Thứ Sáu, 29/11/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 3/3/2009 21:28'(GMT+7)

Cơ chế quản lý, sử dụng vốn ODA Nhật Bản minh bạch và hiệu quả hơn

Mô hình giao cắt giữa đường cao tốc với với Quốc lộ 1 tại Dầu Giây

Mô hình giao cắt giữa đường cao tốc với với Quốc lộ 1 tại Dầu Giây

Ngày 2/3, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã ký kết hợp đồng dịch vụ tư vấn giám sát xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với liên danh nhà thầu Nippon Koei (Nhật Bản) và Công ty cổ phần Tư vấn giao thông vận tải phía Nam (TEDI South).

Gói thầu do Nhật Bản hỗ trợ vốn ODA này có giá trị trúng thầu hơn 1,2 tỷ Yên Nhật và khoảng 91 tỷ đồng Việt Nam (tương đương 18 triệu USD). Thời gian hoàn thành là 45 tháng.
Việc ký kết gói thầu đầu tiên sử dụng vốn ODA Nhật Bản sau thời gian dòng vốn này bị gián đoạn diễn ra trong bối cảnh Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về phòng chống tham nhũng liên quan đến ODA Nhật Bản đưa ra những biện pháp cần thiết để phòng chống tham nhũng trong các dự án sử dụng vốn ODA từ Nhật, trong đó Việt Nam sẽ tăng cường tính minh bạch trong quá trình chọn thầu và phía Nhật cam kết đẩy mạnh hoạt động giám sát.

Theo đó, Việt Nam sẽ nâng cao năng lực cho cơ quan thực hiện dự án về công tác đấu thầu và quản lý hợp đồng trong dự án ODA, cùng với đẩy nhanh việc áp dụng hệ thống đấu thầu điện tử từ năm 2009 đến 2015.

Mặt khác, phía Việt Nam sẽ công bố thông tin liên quan đến mua sắm công. Chẳng hạn, đối với hợp đồng có giá trị trên 1 tỷ Yên như gói thầu kể trên, thông tin cần được công bố gồm tên, quốc tịch và giá chào thầu của các đơn vị, doanh nghiệp trúng thầu, các nhà thầu giành được hợp đồng và giá trị hợp đồng.

Hoạt động hậu kiểm cũng được phía Việt Nam thực hiện, không chỉ với các dự án công trong nước, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bắt đầu quá trình hậu kiểm các dự án có vốn vay ODA của Nhật trong quý I/2009.

Phía Nhật Bản cũng đưa ra nhiều biện pháp để tăng cường tính minh bạch, hiệu quả của các dự án nước này cung ứng vốn vay. Trong đó, khi các cơ quan của Việt Nam thuê đơn vị tư vấn, đòi hỏi phải được sự nhất trí từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại mỗi giai đoạn, từ việc gửi thư mời thầu, đánh giá năng lực thầu đến đóng thầu.

JICA cũng sẽ mở rộng hoạt động hậu kiểm, tăng cường hỗ trợ việc thuê đơn vị tư vấn cũng như sẽ tổ chức các hội thảo, trong đó cung cấp thông tin và trao đổi về chống tham nhũng trong hoạt động mua sắm công và chia sẻ thông tin về những doanh nghiệp có liên quan đến tham nhũng với các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ nước ngoài.

Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng chiều dài 50,5 km. Điểm đầu tại nút giao thông vành đai 2 thuộc phường Phú Hữu, Q.9, TP.HCM, điểm cuối tại nút giao thông Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Dự án có 6 gói xây lắp chính với tổng vốn đầu tư 932,4 triệu USD do JICA và Ngân hàng Phát triển châu Á cho vay.

Dự kiến, công trình sẽ được xây dựng vào quý II/2009 nên thời điểm này, chủ đầu tư - Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và các địa phương thuộc TPHCM và Đồng Nai đang khẩn trương tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng để có thể khởi công đúng tiến độ (2009 - 2012).


(Theo: chinhphu.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất