(TG) - Nghị quyết số 21 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, đã nhận định:“Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng” và đề ra mục tiêu “tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng”. Vậy, thế nào là “thời kỳ dân số vàng” và làm thế nào để tận dụng hiệu quả cơ hội này?
“Cơ cấu dân số vàng” và thời kỳ “dân số vàng” ở nước ta
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016, nước ta có gần 93 triệu dân. Mỗi người dân, từ trẻ em đến người già đều là một người tiêu dùng nhưng không phải ai cũng có khả năng lao động tạo ra thu nhập. Khả năng này chỉ gắn với một khoảng tuổi nhất định; một cách tương đối, được quy ước từ 15 đến 64 tuổi. Có thể nói, những người trong nhóm tuổi này quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Bởi chỉ có họ mới có khả năng lao động, sản xuất tạo ra sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Vì vậy, người ta chia dân số ra nhóm “trong độ tuổi lao động”, tức là nhóm 15-64 tuổi và “nhóm phụ thuộc” bao gồm trẻ em dưới 15 tuổi (chưa đến tuổi lao động), những người 65 tuổi trở lên (được coi là đã hết tuổi hay hết khả năng lao động).
Do tác động của chính sách kế hoạch hóa gia đình, sinh đẻ ít nên tỷ lệ trẻ em trong tổng dân số giảm nhiều làm cho tỷ lệ “nhóm phụ thuộc” giảm mạnh. Điều này dẫn tới tỷ lệ nhóm dân số “trong độ tuổi lao động” tăng nhanh. Nếu năm 1979, nhóm này chỉ chiếm 53% tổng dân số, thì đến năm 2007 đã đạt 67,31% và năm 2014 là 69,4%. Khi tỷ lệ nhóm dân số “trong độ tuổi lao động” chiếm ít nhất 66%, nghĩa là chiếm 2/3 tổng dân số trở lên, người ta nói rằng, quốc gia có “cơ cấu dân số vàng” hay đơn giản là “dân số vàng”. Năm 2007, tỷ trọng nhóm dân số “trong độ tuổi lao động” ở nước ta đã đạt 67,31%. Như vậy, Việt Nam đã bước vào thời kỳ “dân số vàng”, dự báo kéo dài gần 40 năm, tức là kết thúc vào khoảng giữa thế kỷ này do già hóa dân số.
Hiện nay, hơn 40 tỉnh đã có “cơ cấu dân số vàng”. Nhiều tỉnh, thành phổ sinh đẻ ít, dân nhập cư nhiều, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương,…tỷ lệ nhóm dân số “trong độ tuổi lao động” lên tới 75-78%; ngược lại, các tỉnh có mức sinh cao hoặc xuất cư lớn, như: Lai Châu, Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Trị,… tỷ lệ này thấp, chỉ khoảng gần 60%, nghĩa là chưa có “dân số vàng”.
Những cơ hội của thời kỳ “dân số vàng”
Trước hết, đối với hệ thống giáo dục phổ thông. Một trong những đặc điểm nổi bật của thời kỳ “dân số vàng” là mức sinh đã thấp. Vì vậy, xét trên phạm vi toàn quốc, áp lực dân số lên hệ thống giáo dục phổ thông đã giảm mạnh. Số dân trong độ tuổi học sinh phổ thông giảm từ hơn 26,5 triệu người năm 1999 xuống còn hơn 20,7 triệu vào năm 2016. Mặt khác, trong phạm vi hộ gia đình, nhờ kết quả của Chương trình kế hoạch hoá gia đình, tuyệt đại bộ phận các cặp vợ chồng chỉ có 1 hoặc 2 con, tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình chăm sóc sức khỏe và cho con đến trường. Vì vậy, tỷ lệ nhập học tăng lên nhưng số học sinh phổ thông lại giảm. Cụ thể là, năm học 2001-2002, số học sinh phổ thông lên tới gần 18 triệu, đến nay chỉ còn khoảng 15 triệu, nghĩa là đã giảm tới gần 3 triệu học sinh. Kết quả này tạo điều kiện để Việt Nam chuyển hướng phát triển giáo dục từ số lượng sang chất lượng. Mặt khác, do ít con nên cha mẹ có thể cho cả con trai và con gái cùng đi học. Vì vậy, hiện nay tỷ lệ nữ sinh trong hệ thống giáo dục quốc dân ngang bằng với nam giới. Thành tựu này nâng cao vị thế phụ nữ, thực hiện tốt hơn bình đẳng giới. Những tác động của thời kỳ “dân số vàng” nêu trên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Đối với kinh tế, thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” mang lại dư lợi lớn về số lượng lao động. Như đã nói, năm 2016, Việt Nam có gần 93 triệu dân. Nếu tỷ lệ dân số “trong độ tuổi lao động” như năm 1979, tức là 53% thì chỉ có 49,29 triệu người trong độ tuổi này. Thực tế tỷ lệ này đạt tới 68,2% với 63,43 triệu người, tức là tăng 14,14 triệu người so với số liệu giả định (63,43 triệu người so với 49,29 triệu). Đây là dư lợi to lớn do “cơ cấu dân số vàng” mang lại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các nhà kinh tế đã tính được rằng, giai đoạn (2009- 2019), do số người “trong độ tuổi lao động” tăng lên, hằng năm đã đóng góp trung bình 1,2% cho tăng trưởng kinh tế
Thách thức và giải pháp tận dụng cơ hội “dân số vàng”
Cần nhấn mạnh rằng, “cơ cấu dân số vàng” mới chỉ có nghĩa là dân số trong độ tuổi 15-64 chiếm tỷ lệ cao trong tổng dân số, mới chỉ mang lại “khả năng”, “cơ hội” chứ chưa phải là đã đem lại ngay kết quả cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. “Dân số vàng” mới chỉ là “vàng” về số lượng chứ chưa xét đến chất lượng.
Để tận dụng cơ hội “cơ cấu dân số vàng”, để biến cơ hội thành hiện thực, còn phải trả lời những câu hỏi sau: (1) Bao nhiêu phần trăm những người “trong độ tuổi lao động”có khả năng làm việc? Nếu trong độ tuổi này nhưng ốm đau, bệnh tật, không có khả năng làm việc thì cũng không tác động tích cực cho phát triển, thậm chí là ngược lại; (2) Bao nhiêu phần trăm những người “có khả năng làm việc” có việc làm? Hiển nhiên rằng, những người “có khả năng làm việc” song thất nghiệp hoặc có việc làm nhưng không đầy đủ sẽ tác động tiêu cực đến phát triển; (3) Bao nhiêu phần trăm“những người có việc làm” làm việc có năng suất, thu nhập cao? Nếu có việc làm nhưng năng suất, thu nhập thấp, đất nước không tránh khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, mức sống nhân dân khó cải thiện. Như vậy, đảm bảo sức khỏe, việc làm, việc làm có năng suất cao cho người lao động là ba thách thức của thời kỳ “Dân số vàng” và để tận dụng cơ hội “Cơ cấu dân số vàng” cần có giải pháp nâng cao “3 tỷ lệ” nói trên.
Tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao tỷ lệ những người “trong độ tuổi lao động” có khả năng làm việc. Nếu những người “trong độ tuổi lao động” nhưng ốm đau, bệnh tật, khuyết tật, thương tật thì khả năng lao động bị hạn chế hoặc mất hoàn toàn. Tình trạng này lại khá phổ biến ở nước ta. Theo thống kê, hằng năm có tới hằng trăm triệu lượt người khám chữa bệnh tại bệnh viện, Trung tâm Y tế và Phòng khám đa khoa. Đó là chưa kể số lượt người khám chữa bênh tại các Trạm Y tế xã/phường. Hiện cả nước có khoảng 2,6 triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động.
Mỗi năm, hàng chục ngàn người bị thương tích do tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Ngay việc ốm đau, bệnh tật, khuyết tật, thương tật của người “ngoài độ tuổi lao động” cũng ảnh hưởng đến khả năng làm việc của người “trong độ tuổi lao động” vì những người này thường phải nghỉ việc để chăm sóc người kia. Vì vậy, tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của toàn dân nói chung những người “trong độ tuổi lao động” nói riêng để họ có khả năng làm việc là yêu cầu trước tiên, yêu cầu cơ bản nhằm tận dụng cơ hội “Cơ cấu dân số vàng”.
Tạo đủ việc làm cho người “có khả năng làm việc”. Nếu những người “có khả năng làm việc” lại thiếu việc làm hoặc thất nghiệp thì cơ hội “dân số vàng” bị bỏ lỡ; đất nước chậm, thậm chí không thể phát triển. Nhưng đảm bảo cho khoảng 65-70 triệu người trong độ tuổi lao động có đủ việc làm trong thời kỳ “dân số vàng” là một thách thức lớn đối với quốc gia nông nghiệp đất chật, người đông, nguồn lực đầu tư trong nước hạn chế. Theo Tổng cục Thống kê trong quý II năm 2017, gần 1,2 triệu người thất nghiệp; số thiếu việc làm cũng lên đến gần 92 vạn người. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích tiết kiệm, hạn chế tiêu dùng xa xỉ, nâng cao tích lũy, thu hút, khuyến khích đầu tư tạo việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, đảm bảo “người có khả năng làm việc” là có việc làm.
Thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật để người lao động có việc làm với năng suất cao.Năm 2016, gần 42% lao động của nước ta tập trung khu vực nông, lâm, ngư nghiệp vốn có năng suất thấp nhất. Ở Singapore, tỷ lệ này chỉ là: 0,9%. Mặt khác, tỷ lệ lao động có đào tạo còn thấp và mất cân đối. Hiện mới có 18% dân số 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Trong đó, 7,3% có trình độ đại học và trên đại học, nhưng số có trình độ sơ cấp lại chỉ là 1,8%! Những đặc điểm trên làm cho năng suất lao động xã hội của Việt Nam rất thấp, chỉ bằng gần 7% của Singapore, bằng 20% của Malaysia và 40% của Thái Lan!
Vì vậy, cần thúc đẩy dịch chuyển lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động; hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật của nền sản xuất xã hội; cải tiến quản lý; khuyến khích mọi người làm việc có năng suất và thu nhập cao.
“Cơ cấu dân số vàng” mang lại cơ hội và thách thức cho sự phát triển đất nước. Nhiều quốc gia đã tận dụng được cơ hội này, bứt phá, phát triển nhanh nhưng không ít nước đã bỏ lỡ, chìm sâu trong “bẫy thu nhập trung bình”. Mỏ vàng không khai thác thì còn, “cơ cấu dân số vàng” không khai thác thì sẽ mất. Vì vậy, cần khẩn trương tận dụng cơ hội quý hiếm này để phát triển nhanh và bền vững đất nước./.
Bác sỹ Mai Xuân Phương
Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông-Giáo dục
Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình
- Bộ Y tế