Chủ Nhật, 22/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Ba, 28/6/2011 22:18'(GMT+7)

Cần phải đề cao giá trị truyền thống trong mỗi gia đình

Hạnh phúc gia đình - điều cốt lõi cần phải lưu giữ- Ảnh: HOÀNG LONG

Hạnh phúc gia đình - điều cốt lõi cần phải lưu giữ- Ảnh: HOÀNG LONG

 Đối mặt với nhiều nguy cơ

Phải thừa nhận rằng, trong xu thế phát triển chung của xã hội, cánh cửa giao lưu, phát triển và hội nhập của mỗi gia đình Việt Nam cũng ngày một rộng mở hơn. Song, bên cạnh những mặt tích cực đó, mặt trái của cơ chế thị trường cũng nảy sinh nhiều vấn đề tác động đến đời sống gia đình, đặt mỗi gia đình trước những thử thách, sóng gió. Cuộc sống của xã hội hiện đại - ở một góc độ nào đó - đã phá vỡ nền nếp gia phong, đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam. Theo quan niệm cũ, nam nữ đến tuổi cập kê phải "thụ thụ bất thân”; việc phá vỡ hạnh phúc gia đình là điều khó chấp nhận... thì giờ đây tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và việc nạo phá thai trong giới trẻ gia tăng... đang để lại những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Xã hội hiện đại với guồng quay, vòng xoáy của công việc hoặc những nhu cầu cá nhân khác đã khiến mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo hơn. Do đó, việc cả gia đình được cùng ăn chung với nhau từ 2 - 3 bữa cơm/ngày là điều rất khó thực hiện.

Bên cạnh đó, xu hướng hôn nhân với người nước ngoài ngày càng tăng và sau hôn nhân, nhiều phụ nữ di cư theo chồng sinh sống ở nước ngoài cũng đặt ra mối quan tâm lo lắng của toàn xã hội. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam đang có biểu hiện xuống cấp, mai một. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, HIV/AIDS... đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Mâu thuẫn xung đột giữa các thế hệ, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng ngày càng gia tăng mạnh mẽ đến mức báo động. Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, chỉ tính riêng trong vòng 5 năm (từ 2003-2008), các tòa án địa phương trong cả nước thụ lý và giải quyết sơ thẩm 352.047 vụ việc hôn nhân và gia đình. Trong đó có 186.954 vụ việc về hôn nhân và gia đình, thì hành vi đánh đập, ngược đãi, chiếm 53,1% trong các nguyên nhân dẫn đến ly hôn. Riêng năm 2005, có tới 39.730 vụ ly hôn do bạo lực gia đình trong tổng số 65.929 vụ án về hôn nhân và gia đình, chiếm 60,3%. Báo cáo của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho biết, trung bình cứ 2-3 ngày có 1 người bị chết liên quan đến bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình đang diễn ra ở nhiều nơi, ở mọi đối tượng và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

 
Cuộc sống càng hiện đại, càng phải đề cao
 giá trị truyền thống trong mỗi gia đình
Không để mai một giá trị truyền thống

Từ những phân tích trên, rõ ràng việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi gia đình Việt Nam hiện đại là yêu cầu bức thiết của toàn xã hội. Một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển đất nước, chính là sự vững mạnh từ bên trong của mỗi gia đình. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa chính là một mục tiêu quan trọng thường xuyên của công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trong thời kỳ đổi mới. Ngược dòng thời gian, kể từ năm 1960, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được khởi nguồn từ thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Trải qua 5 thập kỷ, đến nay phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở khắp các địa phương vẫn tiếp tục được duy trì và mang lại hiệu quả thiết thực.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, muốn nước mạnh, việc đầu tiên là phải phát triển văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa. Văn hóa gia đình là một bộ phận, là cái "gốc” của văn hóa làng, văn hóa nước. Nghĩa là, cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa và tiêu chí gia đình văn hóa hiện nay phải lấy gia đình làm "pháo đài” để chống lại sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội và những tác động xấu từ mặt trái của cơ chế thị trường; phải kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, đồng thời kết hợp với những giá trị tiên tiến của gia đình hiện đại để phù hợp với sự vận động phát triển tất yếu của xã hội; làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người.

Năm 2011 cũng là cái mốc đánh dấu tròn 10 năm, ngày 28- 6 hàng năm được lấy là Ngày Gia đình Việt Nam. Với thông điệp chính "Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá gia đình Việt Nam”, Ngày hội Gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hoá lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hoá, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Đại diện Vụ Gia đình - Bộ VH-TT&DL cho biết, để đạt được mục tiêu xây dựng gia đình văn hóa trên nền tảng giá trị truyền thống của người Việt Nam, thời gian tới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình sẽ được triển khai sâu rộng trong thực tiễn. Mới đây, Bộ VH-TT-DL cũng trình Chính phủ đề án phát triển công tác gia đình thông qua việc đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong giai đoạn 2011-2015. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch hướng đến là nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng, ấp, bản văn hóa. Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 là có 60% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa” liên tục 5 năm trở lên.

Nguồn: Đại đoàn kết
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất