Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 20/8/2012 10:14'(GMT+7)

Chuyển đổi vị thế của Việt Nam: Nhìn từ góc độ kinh tế

So sánh một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu

So sánh một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu

 Bài viết này xin phân tích những cuộc chuyển đổi vị thế của Việt Nam từ góc độ kinh tế.

Với cuộc chuyển đổi lần thứ nhất, sự kiện Cách mạng Tháng Tám đã đưa Việt Nam chuyển vị thế từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới, trở thành nước độc lập, có chủ quyền.

Cuộc chuyển vị thế lần thứ hai, sau 30 năm kháng chiến, đến năm 1975, Việt Nam từ chỗ bị chia cắt thành nước Việt Nam thống nhất, non sông được thu về một mối.

Lần thứ ba, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI với Đường lối Đổi mới, chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập.

Lần thứ tư, với GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái năm 2010 đạt 1.169 USD, năm 2011 đạt 1.375 USD, Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình.

Những lần chuyển đổi vị thế trên của Việt Nam đều có dấu ấn đậm nét của các thành tựu kinh tế - xã hội.

GDP tăng liên tục trong 32 năm

Một trong những thành tựu nổi bật của kinh tế Việt Nam là duy trì tốc độ tăng trưởng GDP liên tục đến nay là 32 năm. Quy mô GDP ước năm 2011 gấp khoảng 22 lần năm 1955, gấp 7,5 lần năm 1980, gấp trên 7,6 lần năm 1976, gấp khoảng 5,5 lần năm 1985, gấp trên 4,4 lần năm 1990, gấp trên 2,1 lần năm 2000.

GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đã tăng liên tục qua các năm (năm 1988 đạt 86 USD, năm 1990 đạt 118 USD, năm 1995 đạt 289 USD, năm 2000 đạt 402 USD, năm 2005 đạt 642 USD, năm 2011 đạt 1.375 USD).

Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng: tỷ trọng trong GDP của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giảm từ 40,2% năm 1985 xuống còn 22% năm 2011, của nhóm ngành công nghiệp - sản xuất tăng tương ứng từ 27,4% lên 40,8%, của nhóm ngành dịch vụ tăng từ 32,4% lên 37,2%.

Có khoảng 80 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam với lượng vốn đăng ký và thực hiện khá lớn.

Tính từ năm 1988 đến tháng 7/2012, tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 236 tỷ USD. Tổng số vốn thực hiện ước đạt trên 96,6 tỷ USD. Cả 63 tỉnh, thành phố đều có vốn FDI, trong đó có 22 tỉnh, thành phố có số vốn đăng ký đạt trên 1 tỷ USD. Có 79 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, trong đó có 22 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trên 1 tỷ USD. Khu vực doanh nghiệp FDI hiện chiếm 19% GDP, 43,1% giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế, trên 62% kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm trực tiếp cho trên 1,7 triệu lao động,…

Xuất khẩu của Việt Nam đạt được nhiều sự vượt trội, nếu năm 1986 mới đạt 0,8 tỷ USD thì năm 2011 đã đạt gần 97 tỷ USD, khả năng cả năm 2012 sẽ vượt qua 110 tỷ USD. Xuất khẩu bình quân đầu người cũng liên tục gia tăng (nếu năm 1986 đạt 12,9 USD thì năm 2011 đạt 1.103 USD).

Tỷ lệ xuất khẩu so với GDP tăng khá (nếu năm 1985 mới đạt khoảng 5%, thì năm 2011 đạt 80,8%, cao thứ 5 trên thế giới). Hệ số giữa tốc độ tăng xuất khẩu so với tốc độ tăng GDP thuộc loại khá cao, lên đến 2- 3 lần và xuất khẩu đã trở thành động lực tăng trưởng của kinh tế. Hiện đã có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.

Cùng với sự đổi mới, mở cửa hội nhập, với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử văn hóa, con người thân thiện, sự đổi mới, giá cả sinh hoạt rẻ…, sự ổn định chính trị- xã hội và sự thông thoáng về chính sách của nhà nước, đã hấp dẫn khách quốc tế đến Việt Nam. Nếu năm 1995 mới có 1,35 triệu lượt người, thì năm 2000 đạt 2,14 triệu, năm 2005 đạt 3,48 triệu, năm 2010 đạt trên 5 triệu, năm 2011 đạt trên 6 triệu.

Lượng ngoại tệ do khách quốc tế chi tiêu khi đến Việt Nam cũng tăng khá: năm 2005 đạt 2,3 tỷ USD, năm 2010 đạt 4,45 tỷ USD, năm 2011 đạt 5,62 tỷ USD.

Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 170 nước, có quan hệ buôn bán với trên 200 nước và vùng lãnh thổ; đã gia nhập hầu hết các Tổ chức và định chế tài chính quốc tế như Liên hợp quốc, APEC, ASEAN, ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ứng phó hiệu quả với các cuộc khủng hoảng

Ngoài ra, chúng ta đã ứng phó hiệu quả với 4 cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng.

Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội tiềm ẩn từ cuối những năm 1970, đã bùng phát từ giữa thập kỷ 1980, kéo dài tới đầu thập kỷ 1990. Biểu hiện của cuộc khủng hoảng này là tăng trưởng kinh tế thấp, (tính chung thời kỳ 1977- 1990 chỉ tăng 3,96%/năm); lạm phát cao (CPI bình quân năm thời kỳ 1976 -  1991 lên đến 81,16%/năm, trong đó thời kỳ 1986- 1988 lên đến 402,14%); tỷ lệ thất nghiệp cao (năm 1989 lên đến 13%)…

Cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực năm 1997- 1998 xảy ra sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp  hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã làm cho tốc độ tăng GDP của Việt Nam đang từ mức khá cao xuống còn mức thấp (1995 tăng 9,54%, 1996 tăng 9,34%, 1997 tăng 8,15%, 1998 còn 5,76%, 1999 còn 4,77%); vốn đầu tư FDI đăng ký năm 1998 còn 5,1 tỷ USD, 1999 còn 2,6 tỷ USD; CPI từ mức thấp lên mức cao (1997 tăng 3,6%, 1998 tăng 9,2%); tăng trưởng xuất khẩu từ tốc độ cao xuống tốc độ thấp (năm 1997 tăng 26,6%, năm 1998 tăng 1,9%); lượng khách quốc tế năm 1998 giảm 11,4%...

Cuộc khủng hoảng chu kỳ cộng hưởng với sự kiện 11/9/2001 ở Mỹ xảy ra sau khi Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định Thương mại song phương năm 2000, đã làm cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục bị chậm (năm 2000 tăng 6,8%, năm 2001 tăng 6,9%); tốc độ tăng xuất khẩu thấp (năm 2001 tăng 3,8%).

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới trăm năm mới có, tiềm ẩn từ cuối năm 2007, bùng phát vào cuối năm 2008, đã làm cho tăng trưởng kinh tế bị suy giảm (năm 2008 tăng 6,31%, năm 2009 tăng 5,32%); FDI đăng ký năm 2008 đạt 71,7 tỷ USD, năm 2009 còn 23,1 tỷ USD, năm 2010 còn 18,6 tỷ USD, năm 2011 còn 14,7 tỷ USD; CPI tăng cao (2007 tăng 12,63%, năm 2008 tăng 19,89%, năm 2010 tăng 11,75%, năm 2011 tăng 18,13%); xuất khẩu lần đầu tiên bị giảm (năm 2009 giảm 8,9%); lượng khách quốc tế năm 2008 chỉ tăng 0,2% và năm 2009 giảm 10,9%...

Mặc dù tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng, nhưng với tinh thần của Cách mạng tháng Tám, với 3 khâu đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kỳ vọng đến cuối thập kỷ này, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011- 2020 là đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, từ đó từng bước thực hiện thành công cuộc chuyển đổi vị thế lần thứ năm.

Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất