Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 4/9/2011 16:8'(GMT+7)

Chuyện ăn, chơi Trung thu…

Cửa hàng bán bánh Trung thu trên phố Bà Triệu. Ảnh Lê Vũ

Cửa hàng bán bánh Trung thu trên phố Bà Triệu. Ảnh Lê Vũ

 

Như thể đến hẹn lại “kêu”, thời gian này dư luận đang ồn ào quanh chuyện đồ chơi, trò chơi và bánh trái... dịp Trung thu. Dư luận thường nặng về sự trách móc cái ồn ã, xô bồ của thời hiện đại, rồi ca thán sự mai một vốn cổ truyền. Những dư luận này có phần đúng nhưng chưa thực sự công bằng với cuộc sống.

Bánh đắt là lãng phí?

Chuyện bánh Trung thu tiền triệu bị dư luận xét nét, phê phán cũng cần cân nhắc lại. Dễ nhận thấy, khi trên thị trường, đặc biệt là ở các đô thị, mọc lên nhiều tiệm bánh Trung thu các loại, từ bình dân đến cao cấp (mức giá từ vài chục ngàn đến cả vài triệu một hộp bánh), dư luận xã hội, trên báo chí, nhiều diễn đàn phê phán sự lãng phí, thậm chí đoán định này nọ. Trong đó việc dư luận phản đối hiện tượng “Trung thu là Tết thiếu nhi” bị không ít người lớn lạm dụng để tranh thủ kiếm chác, biếu xén, hối lộ,.... là đúng. Nhưng nếu phản đối kiểu a dua, theo phong trào mà quy chụp rằng, sắm đồ đắt tiền là để biếu xén, nịnh nọt không hoàn toàn đúng, càng không thể phê phán tiêu dùng đắt tiền là lãng phí. Bởi xét khách quan, chưa có thống kê, nghiên cứu nào đánh giá một cách khoa học và có cơ sở thực tiễn để kết luận rằng những món bánh đắt tiền người ta mua dịp Trung thu hoàn toàn sử dụng vào mục đích “tiêu cực”, cũng không thể khẳng định mọi khách hàng mua đồ đắt tiền là đang tiêu dùng lãng phí.

Xét khía cạnh khác, sự tiêu thụ những món hàng đắt tiền đó vào dịp Trung thu cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao. Những món hàng đắt tiền sản xuất ra, bán được chứng tỏ nguồn “cung” trên cơ sở “cầu”, hoặc hơn thế là “cung” có khả năng kích thích gia tăng “cầu”. Nhìn từ góc độ kinh tế, thực hiện quy luật “cung - cầu” này đã mang lại giá trị thặng dư. Mức thặng dư dù nhiều hay ít, thuộc về ai cũng góp phần cải thiện đời sống, gia tăng phúc lợi, góp phần phát triển xã hội.

Vậy, cái đáng phê phán ở đây không phải bán và mua nhiều loại bánh đắt tiền mà là ở chỗ, những món bánh đó có thực chất giá trị cao đến thế và những khách hàng không đủ năng lực tài chính mà vẫn cố sức “chơi sang một phen”.

Cần nhìn nhận rằng, nếu khách hàng thực sự có tiền và dám bỏ đồng tiền công sức lao động chân chính của mình ra mua những món bánh đắt cho mâm cỗ Trung thu thêm thịnh soạn để cả người lớn và trẻ em cùng quây quần thừa hưởng thành quả lao động của mình thì bữa cỗ Trung thu ấy không chỉ ấm cúng mà còn góp phần lưu giữ nét văn hoá truyền thống của dân tộc.

Với lẽ đó, nếu Trung thu ai đó thực tâm, thực lực bỏ tiền mua bánh ngon, đắt tiền không những ăn mà còn cho, tặng, biếu nhau để thể hiện sự quan tâm, tri ân lẫn nhau thì đáng trân trọng lắm chứ. Chẳng có lý gì khi đời sống người dân được nâng lên mà lại có suy nghĩ những món bánh Trung thu phải rẻ tiền, phải là những món bánh truyền thống mới thực có ý nghĩa!

Chơi thế nào?

Bên cạnh đó, đồ chơi và trò chơi cũng là thứ khi dịp Trung thu về người ta hay “kêu than”. Nào là trò chơi truyền thống bị mai một, đồ chơi truyền thống bị lấn át bởi những đồ chơi hiện đại, thậm chí ngoại nhập (trong đó không ít loại đồ chơi gây hại). Dư luận đúng khi phản đối sự “xâm chiếm” của không ít đồ chơi hiện đại, ngoại nhập có tác động tiêu cực đến trẻ em. Và đúng khi phản ứng có tính chất bảo vệ nét truyền thống văn hoá, khích lệ tính hướng nội trong tiêu dùng của nhân dân ta. Tức là dư luận muốn “người Việt hãy dùng hàng Việt”, hãy chơi những trò chơi, đồ chơi truyền thống lành mạnh, tích cực để tham gia vào việc lưu giữ “hồn cốt” văn hoá Việt.

Thừa nhận rằng, cái gì có hại thì phải đấu tranh, tìm cách loại bỏ. Nhưng thẳng thắn mà nói, phản đối đồ chơi ngoại là không bình đẳng, chỉ hô hào đòi giữ trò chơi dân gian mà không có hành động thiết thực thì cũng vô nghĩa. Bởi không phải mọi đồ chơi ngoại, hiện đại đều gây hại. Đặc biệt, đồ chơi và trò chơi phải luôn nằm trong mối quan hệ không thể tách rời. Trò chơi phải có đồ chơi để chơi, và đồ chơi phải có trò chơi để sử dụng. Khi chúng ta ra rả nói rằng phải giữ trò chơi truyền thống, phải khôi phục và phát huy đồ chơi truyền thống. Nhưng giữ và phát huy bằng cách nào? Trò chơi dân gian mai một vì sao? Vì trò chơi cần chỗ chơi, nhưng tốc độ đô thị hoá chóng mặt, thiếu quy hoạch, thiếu đồng bộ, đặc biệt là sự thiếu khoa học trong các chi tiết hữu dụng dân sinh đô thị khiến nhà cao tầng nhiều, nhưng sân chơi cho trẻ em thiếu. Giả thử chúng ta sản xuất được nhiều đồ chơi, vậy trẻ em lấy đâu chỗ chơi? Thêm nữa, nếu may mắn có chỗ chơi và có đồ chơi, nhưng làm cách nào để chơi? Vì thực tế, những người biết chơi (thế hệ ông bà, cha mẹ của các em) thì mải kiếm tiền, không thể dành thời gian để chơi cùng và dạy các em chơi. Những nghệ nhân hiếm hoi còn làm được đồ chơi, còn biết chơi và có khả năng dạy chơi thì không bán được hàng, không sống nổi được bằng nghề đành phải bỏ nghề.

Tại sao đồ chơi truyền thống bị đồ chơi ngoại lấn át? Vì đồ chơi ngoại sản xuất rất nhiều, dễ chơi, chơi được trong mọi địa hình, mọi không gian. Nói vậy không phải cổ vũ, ca ngợi đồ chơi ngoại, hiện đại mà quan trọng là nhận thức ra rằng chúng ta thiếu định hướng chơi cho trẻ em, không có chiến lược hình thành thị hiếu tiêu dùng, không có khả năng kiểm soát thị trường để cái nhiều thắng thế. Đã thế, nhiều phụ huynh, đặc biệt là cư dân đô thị sẵn sàng mua nhiều đồ chơi hiện đại cho con em họ cốt sao cho đỡ quấy rầy thời gian “vàng ngọc” để người lớn còn làm việc. Còn trẻ em nông thôn thì còn khó khăn mọi bề, còn phải phụ giúp bố mẹ làm việc thì nói gì đến nhiều đồ chơi.

Rõ ràng, đồ chơi và trò chơi dân gian, nếu có mai một, lỗi không phải thuộc về trẻ em, lỗi chính do người lớn không tạo dẫn dắt, định hướng thiết thực để các em kế tục cha ông để gìn giữ. Trong khi nhà trường lại có quá nhiều thứ để các em phải học cho “cạn” quỹ thời gian giải trí của tuổi thơ.

Nguyên nhân chủ quan khác là đồ chơi nội cũng chậm đổi mới cho hợp thời, giá thành đa số còn cao, mẫu mã có phần đơn điệu. Nên muốn chiếm lĩnh thị trường, đồ chơi nội phải vừa mang dấu ấn bản sắc văn hoá dân tộc, vừa phải hợp thời đại, phải tiện dụng, dễ chơi, tránh sự bắt chước lai căng, thiếu sáng tạo, thiếu bản sắc.

Tựu trung lại, không nên phân biệt bánh cổ truyền, hay hiện đại, rẻ tiền hay đắt, mà quan trọng hơn cả là người đón nhận và tận hưởng nó phải cảm thấy hài lòng, cảm thấy có ý nghĩa. Không nên cực đoan phản đối đồ chơi ngoại, đồ chơi hiện đại mà cần nhìn nhận công bằng hơn. Khi đó, Tết Trung thu sẽ là một thời điểm quý báu để mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội thể hiện thái độ trân trọng gìn giữ ngày lễ giàu ý nghĩa này, đặc biệt là thể hiện sự quan tâm chăm sóc đến trẻ em./.

VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất