Việc hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và quốc tế đã mang đến nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa đối với Việt Nam nhưng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không chỉ ở thị trường quốc tế mà ngay cả ở thị trường trong nước. Đáp ứng yêu cầu hội nhập, xây dựng thương hiệu là điều cần thiết, bởi đây không chỉ là tấm giấy thông hành giúp doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, cạnh tranh "sòng phẳng" với các doanh nghiệp nước ngoài, mà còn tạo danh tiếng, thương hiệu của cả một quốc gia. Mặc dù so với các quốc gia phát triển khác thì việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp vẫn còn khá non nớt, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những kết quả đáng ghi nhận trong việc tạo dựng thương hiệu trong nước và quốc tế thời gian vừa qua.
Trong bảng xếp hạng năm 2021, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới. Trong bối cảnh chung các nước không có sự thay đổi về thứ hạng, nếu không nói một số nước bị tụt hạng, việc duy trì vị trí thứ 33/100 top thương hiệu mạnh trên thế giới là một trong những điểm sáng của giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam. Theo đó, giá trị thương hiệu của nước ta tiếp tục tăng 21,6% so với năm 2020 từ 319 tỷ lên 388 tỷ USD. Kết quả này đi ngược với xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch COVID-19.
Với sự hỗ trợ của Chương trình THQG, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu của mình một cách chuyên nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Minh chứng là rất nhiều thương hiệu lớn, trong đó số lượng góp mặt trong danh sách Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam (VIETNAM 50 2021 RANKING) của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam đến từ nhiều lĩnh vực tăng dần qua các năm. Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam đều được Brand Finance định giá và chiếm tỷ trọng cao trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Cụ thể: có 06/10 doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG (gồm Viettel, Vinamilk, Agribank, Vietcombank, Mobifone, Vietinbank) thuộc nhóm 03 ngành hàng dẫn đầu (Viễn Thông, Ngân hàng, Thực phẩm), chiếm tới 68% tổng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.
Việc chú trọng phát triển thương hiệu và định hướng xây dựng thương hiệu một cách bài bản của doanh nghiệp được thể hiện từ những yếu tố nhỏ như: Phát triển bộ nhận diện thương hiệu với tên, logo, khẩu hiệu doanh nghiệp, tận dụng tối đa kênh truyền thông, tiếp thị có thể tiếp cận khách hàng mục tiêu, khách hàng tiềm năng và đầu tư có hiệu quả cho các kênh truyền thông này.
Năm 2020, trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Hội đồng Thương hiệu quốc gia đã công nhận 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia. Rất nhiều thương hiệu trong đó đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Có thể kể đến như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội-đây được đánh giá là tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, top 15 nhà mạng trên thế giới về thuê bao di động và top 40 thế giới về doanh thu; cùng với đó là sự góp mặt của Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) đang vươn dần lên vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN; Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa đứng đầu khu vực châu Á về sản lượng khai thác yến; Công ty CP Sữa TH-Doanh nghiệp đầu tiên có được “giấy thông hành” đi vào thị trường Trung Quốc, thị trường có lượng tiêu thụ sữa đứng thứ hai thế giới…
Có thể nói, việc doanh nghiệp Việt Nam đã và đang mạnh dạn đầu tư những nguồn lực lớn cho công tác xây dựng thương hiệu đã đạt được những thành công nhất định. Họ đã đã xây dựng cho mình được uy tín và lòng tin nhất định đối với người tiêu dùng. Và kết quả này đã mang lại những tác động tích cực trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Chương trình THQG Việt Nam là chương trình XTTM đặc thù, dài hạn của Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thực hiện. Một trong số các hoạt động của Chương trình là xét chọn sản phẩm của doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia. Một trong số các tiêu chí quan trọng để được xét chọn là sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia đó là đầu tư của doanh nghiệp cho hoạt động R&D (Research & Development), hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, tốc độ trở thành yếu tố quan trọng hơn quy mô trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Vì vậy, đầu tư cho hoạt động R&D sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên phương diện doanh nghiệp và sản phẩm.
Được vinh danh là doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG chỉ là bước khởi đầu để đồng hành với Chương trình THQG. Trong quá trình tham gia Chương trình, doanh nghiệp được Chương trình hỗ trợ quảng bá sản phẩm nhưng đồng thời có trách nhiệm tạo sự lan tỏa tích cực, tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực tăng cường đổi mới, sáng tạo, phát triển thương hiệu sản phẩm bền vững, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh của thương hiệu sản phẩm, cho ngành/lĩnh vực và thương hiệu quốc gia Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.
Vì vậy, nghiên cứu và phát triển sản phẩm luôn là một trong các yếu tố được đánh giá khắt khe nhất khi các doanh nghiệp muốn xét chọn sản phẩm đạt THQG. Vấn đề này rất cần thiết và quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp.
Minh Thế