Cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, từ thành thị đến nông thôn hay nơi vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc, đâu đâu chúng ta cũng gặp sắc màu rực rỡ của lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trong gió.
Không cần nhiều băng rôn khẩu hiệu, không cần những đèn hoa trang trí đắt tiền, những con đường, những ngôi nhà vẫn trở nên tươi tắn hơn, rực rỡ hơn bởi sắc cờ Tổ quốc.
Những lá cờ Tổ quốc được treo trang trọng ở trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, các trục đường và trước ngôi nhà mỗi gia đình… đó là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam, là cách chào đón và hòa vào không khí của cả nước mừng Tết Độc lập. Chính vì thế, nhiều khách nước ngoài khi đến Việt Nam đã rất ngỡ ngàng và phải dừng bước ngắm nghía những con đường rợp cờ, vẻ mặt đầy thán phục. Qua đó, họ cũng hiểu hơn về ý nghĩa của lá Quốc kỳ và cùng chung vui với không khí chào đón ngày lễ Quốc khánh 2/9 của người dân Việt Nam.
Từ lâu, trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, Quốc kỳ là biểu tượng của tinh thần dân tộc, ý thức độc lập tự cường dân tộc đã được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Bởi thế, màu cờ Tổ quốc luôn là động lực to lớn thổi bùng lên sức mạnh trong thế kỷ 20, giúp cho cả dân tộc ta vượt qua mọi gian nan, thử thách trong công cuộc chống thù trong, giặc ngoài, giành và giữ gìn nền độc lập dân tộc. Không chỉ trong dải đất hình chữ S, lá cờ đỏ sao vàng còn hiển hiện ở những bầu trời xa xôi hơn, đại diện cho niềm tự hào Việt Nam, khơi dậy hai tiếng quê hương trong những người con xa xứ. Lòng tự hào về màu cờ ấy đã tiếp thêm tinh thần ái quốc, ý chí độc lập, tự lực tự cường của người Việt Nam cả trong những năm tháng chiến tranh và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Treo cờ Tổ quốc trong những ngày lễ, Tết, sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, đơn vị, địa phương… đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi người dân Việt Nam. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn một số cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị và người dân địa phương chưa hiểu rõ về ý nghĩa của việc treo cờ Tổ quốc nên khi trang trí còn mang nặng tính hình thức, hoặc chưa tự giác theo những quy định chung, dẫn đến thiếu sự thống nhất; cá biệt có những thanh niên đi cổ vũ thể thao, sử dụng lá cờ thiếu sự tôn nghiêm nên đã vô tình làm giảm vẻ đẹp thiêng liêng của lá Quốc kỳ.
Quốc kỳ Việt Nam là biểu tượng của hồn nước. Vì thế, treo cờ Tổ quốc trang trọng trong những ngày lễ, ngày Tết của dân tộc là thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào của mỗi công dân Việt Nam. Đó cũng là sự thể hiện lòng tri ân, trách nhiệm của chúng ta đối với sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp giành và giữ nền độc lập dân tộc. Hướng lên lá Quốc kỳ, mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức và lưu tâm hơn trong suy nghĩ và hành động, để làm cho hình ảnh lá cờ Tổ quốc càng thêm thiêng liêng, trang trọng, ý nghĩa, nhất là trong ngày Tết Độc lập. Cùng từ đó mà nuôi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào về Tổ quốc mình./.
Lê Duy Hồng (QĐND)