Hiện tại là thời điểm quan trọng để “vi chỉnh” chính sách theo hướng bền vững hơn - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chia sẻ
* PV: Thưa bà, với việc nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện… vừa tăng giá, trong kỳ thống kê tháng 8, nhiều chuyên gia cho rằng rất cần lường trước việc lạm phát có thể quay lại và việc “xả van” tín dụng cũng có thể tạo thêm lực đẩy đối với lạm phát?
|
Chuyên gia Phạm Chi Lan. |
* Chuyên gia PHẠM CHI LAN: Những tháng đầu năm lạm phát thấp, thậm chí có tháng âm, không có nghĩa cả năm nay sẽ thấp. Nhưng ngay cả trước khi có chủ trương tăng tín dụng trở lại cũng đã có nhiều ý kiến cảnh báo như vậy. Ở đây không phải chỉ có chuyện lạm phát thấp mà còn có sự tắc nghẽn của nền kinh tế với thực trạng hàng trăm ngàn doanh nghiệp (DN) phải dừng sản xuất, tăng trưởng của các ngành đều giảm, người tiêu dùng dè dặt thắt chặt chi tiêu…
Nhìn từ góc độ DN, tôi cho khó khăn lớn nhất của họ là tín dụng, vì vậy tháo gỡ bằng cách tăng tín dụng trở lại là đúng, nhưng cách làm như thế nào, liều lượng như thế nào cho vừa phải, không gây ra lạm phát chính là nghệ thuật điều hành của Chính phủ. Tháng 8 cũng là thời điểm Chính phủ và các ủy ban của Quốc hội tích cực rà soát tình hình, chuẩn bị trình Quốc hội nhiều quyết sách quan trọng, đồng thời chúng ta cũng chuẩn bị bước vào giai đoạn nước rút của năm. Đây thực sự là thời điểm quan trọng để “vi chỉnh” chính sách theo hướng bền vững hơn, tạo ra một nền kinh tế “xanh” hơn.
* Liệu trong bối cảnh khó khăn này, khi các DN còn đang vất vả vật lộn với khó khăn để tồn tại - đặt ra vấn đề “xanh” có thích hợp không? Như chính bà từng nhận xét, thành quả kinh tế bao giờ cũng dễ thấy hơn là những thành quả về xã hội, môi trường; trong khi cái giá phải trả cho bảo vệ môi trường thì không hề nhỏ, nhất là đối với một nước còn khó khăn…
* Tôi lại cho rằng đây chính là thời điểm rất thích hợp. Chính trong bối cảnh khó khăn, qua sàng lọc thị trường, sự khắc nghiệt của cạnh tranh, chúng ta buộc phải chấp nhận có những cái yếu kém, lạc hậu chết đi, nhường chỗ cho cái mới, đạt yêu cầu phát triển bền vững hơn. Càng khó khăn, chúng ta càng phải tiết kiệm hơn, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn và kinh tế xanh góp phần giải quyết chính điều đó. Tăng trưởng lấy được làm tổn hại môi trường, cạn kiệt tài nguyên, không thể khôi phục lại được.
Tôi nghĩ Chính phủ cũng đã nhìn nhận rõ vấn đề này. Cuối tháng 5 vừa rồi, Thủ tướng đưa ra quyết định thành lập Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Năng lực cạnh tranh. Tôi rất thích thú với ý tưởng gắn “phát triển bền vững” với “năng lực cạnh tranh” vì đó là xu hướng đúng đắn. Chỉ có phát triển bền vững chúng ta mới có thể tăng cường năng lực cạnh tranh một cách vững chắc. Hội đồng có sự tham gia của nhiều ngành, đoàn thể, đại diện cho các tầng lớp trong xã hội và các doanh nhân; nghĩa là đã bao gồm cả 3 “chân kiềng”, cùng nhau gắn kết trong một mục đích chung là phát triển bền vững.
* Trong xu hướng phát triển “xanh”, người ta thường nhắc đến sự trở lại với nông nghiệp, nông thôn. Và thực tế là đầu tư của nhà nước cho khu vực này thời gian qua đã tăng đáng kể. Nhưng nông nghiệp của chúng ta hiện nay liệu đã xanh chưa khi mà thuốc bảo vệ thực vật cùng các loại nông dược được sử dụng khá tùy tiện, khiến cho người tiêu dùng trong nước lo lắng còn bạn hàng nước ngoài cảnh giác?
* Nông nghiệp thực sự là một nền tảng vững chắc cho phát triển. Những gì Việt Nam được “xếp hạng” trên thị trường thế giới đều là sản phẩm nông nghiệp, từ lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu… cho đến con cá tra, cá ba sa hay thủy hải sản... Chủ trương của nhà nước cũng đang có sự điều chỉnh mạnh theo hướng phát triển bền vững, chú trọng năng suất lao động, hiệu quả, bảo vệ được môi trường và đảm bảo lợi ích của người nông dân…
Nhưng không phải cứ trồng cây là xanh! Nếu như khai thác quá mức đất đai, sử dụng quá nhiều hóa chất trong trồng trọt, chăn nuôi thì lợi bất cập hại. Về chuyện này, chúng ta chẳng cần học đâu xa, hãy nhìn sang Thái Lan. Họ không dùng nhiều phân bón, nông dược như chúng ta nên tiết kiệm chi phí sản xuất rất nhiều. Họ cũng không làm 3 vụ, năng suất không cao bằng nhưng chất lượng sản phẩm lại cao hơn, được thị trường công nhận.
Bằng cách đó, họ giữ ngôi vị số 1 về gạo toàn cầu bao năm rồi. Số lượng thì ta cũng có thể đuổi kịp nhưng giá trị thì còn xa lắm, vì vị thế phẩm cấp sản phẩm của họ cao hơn hẳn. Tôi cho rằng, để phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững, thách thức lớn nhất hiện nay là nhận thức, hiểu biết, năng lực tổ chức, quản trị phát triển của các nhà quản lý và kỹ năng thực hiện của các cấp thừa hành. Trong khi đó, những giải pháp cụ thể, khả thi để phát triển một nền kinh tế xanh thì chưa đủ, chưa phổ cập. Còn một chặng đường dài và gập ghềnh để đi đến mục tiêu xây dựng một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững nhưng chúng ta nhất định phải đi và sẽ tìm được cách đi.
|
|
"Đây chính là giai đoạn phải tái cấu trúc mạnh mẽ và khôn ngoan hơn cả là tái cơ cấu theo hướng bền vững! Không làm bây giờ sẽ là quá muộn. Từng có lúc chúng ta tăng trưởng lấy được, để lại những tác hại đến tài nguyên, môi trường; sau rồi mới thấy xót xa"
Chuyên gia PHẠM CHI LAN | |
Theo SGGP