Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 3/9/2011 11:30'(GMT+7)

Viết về chủ đề Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng và thách thức với mỗi nhà báo, văn nghệ sĩ

 Ngày 9/3/2008, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã phát động Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ba năm qua đã có hàng ngàn bài báo, tác phẩm VHNT của các nhà báo, văn nghệ sĩ cả nước tích cực hưởng ứng cuộc vận động này.
Năm 2009 và năm 2010, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tiến hành tổng kết đánh giá, đồng thời biểu dương, tặng thưởng cho một số đơn vị và cá nhân có tác phẩm đạt chất lượng tốt. Kết quả, đã lựa chọn, tặng thưởng cho 129 tác phẩm văn học, nghệ thuật và 54 tác phẩm báo chí xuất sắc về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đồng thời tặng thưởng 24 đơn vị báo chí, xuất bản và 19 đơn vị nghệ thuật, chiếu bóng lưu động có thành tích xuất bản, quảng bá đưa tác phẩm tới công chúng, hưởng ứng cuộc vận động. Ban Chỉ đạo cũng đã xem xét tặng bằng khen 106 tập thể có nhiều thành tích trong chỉ đạo tổ chức, vận động anh chị em nhà báo, văn nghệ sĩ tham gia cuộc vận động.
Vì sao cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Bác Hồ” và “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được đội ngũ các nhà báo, văn nghệ sĩ nhiệt tình tham gia và có được một số tác phẩm có chất lượng?
Trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta lãnh đạo đã có nhiều đổi thay, biến động trong nhận thức tư tưởng và hiện thực của đời sống. Sự đổi thay ấy có tác động tích cực và cả những hạn chế, bất cập tới mọi hoạt động của toàn xã hội; tác động tới từng cộng đồng dân cư, từng gia đình và trong mỗi con người. Song có một điều không bao giờ thay đổi, đó là khát vọng độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ tự do, “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(Hồ Chí Minh) hạnh phúc cho nhân dân; là mong muốn “đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” sau chiến tranh như Di chúc của Bác Hồ gửi lại. Ý nguyện ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân ta trong suốt một chặng đường dài của lịch sử. Chính vì mục tiêu ấy, trong đấu tranh cách mạng đã có hàng vạn người con yêu quý của Tổ quốc hi sinh cho nền độc lập của dân tộc, cho hòa bình, ấm no hạnh phúc. Nhiều anh hùng, liệt sĩ có tên và vô danh đã nằm lại ở Côn Lôn, Hỏa Lò, Sơn La, Kon Tum... Họ nằm lại ở Điện Biên, Quảng Trị, dọc dài theo dãy Trường Sơn hay trên những rừng chàm, rừng đước ở Nam Bộ...
Đó còn là hình ảnh của Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, thể hiện một cách đầy đủ, sâu sắc nhất tâm hồn và khí phách dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. Nói như một nhà thơ nước ngoài: “Người là lương tâm của thời đại”. Suốt bao năm qua hình ảnh của Bác Hồ luôn gắn với hành trình của cách mạng, với mỗi vùng đất, mỗi kỷ niệm đã có những tác động, khơi nguồn cho các nhà báo, văn nghệ sĩ mong muốn được sáng tạo, viết về Bác Hồ bằng một cảm xúc mới, tư duy mới.
Về công tác tổ chức, đây cũng là cuộc vận động sáng tác có qui mô lớn. Ở hầu hết các tỉnh, thành phố TW và địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo.
Qua 3 năm thực hiện Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí đã có hàng ngàn bài báo, các tác phẩm văn thơ, ca khúc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kịch bản sân khấu, điện ảnh, các công trình nghiên cứu văn hoá dân gian về chủ đề Bác Hồ và “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được sáng tác, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và biểu diễn hàng trăm buổi. Các vở diễn sân khấu “Vần thơ thép” – do Nhà hát Chèo TW thực hiện, “Hồ Chí Minh kí ức màu đỏ” – của Nhà hát nghệ thuật dân ca Huế, “Bác Hồ - Người là niềm tin tất thắng” – của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ… tạo được sự quan tâm của công chúng.
Ở một số Hội văn học, nghệ thuật Trung ương, Hội nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội kiến trúc, Hội Văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian… đã dành một số trại sáng tác cho hội viên viết chuyên đề về chủ đề Bác Hồ. Cục Điện ảnh, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản về chủ đề Bác Hồ gắn với kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đã có nhiều kịch bản phim, kịch bản sân khấu xây dựng hình tượng Bác và cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta qua hai cuộc kháng chiến có chất lượng cao. Đó là các tác phẩm Đêm trước rạng đông của Đoàn Hữu Nam, Nhà tiên tri của Hoàng Nhuận Cầm, Nhìn ra biển cả của Nguyễn Thị Hồng Ngát, Vượt qua bến Thượng Hải của Hãng phim Hội Nhà văn…
Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương, Hãng phim Hội Điện ảnh, Hãng phim Truyện Việt Nam và Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành các bộ phim tài liệu về Bác Hồ: Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn từ thế kỷ XXI, 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, Bác Hồ sự cảm hoá kỳ diệu…
Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh cổ động, ảnh nghệ thuật về đề tài Bác Hồ và “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gây được sự chú ý của công chúng.
Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã đầu tư cho 5 tác giả viết kịch bản sân khấu về đề tài Bác Hồ và đã có nhiều vở diễn thành công được Ban Chỉ đạo tặng thưởng.
Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã tổ chức cho hội viên đi thực tế, sưu tầm ca dao, ghi lại những câu chuyện về Bác Hồ gắn với tình cảm của đồng bào các dân tộc, những câu chuyện về Bác Hồ trong nhân dân. Một số tác phẩm mỹ thuật, công trình nghiên cứu dân gian về chủ đề trên đã được xuất bản phổ biến.
Các hội văn học, nghệ thuật các tỉnh, thành phố dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ đảng, chính quyền, Ban Tuyên giáo đã có nhiều hoạt động sáng tạo để cuộc vận động thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của địa phương mình.
Ngoài việc tuyển chọn tác phẩm gửi dự xét thưởng ở Trung ương, các địa phương chủ động tổ chức các cuộc thi sáng tác lựa chọn các tác phẩm xuất sắc để trao giải. Một số các địa phương đã chi hàng trăm triệu đồng đưa văn nghệ sĩ, nhà báo đi thực tế, bám sát các trọng điểm kinh tế của tỉnh để phản ánh những tấm gương sáng trong lao động sản xuất, viết về người thật, việc thật.
Về lĩnh vực báo chí, đến ngày 23/3/2011, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam đã nhận được 295 tác phẩm (có 198 tác phẩm báo in, 97 tác phẩm phát thanh-truyền hình) của 78 đơn vị báo chí toàn quốc gửi về tham dự (33 đơn vị báo chí Trung ương, 45 Hội Nhà báo địa phương). So với 2 năm trước, số lượng tham dự năm nay tăng vượt bậc: Năm 2008 có 205 tác phẩm và năm 2009 có 225 tác phẩm tham dự. Về chất lượng, các tác phẩm mỗi năm đồng đều hơn và đi vào chiều sâu lấy tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ để xây dựng các điển hình trong lao động, sản xuất, nhiều tác phẩm nổi trội hơn so với 2 năm đầu của Cuộc vận động. Nội dung phản ánh phong phú, đề cập trên bình diện rộng của đời sống xã hội, nêu được việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong rộng rãi các tầng lớp nhân dân ở khắp mọi miền, ngành nghề, tầng lớp dân cư: từ nhà khoa học, nhà giáo, nhạc sĩ, bác sĩ trong giới trí thức, đến người lao động bình thường-người công nhân quét rác, người công nhân địa chất, người thợ mỏ; từ người lãnh đạo-bí thư tỉnh uỷ đến người nông dân; từ đồng bằng đến miền núi cao, đồng bào dân tộc thiểu số, chiến sĩ hải quân; đến một nhà sư, một linh mục-cha xứ,… đều có những việc làm thiết thực, cụ thể.Cuộc vận động cũng đã thu hút được một lực lượng đông đảo văn nghệ sỹ, nhà báo trong cả nước, tạo nên một động lực mới trong sáng tạo nghệ thuật. Đã có nhiều nhà văn, nhà báo lão thành viết nhiều bài báo, tác phẩm văn học nghệ thuật ghi lại những kỉ niệm về Bác Hồ, như nhà văn Tô Hoài, Hồ Phương, nhà báo Hữu Thọ, nhà văn Y Điêng (Êđê), Mã A Lềnh (H’Mông), Hoàng Quảng Uyên, Kim Nhất... Ngoài các nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp còn có hàng trăm các tác giả viết văn, làm báo không chuyên nhưng vốn yêu quí Bác Hồ, nặng lòng thủy chung với Cách mạng gửi tác phẩm về cho Ban tổ chức, với nhiều câu chuyện thật cảm động.
Trên các báo, tạp chí Văn nghệ: Tạp chí Hội Nhà văn, Tạp chí Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Văn nghệ Quân đội, báo Văn nghê, các báo đảng, tạp chí văn học, nghệ thuật ở các tỉnh, thành phố như Tạp chí Văn nghệ Nha Trang, An Giang, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Đất Quảng, Sông Hương, Hà Tĩnh… đều có chuyên trang, chuyên mục giới thiệu các tác phẩm. Các tác phẩm hưởng ứng Cuộc vận động cũng được in ấn, xuất bản. Một số nhà xuất bản đã in nhiều tập sách, tổ chức phát hành về chủ đề này./.

Nhà văn Đỗ Kim Cuông
Phó Chủ tịch Thường trực - Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất