Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 1/4/2012 23:7'(GMT+7)

Cơ chế hải quan 1 cửa quốc gia: Cần sự cam kết, hợp tác từ phía doanh nghiệp

Thí điểm thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia từ tháng 10/2014. (Ảnh minh họa - Dân trí).

Thí điểm thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia từ tháng 10/2014. (Ảnh minh họa - Dân trí).

Ngành Hải quan Việt Nam khẳng định, một trong những nhân tố quyết định thành công của cơ chế hải quan một cửa quốc gia chính là sự cam kết thực hiện và ủng hộ từ phía các doanh nghiệp trong mọi hoạt động nhằm tạo nên một môi trường tác nghiệp không giấy tờ.

Giao dịch thương mại quốc tế phải sử dụng nhiều giấy tờ, chứng từ với nhiều thủ tục kê khai, yêu cầu cung cấp thông tin trùng lặp, việc xử lý thông quan hàng hóa thường chỉ bắt đầu khi hàng đến… đang ngày càng lỗi thời. Ngày nay các giao dịch thương mại quốc tế có thể thực hiện trước khi xuất nhập khẩu thay vì lúc hàng đến mới khai báo, đồng thời đề cao vấn đề về an ninh hàng hóa và phương tiện vận tải, người dân đòi hỏi cao hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe, môi trường, an toàn vận tải, bảo vệ người tiêu dùng… Cơ chế hải quan 1 cửa ASEAN ra đời nhằm đáp ứng những đòi hỏi vửa nêu.

Để đẩy nhanh thực hiện cam kết của Việt Nam về cơ chế hải quan 1 cửa ASEAN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 48/2011/QĐ-TTg thực hiện thí điểm cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam giai đoạn 2012-2014 đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh theo quy định của Luật Hải quan. Các doanh nghiệp có hàng hóa, phương tiện xuất nhập khẩu đã tham gia thủ tục hải quan điện tử đáp ứng được các điều kiện cần thiết sẽ là đối tượng thực hiện.

Tổng cục Hải quan cho biết, cơ chế hải quan một cửa quốc gia thí điểm là một hệ thống tích hợp cho phép các bên tham gia hoạt động xuất nhập khẩu nộp hoặc gửi thông tin và chứng từ chuẩn hóa tới một điểm tiếp nhận duy nhất. Trên cơ sở đó, các cơ quan nhà nước xử lý dữ liệu, thông tin và ra quyết định dựa trên các quy trình, thủ tục thống nhất, đồng bộ rồi gửi quyết định tới hệ thống cung cấp và trao đổi thông tin thống nhất giữa các cơ quan nhà nước; cơ quan hải quan ra quyết định cuối cùng về thông quan, giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh hoặc phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh căn cứ vào quyết định của các cơ quan nhà nước có liên quan được hệ thống chuyển tới kịp thời theo qui định về cung cấp dịch vụ công.

Với cơ chế này, các doanh nghiệp làm thủ tục hải quan chỉ nộp và trao đổi thông tin, chứng từ chuẩn hóa dưới dạng điện tử/hoặc giấy tờ tới một điểm tiếp nhận duy nhất để hoàn thành tất cả các yêu cầu liên quan đến xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa hóa, thiết bị, phương tiện vận tải.

Theo nhận định của các chuyên gia ngành hải quan, Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia Việt Nam khi triển khai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trong việc dịch chuyển hàng hóa tại cửa khẩu biên giới; nhà đầu tư Việt Nam có khả năng hội nhập tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; Chính phủ sẽ có điều kiện nâng cao năng lực thực thi chính sách tại cửa khẩu thông qua khả năng phân tích dữ liệu trong khi vẫn duy trì được tính bảo mật; người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận được hàng hóa nhanh hơn do thời gian thông quan nhanh (chưa kể đến tiết kiệm chi phí mà doanh nghiệp nhập khẩu có thể đã bắt người tiêu dùng phải chịu); cộng đồng doanh nghiệp có thể tiết kiệm được hàng triệu USD thông qua giảm thời gian đầu tư cho việc làm thủ tục hải quan bởi tính đơn giản, hài hòa và tự động hóa của cơ chế hải quan một cửa quốc gia. Các doanh nghiệp hoạt động thương mại và vận tải quốc tế sẽ có điều kiện áp dụng phương thức quản lý mới, tiết kiệm chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính và có cơ hội cạnh tranh quốc tế cao…

Tuy nhiên, khi thực hiện cơ chế này các doanh nghiệp phải khai và thực hiện các thủ tục hành chính thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của Cổng Thông tin điện tử Hải quan một cửa quốc gia; khai và nộp chứng từ, cung cấp thông tin liên quan đến hàng hóa, phương tiện vận tải xuất nhập khẩu và nộp thuế, phí, lệ phí hay các khoản thu khác theo qui định; phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung đã khai cũng như các chứng từ đã nộp hoặc xuất trình cho các cơ quan; phải thống nhất về nội dung giữa thông tin, chứng từ giấy và thông tin, chứng từ điện tử đã tạo lập; phải lưu giữ hồ sơ, sổ sách, chứng từ có liên quan đến thông quan hàng hóa, phương tiện vận tải xuất nhập khẩu theo qui định; phải có đủ các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực, thiết bị, hiểu biết sâu về các khái niệm và qui định vận hành của cơ chế hải quan một cửa quốc gia, có thiện chí hưởng ứng tham gia.

Với quy trình hải quan hiện tại thì các doanh nghiệp có thời gian dài để hoàn tất các yêu cầu thủ tục. Nhưng khi thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia chỉ có một điểm giao dịch, tối thiểu hóa tiếp xúc với cán bộ quản lý nên thời gian xử lý sẽ rất ngắn, phải hoàn tất các thủ tục chính xác, nhanh chóng đòi hỏi các doanh nghiệp phải có nhân lực có kỹ năng, kinh nghiệm và hiểu biết về cơ chế hải quan một cửa quốc gia cũng như hoạt động nghiệp vụ của chính doanh nghiệp.

Khoảng cách giữa hệ thống công nghệ thông tin của các doanh nghiệp hiện tại với hệ thống của cơ chế một cửa quốc gia cũng rất có thể sẽ không tương thích khi kết nối vì các doanh nghiệp sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau nên doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh hệ thống để kết nối và vận hành hiệu quả. Việc giúp doanh nghiệp có thể tiếp xúc trực tiếp với chính quyền để giải quyết các vướng mắc khó khăn phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng sẽ nằm ngoài phạm vi của cơ chế hải quan một cửa quốc gia./.

NQ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất