Thứ Năm, 26/12/2024
Văn hóa
Chủ Nhật, 16/4/2017 21:35'(GMT+7)

Chuyển tải tiếng cười kinh điển trong “Lão hà tiện”

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Tuấn Hải đã ấp ủ dàn dựng vở “Lão hà tiện” từ gần 20 năm trước. Khi ấy, ông chọn cách Việt hóa vở kịch: Lấy tiêu đề là “Rán sành ra mỡ” và chọn tên mới cho các nhân vật như Phú ông, Thắm, Lụa, Đào, Sắn, Khoai, Đất, Cát... Nhưng duyên chưa tới. Như thế lại có cái hay bởi NSND Tuấn Hải được thỏa nguyện hơn khi có thể dựng “Lão hà tiện” theo nguyên bản.

“Lão hà tiện” thể hiện tài năng nghệ thuật bậc thầy của Molière, đặc biệt trong xây dựng tính cách nhân vật Arpagon - một đại diện của tầng lớp tư sản Châu Âu thế kỷ XVII. Arpagon vô cùng bần tiện, suốt ngày ôm khư khư đống của cải vì sợ người khác lấy mất, đến mức quên cả tình cha con, mất hết nhân tính và trở nên lố bịch, điên rồ. Đạo diễn vẫn trung thành với kịch bản gốc bởi quan niệm đã là kịch kinh điển thì cần giữ trọn vẹn phong cách, nội dung, tư tưởng, lời thoại và bối cảnh của tác phẩm. Tuy nhiên, ông biên tập, cắt gọt, điều chỉnh và tìm cách đẩy nhanh tiết tấu để gói gọn vở diễn trong 2 giờ - một thời lượng vừa đủ với thói quen xem kịch của khán giả Việt Nam.

Ngay ở cảnh đầu, đạo diễn khéo léo đưa khán giả vào bầu không khí đặc trưng của giới quý tộc Châu Âu thế kỷ XVII qua màn khiêu vũ kiểu cách của ba đôi trẻ. Sau đó, âm nhạc chuyển tiết tấu nhanh, các nhân vật người hầu, kẻ ở bước ra, khiến người xem bật cười ngay với những hành động rồ dại, lời nói lố bịch của lão hà tiện. Đạo diễn cho biết, nhạc sĩ Phú Quang được đặt hàng viết phần âm nhạc dành riêng cho vở kịch. Nhạc sĩ không bỏ sót chi tiết nào, từ bước đi của các nhân vật theo tiếng nhạc, những lời thoại theo giai điệu, âm nhạc lúc chuyển cảnh... Âm nhạc của Phú Quang, dù mang phong cách phương Tây nhưng vẫn thấm hồn Việt, góp phần tạo nét sang trọng cho vở diễn.

Dấu ấn rõ nét nhất của NSND Tuấn Hải trong vở này là ông xây dựng được tuyến nhân vật rõ cá tính, mỗi người có “miếng” gây cười riêng. Xuất thân là nghệ sĩ hài, tạo dấu ấn trong việc dàn dựng những vở hài kịch, NSND Tuấn Hải đã “nghĩ trò cho từng giây từng phút diễn viên đứng trên sân khấu”. Đạo diễn buộc các diễn viên của mình phải thể hiện được theo yêu cầu khắt khe trong diễn xuất. Họ phải xử lý nhiều tình huống hài hước trên sân khấu, những lời thoại vòng vèo, tác phong kiểu cách của nhân vật thời xưa, đồng thời biết nhấn nhá đài từ để tạo sự dí dỏm, châm biếm. Ông cũng hóa giải tài tình câu nói cửa miệng “Đồ chết treo” của lão Arpagon bằng cách cho diễn viên đu bay trên sân khấu 3 lần với 3 nhân vật, mỗi nhân vật bị treo ở một tư thế khác nhau… 

Qua vở diễn này, vai lão Arpagon có thể xem là bước tiến để đời trong sự nghiệp diễn xuất của Mai Nguyên. Trên sân khấu, anh trổ hết khả năng hát, múa, nhảy, gào thét, khóc, cười; lúc nói to, lúc nói nhỏ, lúc nói thầm; khi thì chui rúc, khi trèo lên cao rồi đu bay… Điều quan trọng là diễn xuất của Mai Nguyên luôn đem lại tiếng cười cho khán giả.

Không thể bỏ qua khâu thiết kế sân khấu của NSND Doãn Châu. Phong cách Pháp vốn là sở trường của họa sĩ từng tu nghiệp ở Châu Âu này, ông đã chuyển hóa sáng tạo ý đồ của đạo diễn chỉ qua 3 tấm mô hình có thể quay 4 mặt. Chúng tạo thành tòa lâu đài “độc” của lão hà tiện, cái gì cũng nhỏ hẹp, mọi cánh cửa đều có lỗ khóa, ở đâu cũng có hang, hốc... Cách chuyển cảnh cũng rất độc đáo. Các diễn viên chuyển cảnh “lộ thiên” trong ánh sáng và âm nhạc với vũ đạo đẹp mắt, cả tòa lâu đài cứ thế xoay chuyển.

Suốt 2 giờ, khán giả khó có thể rời mắt khỏi sân khấu, luôn cười vui vẻ với những “miếng” hài sang trọng, giàu trí tuệ. Phải khẳng định, NSND Tuấn Hải và ê kíp thực hiện “Lão hà tiện” đã tạo thêm một tác phẩm sáng giá trong danh mục kịch kinh điển của “Anh cả đỏ”.

Yên Nga (Báo HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất