Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 2/9/2011 14:15'(GMT+7)

Khi các nhà văn ít đọc văn của nhau

 1. Thử làm một phỏng vấn nhanh 10 cây bút trẻ, rằng anh/chị có đọc văn chương Việt không thì nhận được câu trả lời rất chóng vánh là: “rất ít đọc” (8 người) và “hoàn toàn không đọc” (2 người).

“Tôi thích đọc văn chương nước ngoài hơn”, đó là câu trả lời của hầu hết các cây bút. Vì sao? Vì nó hay hơn. Xét tận cùng là vậy. Mà hay hơn nên được đón nhận nồng nhiệt hơn thì cũng không có gì là khó hiểu. Murakami Haruki, Orhan Pamuk, Italo Calvino, Frédéric Beigbeder, Vargas Llosa... Những cái tên được nhắc đến, nếu không được “bảo hiểm” bởi sách bán chạy (best-seller) thì cũng là được “bảo hộ” bởi giải thưởng danh giá. Ðọc để thưởng thức, để học hỏi, để thoát khỏi “ao tù”...

Cho nên dứt khoát phải đọc: Kafka, Kundera, Kawabata và Cao Hành Kiện (có người đoan chắc rằng các nhà văn tên có chữ K đều rất sáng giá, nhưng với điều kiện đấy phải là... chữ K ngoại!). Ðọc văn chương nước ngoài riết rồi không muốn/không thể quay lại đọc văn chương nội địa được nữa! Ðó là lời thành thật của các cây bút.

2. Trước một tình trạng như vậy đương nhiên có một câu hỏi được đặt ra là: “Phải chăng văn chương Việt không có gì đáng đọc?”. Tác phẩm của gần 1.000 nhà văn VN (1.000 là xét theo tiêu chí nhà văn có thẻ hội viên trung ương) hiện nay không có gì đáng đọc? Nhà văn trẻ thì không đọc của nhà văn già, nhưng các cây bút trẻ thì có đọc của nhau không? Câu trả lời quả là tế nhị.

Thử hỏi vài câu kiểu “gài bẫy” thì có thể thấy quả là các nhà văn trẻ rất ít đọc nhau. Tập truyện với nhan đề ngắn Năm mười mười lăm hai mươi của Nguyễn Vĩnh Nguyên từng bị bạn viết hiểu nhầm (và giễu cợt) là sách viết cho... tuổi ô mai. Trần Thu Hằng, Uông Triều, Lưu Sơn Minh, những nhà văn trẻ viết tiểu thuyết lịch sử, từng cho ra mắt những tác phẩm khá hay, nhưng dường như không được mấy bạn viết tìm đọc.

Thậm chí có người phán: “Tiểu thuyết lịch sử không phải là cuộc chơi của người trẻ”. Mới đây, tác giả trẻ Phan An cho ra mắt cuốn Quẩn quanh trong tổ (Thái Hà Book và NXB Thời Ðại) thì nhiều người trong giới nhầm với Phan An - tác giả của Giường, Phong độ đàn ông...

Phan An (của Quẩn quanh trong tổ) không chấp nhận việc hễ nói đến văn chương Việt là “xùy”, là “xuỵt”, là “chê tàn chê mạt” (mà có khi không hề đọc). Với Phan An thì có đọc, nhưng “đọc ít tránh nhiều”.

Mai Anh Tuấn (tác giả của tiểu thuyết Giảng đường yêu dấu - giải ba Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần 3) thì tỏ ra tỉnh táo: “Trong những nỗ lực duy trì thói quen cập nhật tác phẩm mới, tôi nhận thấy mình không đến mức cực đoan phủi tay hoặc ít ra là kêu ca những gì được thu nhận, và vì thế không nhanh nhảu đổ nhào về phía cái gọi là tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài mà tôi biết, nhiều nguyên nhân làm nên sự nổi tiếng ấy lại phi văn học. Sẽ thật đáng nghi ngờ nếu bạn cầm trên tay chục cuốn sách dịch mà trang bìa nào cũng ghi là kiệt tác hay tuyệt phẩm. Với sức hiểu biết hạn hẹp của cá nhân và từ sự hỗ trợ bởi thao tác so sánh mách bảo tôi rằng nửa số sách ấy là những kiệt tác vừa phải”.

3. Ðể không “quẩn quanh trong tổ” thì phải đọc, phải học từ những văn tài thế giới, tất nhiên rồi. Và, sẽ rất là vô lý nếu như “năn nỉ” nên đọc văn chương nội địa, một khi nó chưa hay, chưa đáp ứng được sự đọc mà tối thiểu là đọc như một nhu cầu giải trí. Nhưng từ đây có một câu hỏi đặt ra là: “Nếu như anh/chị từ chối, quay lưng lại văn chương Việt, thì anh/chị mong gì được đọc, được chia sẻ, khi anh/chị cũng “trước tác” bằng tiếng Việt?”. Và, nếu anh/chị không mong gì từ sự chia sẻ đó (trước hết từ những người viết với tư cách là đồng nghiệp) thì anh/chị sẽ lao động như thế nào, tạo ra những sản phẩm như thế nào, hướng đến đối tượng độc giả nào?

Thực tế thì văn chương Việt không phải là không có gì để đọc. Thật khó tin nếu một ai đó “hoàn toàn không đọc” văn chương Việt lại có thể viết nên những tác phẩm hay bằng tiếng Việt (!).

Nguồn:Tuổi trẻ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất