Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 29/3/2012 16:30'(GMT+7)

Quý I/2012, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt trên 24 tỷ USD

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, đến hết quý I/2012, cả nước đã có 8 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm thủy sản, cà phê, dầu thô, dệt may, da giày, máy vi tính… Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu quý này cũng cho thấy một số mặt hàng nông - thủy sản xuất khẩu chủ lực đang có dấu hiệu chững lại do khó khăn về thị trường và giảm giá trị xuất khẩu như gạo, cà phê, sắn… Do vậy, tính chung cả 3 tháng, nhóm hàng nông sản, thủy sản chỉ đạt kim ngạch 4,52 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ.

Riêng với nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản, do vẫn có thuận lợi về giá nên mặc dù lượng xuất khẩu tiếp tục giảm nhưng kim ngạch vẫn tăng 10% so với cùng kỳ. Ngoài ra, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng với kim ngạch đạt 15,37 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 62,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó điện thoại di động tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch cao (2,86 tỷ USD) và tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ (tăng 80%). Đây là tín hiệu tốt và là cơ sở để dự báo xuất khẩu năm nay sẽ tăng trưởng khá và bù đắp lại phần giảm giá trị xuất khẩu của nhóm hàng nông sản.

Bộ Công Thương cho biết: giá xuất khẩu hàng hóa năm 2012 đang có xu hướng giảm sau khi đã tăng mạnh trong năm 2011 đã tác động không nhỏ tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là đối với lĩnh vực phải nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất hàng xuất khẩu bởi doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do đã nhập nguyên phụ liệu với giá cao năm 2011, không bán được sản phẩm với giá có lãi, dẫn đến tồn kho, ứ đọng vốn sản xuất. Mặt khác, dù lãi suất ngân hàng đã hạ nhưng khả năng tiếp cận vốn vay vẫn là một trong những khó khăn lớn với doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp và tổ chức họp giao ban liên ngành với các Bộ, ngành, Hiệp hội… để kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất. Trong đó phải kể tới các động thái tích cực như: kiến nghị giãn thuế thu nhập cho doanh nghiệp, triển khai thí điểm đề án bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Đặc biệt là việc chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục triển khai hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường như đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương; đẩy mạnh triển khai các Hiệp định FTA đã ký kết. Mặt khác, Bộ còn hỗ trợ doanh nghiệp trong nước khai thác thị trường xuất khẩu, nghiên cứu chính sách, quy định của nước ngoài, nhất là các quy định liên quan đến rào cản thương mại đối với hàng nhập khẩu để kịp thời cảnh báo cho doanh nghiệp Việt Nam chủ động đối phó… Tuy nhiên, kinh phí xúc tiến thương mại năm 2012 rất hạn chế, chỉ được bố trí khoảng 15 tỷ đồng, tương đương 27,3% so với năm 2011. Do vậy, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nên tích cực tự đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới để nâng cao kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong năm 2012./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất