Khéo léo, vận dụng những biện pháp phù hợp
Gắn bó với công tác dân số ở thôn Hợp
Hòa từ năm 2008, nhớ lại ngày mới đảm nhận công việc này, chị Lan kể:
Thôn Hợp Hòa có địa bàn rộng, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông
nên đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Với trách
nhiệm của một cộng tác viên dân số kiêm cộng tác viên y tế, chị luôn
tuyên truyền để người dân hiểu lợi ích của việc sinh đẻ có kế hoạch,
thực hiện tốt việc xóa đói giảm nghèo.
Những ngày đầu, chị Lan gặp không ít khó
khăn, bởi lúc ấy trên địa bàn chị phụ trách, tình trạng sinh con thứ 3
còn phổ biến, quan niệm “trọng nam, khinh nữ” rất nặng nề. Vì vậy, chị
phải dành thời gian “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nắm bắt tâm tư, nguyện
vọng, thăm hỏi thường xuyên những gia đình cần tiếp cận các dịch vụ
tránh thai để từ đó tư vấn, giúp đỡ. Cách thức tuyên truyền cho các hộ
dân trong thôn cũng đòi hỏi chị phải khéo léo, vận dụng những biện pháp
phù hợp. Ngay trong các cuộc họp, các dịp sinh hoạt văn hóa, văn nghệ
của thôn, chị đều tổ chức truyền thông về DS-KHHGĐ để trang bị thêm kiến
thức cho người dân. Chị còn luôn gần gũi chị em, phổ biến kiến thức
chăm sóc sức khỏe sinh sản, hướng dẫn cho các cặp vợ chồng sử dụng các
biện pháp tránh thai.
Qua nhiều lớp tập huấn cho cộng tác viên
dân số cơ sở do tỉnh và huyện tổ chức cũng như quá trình công tác, chị
nhận thấy, muốn làm tốt công tác vận động thì phải thông qua quá trình
hoạt động từ thực tế tại địa phương; phải nắm chắc số đối tượng trên địa
bàn; luôn gần gũi với người dân để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ;
tuyên truyền tới các cặp vợ chồng đã sinh đủ 2 con, đặc biệt là những
cặp vợ chồng sinh con một bề, nhằm động viên, giải thích cho họ hiểu
được việc sinh con thứ 3 trở lên sẽ ảnh hưởng không tốt đến kinh tế gia
đình, không có điều kiện thuận lợi để quan tâm, chăm sóc các con. Đồng
thời, chị cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát những cặp vợ chồng đang
sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại để động viên họ luôn duy trì
tốt các biện pháp tránh thai đã lựa chọn, thực hiện tốt công tác
DS-KHHGĐ.
Góp phần vào phát triển bền vững ở địa phương
Trước
đây, Hợp Hòa là thôn có dân số đông đứng đầu trong xã nhưng nhờ phương
pháp tiếp cận vận động của chị nên thôn này đã kéo giảm được tình trạng
sinh nhiều con, nhất là tỷ lệ sinh con thứ 3 đã giảm hẳn.
Hiện thôn có 501 hộ với 2.204 khẩu. Năm
2017, chỉ có 3 hộ sinh con thứ 3. Nhờ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo,
hiện toàn thôn chỉ còn 5 hộ nghèo do có người đau ốm thường xuyên. Điều
đáng mừng là nhận thức của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15
đến 49 tuổi) được nâng cao, trong thôn có 367 cặp vợ chồng biết sử dụng
các biện pháp tránh thai hiện đại. Các chị em phụ nữ khi mang thai đã
có ý thức đi khám thai định kỳ đầy đủ và thực hiện sàng lọc trước sinh;
nhờ đó mà chẩn đoán và phát hiện sớm được bệnh tật cho thai nhi.
Không
chỉ là cộng tác viên năng động, nhiệt tình trong công việc, chị Lan còn
là một người vợ, người mẹ đảm đang, tháo vát, nuôi dạy 2 con chăm
ngoan, hiếu thuận. Với nỗ lực của bản thân trong công tác DS-KHHGĐ, chị
Nguyễn Thị Lan vừa được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh biểu dương, khen thưởng là
cộng tác viên có thành tích xuất sắc về công tác DS-KHHGĐ tại cơ sở.
Những đóng góp của chị Lan cũng như
nhiều cộng tác viên dân số khác của xã Ia Drăng trong công tác DS-KHHGĐ
tại cơ sở đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói riêng của
xã cũng như của huyện Chư Prông và tỉnh Gia Lai nói chung. Là huyện
thuần nông, xác định nông nghiệp là thế mạnh, đóng vai trò hết sức quan
trọng trong phát triển kinh tế địa phương, Chư Prông đã tập trung mọi
nguồn lực, giúp người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản
xuất, hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp bền vững. Huyện
đang chỉ đạo phát triển một nền nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống
của người dân. Huyện Chư Prông phấn đấu năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo giảm 2%
so với năm 2017 xuống còn 10,16%.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính
sách DS-KHHGĐ, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018, UBND
tỉnh Gia Lai vừa có Công văn số 541/UBND-KGVX yêu cầu Sở Y tế căn cứ chỉ
tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018 do UBND tỉnh giao,
cùng chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020 và các văn
bản hướng dẫn của Tổng cục DS-KHHGĐ, để chủ trì xây dựng kế hoạch, hướng
dẫn chi tiết, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, hội đoàn thể
tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai các hoạt động
chiến dịch truyền thông vận động lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS,
KHHGĐ trên địa bàn tỉnh, phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch năm 2018.Thời
gian triển khai chia làm 2 đợt, trong đó đợt 1 từ ngày 25-3 đến 30-4,
đợt 2 từ ngày 10-7 đến 30-10.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu
cầu UBND các huyện, thị xã,thành phố trên cơ sở kế hoạch được giao và
hướng dẫn của Sở Y tế, chủ động chỉ đạo các phòng ban chức năng, UBND
các xã, phường, thị trấn tập trung triển khai chiến dịch ngay trong quý I
năm 2018, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí địa phương phục vụ công tác
DS-KHHGĐ và chiến dịch tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ
SKSS-KHHGĐ.
T.Phong-Đ.Yến (giadinh.net.vn)