Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bộc lộ quan điểm của ông về cuộc chiến ở Afghanistan, Pakistan cũng như Iran và Israel trong một cuộc phỏng vấn mới đây với phóng viên tạp chí Newsweek.
Điều khó khăn nhất ngài từng phải làm là gì?
Ra lệnh điều thêm 17.000 binh sĩ tới Afghanistan. Sự điềm tĩnh phải đi cùng với một quyết định như thế bởi bạn phải tính đến khả năng một vài trong số các chàng trai, cô gái ấy sẽ bị tổn hại trong bối cảnh chiến tranh. Phải đảm bảo rằng bạn đã suy xét mọi khía cạnh và kết hợp thành một chiến lược khả thi tốt nhất nhưng vẫn hiểu rằng với tình hình như ở Afghanistan, nhiệm vụ trở nên đặc biệt khó khăn và không có bất kỳ sự bảo đảm nào. Tất cả điều đó khiến việc tăng viện là một quyết định vô cùng phức tạp và khó khăn.
Điều gì có thể khiến ngài sẵn sàng trở thành một tổng thống thời chiến?
Ồ, tôi nghĩ rằng nó chắc chắn sẽ giúp hiểu các vấn đề chiến lược lớn hơn. Tôi nghĩ điều đó quan trọng hơn việc thấu hiểu các chiến thuật liên quan bởi có một số vị chỉ huy phi thường trên thực địa và rất nhiều cố vấn tốt mà tôi vô cùng tin tưởng. Nhưng tổng thống phải đưa ra quyết định: liệu sử dụng quân đội trong trường hợp này có đáp ứng những mục tiêu an ninh quốc gia lớn hơn của Mỹ? Và bạn không thể làm điều đó nếu thiếu sự hiểu biết. Hãy xét trường hợp của Afghanistan, nó liên quan tới Pakistan như thế nào và bản chất của tình hình bạo loạn ở đó là gì, ... Do đó, tôi cho rằng, hiểu được phần nào đó bối cảnh đóng vai trò thiết yếu.
Theo tôi, một việc khác cũng có tính quyết định là việc trải qua hai năm vận động tranh cử và sau đó là nhiều năm làm một thượng nghị sĩ, gặp gỡ những chàng trai, cô gái đã phục vụ trong quân đội cùng gia đình của họ, gia đình của những người lính không bao giờ trở về và biết về cái giá mà những người bạn cử đi đang phải trả.
Ngài có thể tiết lộ về việc mình đã đi đến quyết định trên như thế nào được không?
Tôi nghĩ, điểm khởi đầu là việc nhận ra rằng chiến lược hiện tại đang không hiệu quả, rằng Taliban đã tiến lên, rằng sự hiện diện của chúng tôi tại Afghanistan đang mất dần sự ủng hộ, rằng sự bất ổn dọc khu vực cũng đang gây mất ổn định cho Pakistan. Đó là điểm khởi đầu của quyết định.
Sau đó, chúng tôi bắt tay vào một quá trình xét duyệt lại chiến lược, đòi hỏi sự tham gia của mọi cơ quan chính phủ có liên quan - Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, các cơ quan tình báo, cứu trợ. Một khi quá trình xét duyệt lại chiến lược hoàn tất, tôi sẽ cùng các vị lãnh đạo thảo luận về điều đó cũng như lắng nghe nhiều viễn cảnh khác nhau, xem xét một loạt các lựa chọn về cách thức tiến hành; yêu cầu họ tổng kết và đưa ra những con số, tái cân nhắc những quan điểm cụ thể trên cơ sở là một số câu hỏi tôi đặt ra họ không thể trả lời được.
Và cuối cùng khi tôi cảm thấy rằng mọi cách tiếp cận có thể đều đã được nêu ra, rằng tất cả các câu hỏi hoặc đã được giải đáp hoặc không thể giải đáp, lúc đó tôi phải đưa ra quyết định và tôi đã làm điều đó.
Ngài có sẵn sàng cử thêm quân nếu con số cụ thể trên không thể đem lại những tiến triển mà ngài mong muốn?
Tôi nghĩ hiện còn quá sớm để bàn về việc tăng thêm quân. Quan điểm kiên định của tôi là chúng ta sẽ không thể thành công đơn giản bằng cách cứ cử ngày càng nhiều binh sĩ tới đó ... Người Anh từng thử làm điều đó nhưng không hiệu quả.
Chúng ta phải nhìn nhận hành động quân sự của chúng ta trong bối cảnh của một nỗ lực lớn hơn nhằm ổn định tình hình an ninh tại Afghanistan, tạo điều kiện cho các cuộc bầu cử quốc gia diễn ra ở đất nước này và sau đó là thúc đẩy quá trình phát triển, để người dân có thể thấy được một chính phủ cởi mở, dung thứ và dân chủ chứ không chỉ là một chính phủ thay thế Taliban. Sức mạnh quân đội đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu này nhưng chỉ mình nó thôi chưa đủ.
Chuyển sang vấn đề Pakistan, liệu ngài có sẵn lòng tiếp tục theo đuổi giải pháp đưa quân Mỹ tới bảo vệ kho vũ khí hạt nhân ở đó nếu nước này trở nên kém ổn định hơn?
Tôi không muốn liên can đến những giả thuyết xung quanh Pakistan ngoài việc khẳng định, chúng tôi tin tưởng kho hạt nhân của Pakistan an toàn, rằng quân đội Pakistan được trang bị để ngăn chặn những phần tử cực đoan muốn chiếm đoạt các khu vũ khí đó. Với tư cách tổng tư lệnh Mỹ, tôi phải cân nhắc mọi lựa chọn, nhưng tôi nghĩ chủ quyền của Pakistan phải được tôn trọng.
Chúng tôi đang nỗ lực tăng cường sức mạnh cho họ như một đối tác. Và một trong những điều đáng khích lệ là, suốt nhiều tuần qua, chúng tôi đã chứng kiến một sự chuyển biến đầy dứt khoát trong nhận thức của quân đội Pakistan, rằng hiểm hoạ từ chủ nghĩa cực đoan ngày càng trở nên trực tiếp và nghiêm trọng hơn so với nguy cơ từ Ấn Độ, vốn tập trung sự chú ý lâu nay của họ.
Thủ tướng Israel Netanyahu công du Washington trong tuần này. Ngài đã hy vọng nói với ông ấy về triển vọng hành động quân sự của Israel chống Iran như thế nào? Một số người thậm chí từng đề cập tới việc chúng ta không nên loại bỏ khả năng sẽ thực thi hành động quân sự của Mỹ đối với Iran.
Tôi đã nói rất rõ ràng rằng, tôi không loại bỏ bất kỳ khả năng nào về vấn đề Iran và nhất là khi nó liên quan đến an ninh của nước Mỹ. Những gì tôi từng tuyên bố là, chúng ta muốn trao cho Iran một cơ hội để họ tuân thủ các thông lệ và luật pháp quốc tế. Tôi nghĩ, rốt cuộc, điều đó sẽ tốt hơn cho người dân Iran. Tôi cho rằng, luôn tồn tại khả năng một nước Cộng hoà Hồi giáo Iran vẫn duy trì đặc điểm đạo Hồi, đồng thời là một thành viên được cộng đồng quốc tế đánh giá tốt và không phải là một hiểm hoạ đối với các quốc gia láng giềng. Chúng tôi sẽ tìm cách tiếp cận họ và cố gắng thay đổi kiểu cách đã tồn tại hơn 30 năm qua mà không mang lại bất kỳ kết quả nào trong khu vực.
Liệu điều đó có hiệu quả không? Hiện tại, chúng ta không biết. Và tôi đảm bảo với bạn rằng tôi không hề ảo tưởng về những khó khăn của một quá trình như thế. Nếu nó không hiệu quả, việc chúng ta đã cố gắng sẽ tăng cường vị thế của chúng ta trong việc huy động cộng đồng quốc tế. Và Iran sẽ cô lập bản thân họ nếu cứ khư khư quan điểm rằng họ là nạn nhân của một chính phủ Mỹ không tôn trọng chủ quyền của Iran.
Ngài có hy vọng Israel, với tư cách là một đồng minh, sẽ tuân theo cách làm đó và không xúc tiến hành động quân sự đơn phương chống Iran?
Không, tôi hiểu rất rõ rằng Israel luôn coi Iran là một hiểm hoạ hiện hữu và xét đến những phát biểu trước đây của Tổng thống Iran Ahmadinejad, bạn có thể hiểu tại sao. Vì vậy, các tính toán của Israel về cái giá cũng như những lợi ích sẽ tinh nhạy hơn. Họ ở ngay đó trong tầm đại bác và tôi không nghĩ tôi ở vị trí quyết định cho người Israel về những gì mà nền an ninh của họ cần.
Tôi có thể thảo luận với Israel trên cương vị một đồng minh rằng, cách tiếp cận mà chúng tôi đang theo đuổi là một cách đem lại cơ hội và triển vọng an ninh, không chỉ cho Mỹ mà cả cho Israel. Điều đó còn vượt trên cả một số lựa chọn khác./.
(Theo VietNamNet - lược dịch từ Newsweek)