Chủ Nhật, 24/11/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Chủ Nhật, 19/12/2021 20:0'(GMT+7)

Chuyên gia lý giải hướng di chuyển lạ thường của bão số 9 Rai

Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 9 Rai. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG

Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 9 Rai. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG

Do ảnh hưởng của bão số 9 kết hợp với không khí lạnh nên ở Quy Nhơn (Bình Định) đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; Quảng Ngãi-Phú Yên có gió giật cấp 6; đảo Lý Sơn mạnh cấp 7, giật cấp 9. Ở khu vực từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Sau nhiều ngày di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc hướng về phía các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ, cơ quan khí tượng nhận định, bão số 9 bắt đầu đổi hướng đi lên phía Bắc theo hướng Bắc Tây Bắc, sau đổi sang Bắc Đông Bắc và Đông Bắc. Tốc độ di chuyển khoảng 20km/h.

Theo thống kê của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, từ năm 1951 đến nay, khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương hứng 100 cơn bão trong tháng 12 nhưng đa số ở ngoài Biển Đông. Một số vào Biển Đông thì di chuyển chủ yếu ở phía nam, rất ít cơn đi lên phía bắc và đường đi giống cơn bão Rai thì chưa từng xuất hiện.

Do đó, Rai được nhận định là một cơn bão dị thường cả về đường đi, cường độ và thời điểm xuất hiện.

Đồng chí Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh báo rủi ro thiên tai (Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia) trả lời phóng viên báo chí.

Đồng chí Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh báo rủi ro thiên tai (Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia) trả lời phóng viên báo chí.

Lý giải nguyên nhân bão số 9 chuyển hướng khi đi vào vùng biển các tỉnh từ Bình Định - Phú Yên mà không vào đất liền, đồng chí Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh báo rủi ro thiên tai (Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia) cho biết, hoạt động của bão phụ thuộc vào dòng dẫn đường. Trường hợp của bão Rai, áp cao cận nhiệt đới chính là dòng dẫn quyết định hướng đi của bão.

Cụ thể, thời điểm bão Rai ở ngoài khơi Philippines và khi mới vào Biển Đông, áp cao cận nhiệt đới hoạt động mạnh, tạo thành dòng dẫn để bão đi nhanh theo hướng Tây Bắc, tiến gần đến đất liền các tỉnh miền Trung. Đến sáng nay (19/12), rìa phía tây của áp cao cận nhiệt đới bắt đầu suy yếu, chỉ còn hoạt động ổn định ở phía đông.

Với quá trình này, trong 2 ngày tới, bão tiếp tục đi theo hướng bắc và đông bắc, hướng về phía quần đảo Hoàng Sa và tác động trực tiếp vào khu vực này.

“Khoảng vĩ độ 30 độ ở mỗi bán cầu có các luồng không khí giáng xuống, khí áp tăng cao tạo thành trung tâm khí áp trên các đại dương. Vùng vĩ độ này được gọi là dải áp cao cận nhiệt đới. Tại đây, gió tương đối yếu. Áp cao này tồn tại quanh năm trên biển với đặc điểm mùa hè sẽ phát triển mạnh và lấn sâu về phía tây; mùa đông áp cao này yếu đi và dịch về phía đông”, ông Tuấn giải thích.

Dự báo, khoảng ngày 20/12, bão số 9 di chuyển vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Sức gió vùng gần tâm bão giảm dần, xuống khoảng cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14.

Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão số 9 di chuyển về phía Hồng Kông (Trung Quốc), suy yếu nhanh chóng thành một áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp và tan dần.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão số 9, từ đêm qua đến chiều nay (19/12) đã gây mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to cho các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên với lượng phổ biến 50-100mm, có nơi trên 100mm. Lượng mưa tính từ 19h ngày 18/12 đến 13h ngày 19/12 như: Phổ Khánh (Quảng Ngãi) 195.2mm, Phổ Thạnh (Quảng Ngãi) 173.6mm, Tam Trà (Quảng Nam) 106.8mm, Hoài Sơn (Bình Định) 168.8mm, Cát Hưng (Bình Định) 142mm….

Dự báo, chiều và đêm nay (19/12), ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 120mm./.

Thế Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất