quản lý doanh nghiệp để tạo ra những sản phẩm hàng hóa đủ sức cạnh tranh, xây dưng thương hiệu có uy tín ở trong nước và thế giới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế; Đông đảo những người lao động có tay nghề cao, có khả năng sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, có khả năng ứng dụng và sáng tạo trong lao động.

Nhà báo Hữu Thọ nhấn mạnh đến người lãnh đạo cấp chiến lược, tức bộ phận tham mưu, quyết định ở cấp Trung ương và chỉ ra: “Thiếu kiến thức, chọn lựa, bố trí cán bộ sai, sa vào lợi ích nhóm sẽ không có khả năng có quyết sách đúng đắn hoặc làm sai lạc chủ trương chính sách đúng đắn. Ôm ấp “tư duy nhiệm kỳ” chỉ biết “bóc ngắn cắn dài”, khoe khoang, hình thức sẽ gây hậu quả khôn lường cho đất nước”.

Có một thực tế là, khởi đầu của nhân lực phổ thông ở nước ta rất nhiều người giỏi, không thua kém gì các nước trên thế giới, nhưng càng trưởng thành, thì lại không bằng nhân lực nước ngoài. Câu hỏi đau đáu đó, phải do những người lãnh đạo, quản lý giải quyết mới thấu đáo.

Đồng tình với trăn trở của nhà báo Hữu Thọ, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh thêm: “Người lãnh đạo, quản lý đó, phải khuôn phép từ trung ương trở xuống, tới tỉnh, tới huyện rồi mới đến xã, phường, như người xưa nói là “có minh quân mới có cử hiền”. Ông cho rằng, lãnh đạo cần trí tuệ, phải làm giàu trí tuệ cho lãnh đạo, phải lắng nghe nhiều kênh thông tin để xử lý một cách hiểu biết. Phải xây dựng cơ chế để người dân giám sát và phản biện.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Văn Tất Thu bổ sung những trăn trở này khi nhấn mạnh đến đội ngũ tham mưu phải đủ độ trung thành và trí tuệ. Ông cho rằng, hiện nay thiếu vắng đội ngũ tham mưu chính sách tầm chiến lược, một bộ phận “đủ độ trung thành nhưng thiếu độ trí tuệ”. Ông phân tích, trong nguồn lực con người, đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo là lực lượng quan trọng, lực lượng đi đầu trong tham mưu, đề xuất và lãnh đạo tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm và đóng góp to lớn, hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước vẫn còn không ít những hạn chế cần khắc phục như không theo kịp, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, thiếu kiến thức về chuyên môn, kỹ năng quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học…Đặc biệt, chúng ta thiếu một đội ngũ luật gia giỏi, thông thạo luật quốc tế, có ngoại ngữ tốt để xử lý các vụ tranh chấp thương mại ngày càng tăng trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế. Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định: “Sự yếu kém của đội ngũ cán bộ, trình độ quản lý, chất lượng nguồn nhân lực hiện nay là một thách thức lớn trong quá trình hội nhập quốc tế.”

Với 70 tham luận gửi về và nhiều ý kiến đóng góp tại Hội thảo, các vấn đề về quan niệm nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực và vai trò của phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế đã được làm rõ. Những vấn đề đặt ra trong nuôi dưỡng, đào tạo và quản lý, sử dụng nguồn nhân lực đã được phân tích kỹ. Những giải pháp phát triển nguồn nhân lực được đề xuất… Sự bàn thảo sôi nổi của các chuyên gia đã làm sáng tỏ hơn những vấn đề chung quanh việc phát triển nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước, góp phần cho quá trình chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

Phương Thanh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất