Những ngày qua, từ các nước A-rập, Mỹ, Nga và Liên hợp quốc... liên tiếp rộ lên tin tức về các bên đưa ra những đề xuất tìm giải pháp hòa giải và lập lại hòa bình ở Trung Ðông. Khu vực này được coi là vùng địa-chính trị-kinh tế-văn hóa quan trọng thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia.
Mâu thuẫn chủ yếu là quan hệ giữa khối các nước A-rập với Israel, giữa Israel với Palestine và các nước láng giềng kéo dài nửa thế kỷ nay. Những năm qua, đã có nhiều đề xuất, nhiều nỗ lực hòa bình của các bên, kể cả LHQ. Song tiến bộ còn ít mà mâu thuẫn dường như phát sinh nhiều hơn, phức tạp và sâu sắc hơn.
Là một bên tham gia quá trình hòa giải ở Trung Ðông nhiều năm nay, Liên bang Nga đã chủ động đề ra những biện pháp mới, tích cực và có tính khả thi cao. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ trong tháng 5 này, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã chủ trì phiên họp Bộ trưởng Ngoại giao của HÐBA về tình hình Trung Ðông với sự tham dự của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun. Tất cả 15 nước thành viên HÐBA đã ủng hộ đề xuất của Nga đứng ra tổ chức tại Mát-xcơ-va hội nghị quốc tế về lập lại hòa bình Trung Ðông trong năm nay. HÐBA ra tuyên bố tái khẳng định cam kết về một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Trung Ðông trên cơ sở "giải pháp hai nhà nước" Palestine và Israel song song tồn tại bên nhau. Bộ trưởng Sergei Lavrov nêu rõ quan điểm của Mát-xcơ-va cho rằng, chỉ có cuộc đàm phán giữa các bên liên quan các cuộc xung đột mới có thể bảo đảm một giải pháp hòa bình bền vững ở vùng chảo lửa kéo dài và phức tạp này. Hội nghị quốc tế về Trung Ðông nhất thiết phải có sự tham gia của Israel và Palestine, của đại diện Tổ chức Hội nghị Hồi giáo và Liên đoàn các nước A-rập, trên cơ sở các thỏa thuận đã đạt được cũng như có sự tham vấn của Nhóm "bộ tứ" và các bên liên quan.
Cũng là một bên trong Nhóm "bộ tứ" tham gia tiến trình hòa bình và là một cường quốc có ảnh hưởng cực kỳ lớn ở Trung Ðông, Chính phủ Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ nỗ lực can dự, đã và đang xúc tiến các biện pháp hòa giải ở Trung Ðông, một khu vực được coi là một ưu tiên trong chính sách của Chính phủ Mỹ hiện nay. Tổng thống Obama đã cử phái viên tới Trung Ðông và thông báo sẽ có các cuộc gặp và hội đàm riêng rẽ với Thủ tướng
Israel, Tổng thống Ai Cập và Tổng thống Palestine trong các ngày 18, 26 và 28-5, nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Ai Cập của ông ngày 4-6 tới, trong đó ông sẽ có bài phát biểu về chính sách của Mỹ đối với cộng đồng các quốc gia Hồi giáo. Ông Obama nhiều lần gây sức ép đối với nhà cầm quyền Israel chấp nhận việc thành lập Nhà nước Palestine. Quốc vương Jordan Abdullah đệ nhị cho biết, trong chuyến thăm Washington hồi tháng 4 vừa qua, ông đã thảo luận với Tổng thống B.Obama về một kế hoạch hòa bình mới ở Trung Ðông có sự tham gia của toàn bộ 57 quốc gia Hồi giáo trên thế giới. Theo kế hoạch này, toàn bộ 57 nước Hồi giáo sẽ công nhận Israel để đổi lấy hòa bình cho khu vực Trung Ðông, tổ chức các cuộc hòa đàm giữa
Israel và Palestine, giữa Israel với Syria và Li-băng. Dự kiến, chi tiết của kế hoạch nêu trên sẽ được công bố trong tháng này. Trước đó, Tổng thống Mỹ tuyên bố rằng, việc thành lập Nhà nước Palestine là một ưu tiên trong chính sách của Washington hiện nay. Tổng thống Syria Al Assad đã lên tiếng mong muốn đàm phán trực tiếp với Israel với sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần mình, các phe phái của Palestine đang nỗ lực thương lượng để thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Các nước A-rập tuyên bố sẵn sàng công nhận Nhà nước Israel để lấy lại những vùng lãnh thổ bị Israel chiếm, như kế hoạch "đổi đất lấy hòa bình".
Những động thái và đề xuất nêu trên vào lúc tại Trung Ðông mới trải qua những cuộc xung đột vũ trang ác liệt giữa Israel với lực lượng Hezbollah ở vùng biên giới giữa Israel và Li-băng và Phong trào Hồi giáo Palestine ở dải Gaza. Tại Israel vừa có chính phủ mới. Nhà cầm quyền Tel Aviv cũng đã phát đi những tín hiệu muốn hòa giải và cải thiện quan hệ với một số nước A-rập. Thủ tướng Israel B.Netanyahu vừa có chuyến thăm Ai Cập và Jordan, hội đàm với lãnh đạo cấp cao hai nước này về các vấn đề trong khu vực. Ngày 11-5, phát biểu ý kiến khi ở thăm Ai Cập, Thủ tướng mới của Israel đã khẳng định "Israel muốn hòa bình với người Palestine, muốn hai bên chung sống trong sự tôn trọng hòa bình, an ninh và thịnh vượng". Ông hy vọng sẽ tái khởi động các cuộc hòa đàm với Palestine trong vài tuần tới. Cùng ngày, Israel và Ai Cập đã thỏa thuận nối lại các cuộc thương lượng nhằm xúc tiến việc trao đổi tù binh giữa Israel và Phong trào Hamas ở dải Gaza. Thủ tướng Israel đã ra lệnh nới lỏng một số biện pháp hạn chế đối với người Palestine ở khu Bờ Tây. Tổng thống Israel Shimon Peres trong buổi tiếp Giáo hoàng Benedict XVI ngày 11-5 tuyên bố lạc quan rằng, "hòa bình có thể đang đến với Trung Ðông" và năm 2009 sẽ là năm "các bức tường thù địch sụp đổ", có thể mở ra một trang mới cho lịch sử Trung Ðông mà ở đó cho phép các thế hệ sau này được sinh ra và sống trong hòa bình.
Tuy nhiên, Thủ tướng B. Netanyahu cùng các thành viên Chính phủ Israel cho tới lúc này vẫn chưa chấp nhận nguyên tắc thành lập Nhà nước Palestine. Việc chính phủ mới ở Mỹ ủng hộ nỗ lực thành lập Nhà nước Palestine, tuy không phải là thái độ mới của Washington, nhưng nhân tố này khiến vấn đề trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn đối với Chính phủ cánh hữu ở Israel. Chính phủ Tel Aviv trước đây đã làm ngơ trước yêu cầu này mà không hề bị trừng phạt dưới thời Tổng thống G. Bush. Nay với thái độ mạnh mẽ của Tổng thống Obama liệu Israel có còn có thể cứ "phớt lờ" như trước đây nữa không. Trong lịch sử, đã có hai tổng thống Mỹ sử dụng các biện pháp cứng rắn để gây sức ép đối với Israel phải nghe theo Mỹ. Tổng thống D. Eisenhower đã chấm dứt viện trợ kinh tế để buộc Israel rút quân khỏi Ai Cập trong cuộc chiến tranh năm 1956 và Tổng thống G. Bush cha ngừng giải ngân hàng tỷ USD cho vay để buộc Tel Aviv phải tham dự hội nghị hòa bình Madrid (Tây Ban Nha) năm 1991. Các nhà phân tích cho rằng, có thể bên ngoài là những động thái tỏ ra tôn trọng lẫn nhau, nhưng bên trong quan hệ, các nhà lãnh đạo Mỹ và Israel có thể phải đấu gay gắt với nhau về ngoại giao và kết quả của cuộc đấu đó sẽ ảnh hưởng đến tương lai của Trung Ðông. Trước mắt là cuộc gặp giữa Tổng thống B. Obama và Thủ tướng B. Netanyahu tại Washington sắp tới.
Giải pháp tổng thể lập lại hòa bình bền vững ở Trung Ðông chắc chắn gặp nhiều trắc trở. Dư luận quan tâm hy vọng các bên liên quan tỏ rõ thiện chí, gác lại bất đồng để ngồi với nhau tìm ra tiếng nói và hành động chung, trước mắt ngăn chặn xảy ra xung đột vũ trang, tiền đề của những giải pháp hòa bình lớn hơn. Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ ủng hộ giải pháp thương lượng mang lại hòa bình ở Trung Ðông. Tại cuộc họp cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an LHQ, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh, Trưởng Phái đoàn Ðại diện Thường trực nước ta tại LHQ, Ðại diện Việt Nam tại HÐBA, đã hoan nghênh sáng kiến của Nga tổ chức cuộc thảo luận nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông; khẳng định ủng hộ việc giải quyết toàn diện xung đột Israel - Palestine và A-rập - Israel trên cơ sở thương lượng hòa bình, đáp ứng quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan; đánh giá cao vai trò trung gian quan trọng của LHQ, Nhóm bộ tứ, Liên đoàn A-rập và các nước khu vực hướng tới mục tiêu đạt được giải pháp hai Nhà nước độc lập; đồng thời khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực sớm khôi phục và thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Ðông./.
(Theo Nhân Dân điện tử)