Vì sao sốt xuất huyết (SXH) tăng cao và tập trung nhiều ở thành phố, khu đô thị lớn? Vì sao công tác phòng dịch được các cấp, các ngành triển khai rốt ráo, nhưng số lượng bệnh nhân SXH vẫn không ngừng gia tăng? Làm thế nào để ngăn chặn hiệu quả, triệt để dịch bệnh là những câu hỏi đang chờ lời giải.
Các chuyên gia xác định, bệnh SXH lây lan là do muỗi vằn (Aedes) đốt người bệnh nhiễm vi-rút và truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà, các công trình, vật dụng chứa nước. Vì vậy tất cả những nơi đọng nước đều là nơi sinh trưởng của muỗi vằn. Trong khi đó, công tác phối hợp của các ban, ngành đoàn thể trong phòng, chống SXH tại một số địa phương chưa cao; việc triển khai các biện pháp tức thì như: Phun hóa chất diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để, làm ảnh hưởng đến hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh.
Để chặn đứng dịch SXH, cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của mỗi cá nhân, hộ gia đình đến các tổ dân phố, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương. Trước hết, đối với mỗi cá nhân và gia đình có người nghi nhiễm SXH, cần đến khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế. Việc điều trị cũng cần phải phân tuyến, để tránh quá tải cho bệnh viện tuyến trên, làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo, gây ra sự phức tạp đối với công tác điều trị. Công tác phòng ngừa dịch bệnh cần phải được đặt lên hàng đầu, và phải được xác định là nhiệm vụ khẩn cấp của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị. Chúng ta đều hiểu rằng, dù các địa phương có huy động bao nhiêu nhân lực, vật lực đi nữa, cũng không thể đi tới hết các ngõ ngách để phun thuốc diệt muỗi, khống chế từng vị trí sinh sản của muỗi. Vì vậy để tạo ra mạng lưới phòng dịch rộng khắp, có chiều sâu, triệt để, thì từng cá nhân phải có ý thức phòng bệnh cho bản thân, phòng dịch ngay tại nơi mình sinh sống, làm việc bằng cách triệt tiêu các vị trí muỗi có thể sinh sôi nảy nở.
Đối với các công trình công cộng, cấp ủy, chính quyền địa phương phải rà soát chặt chẽ; huy động lực lượng, phương tiện để vệ sinh môi trường, diệt muỗi gây bệnh. Công việc này đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên, liên tục và trở thành nền nếp của mọi khu dân cư, chứ không chỉ làm theo đợt, theo phong trào, hoặc làm kiểu "xôi đỗ". Công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh cũng cần phải được chú trọng. Thực tế thời gian qua, nhiều người chỉ để ý đến việc đi khám và điều trị bệnh SXH, mà không để ý đến việc phòng bệnh ngay từ trong nhà mình như nằm ngủ phải mắc màn, mặc quần áo dài tay, xử lý các vị trí đọng nước...
Bệnh truyền nhiễm nói chung, dịch SXH nói riêng nếu không được phát hiện, dập tắt kịp thời sẽ gây hậu quả nặng nề cho xã hội. Bệnh dịch cũng chỉ được dập tắt khi mọi người cùng có nhận thức và ý thức thực hiện công việc đó. Vì vậy phải khắc phục ngay bệnh chủ quan, nêu cao ý thức phòng dịch từ mỗi gia đình. /.
Nguyễn Tiến Đạt (Báo QĐND)