(TG) - Mặc dù xe máy là phương thức tham gia giao thông có tỷ lệ hành khách bị tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) với mức nguy hiểm gấp 4 lần ô tô con, 10 lần xe buýt, 13 lần tàu điện đô thị, nhưng nhiều người vẫn sử dụng xe máy, kể cả ở nhóm người có thu nhập cao nhất.
Đây là kết quả nghiên cứu của TS. Vũ Anh Tuấn, Giảng viên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức (TPHCM) đưa ra tại Lễ ký kết biên bản thỏa thuận phối hợp triển khai chương trình “Hưởng ứng năm an toàn giao thông Việt Nam 2018” giữa Uỷ ban ATGT Quốc gia với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) diễn ra chiều 27/9 tại Hà Nội.
Theo TS. Vũ Anh Tuấn, ở các thành phố lớn, xe máy liên đới trên 60% tổng số vụ TNGT, va chạm chủ yếu xảy ra với chính xe máy, xe tải, xe ô tô con, người đi bộ. Các hành vi vi phạm của người lái xe máy gây ra 70-80% các vụ tai nạn. “Có khoảng 14% người điều khiển xe máy không có bằng lái, trên 70% hổng kiến thức về luật giao thông và cách ứng xử an toàn trên đường”, TS. Vũ Anh Tuấn cho biết.
Ngoài các yếu tố hành vi thì các yếu tố về cơ sở hạ tầng và tổ chức giao thông bất cập trên đường cũng gây nguy cơ TNGT cao đối với người đi xe máy (ví dụ các đoạn đường có nhiều xe tải-container, trường học, hàng quán, ngõ hẻm dọc hai bên và tại các nút giao không có đèn tín hiệu).
Nghiên cứu của TS. Vũ Anh Tuấn cũng chỉ ra, đối với các cá nhân, dù thu nhập thập hay cao thì họ vẫn sử dụng xe máy để đi lại là chính. Ngay cả ở Nhóm thu nhập cao nhất, mặc dù 52% sử dụng ô tô nhưng vẫn còn trên 40% sử dụng xe máy. “Xe máy được ưa chuộng là do nó đáp ứng tốt 3 tiêu chí: rẻ, nhanh, linh động. Đây là các yêu cầu có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh mức thu nhập cá nhân còn khá thấp, cơ sở hạ tầng đường xá còn thiếu, việc nâng cấp mở rộng chậm và ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng”, TS. Vũ Anh Tuấn phân tích.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2018 toàn quốc xảy ra 13.242 vụ tai nạn giao thông, trong đó gần 70% số vụ do người điều khiển mô tô, xe máy gây ra, gần 90% số nạn nhân thương vong do TNGT là người đi mô tô, xe máy.
“Hiện nay, xe máy đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo đối với mọi người dân Việt Nam, bởi trong điều kiện cơ sở hạ tầng đường xá còn kém phát triển, mức thu nhập cá nhân còn thấp và các dịch vụ giao thông công cộng ở các tỉnh, thành phố còn hạn chế, chỉ đáp ứng chưa đầy 1% nhu cầu đi lại, ngoại trừ Hà Nội và TPHCM thì xe máy là lựa chọn tối ưu của người dân, trong khi ý thức của người tham gia giao thông tại Việt Nam còn hạn chế thì đây sẽ là nguy cơ tiềm ẩn TNGT rất lớn”, ông Khuất Việt Hùng nhận định.
Từ kinh nghiệm quốc tế, TS. Vũ Anh Tuấn đề xuất các giải pháp xây dựng môi trường với các điều kiện thuận lợi cho lưu thông xe máy an toàn như xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông an toàn cho lưu thông xe máy; cung cấp chương trình giáo dục, đào tạo về ATGT xe máy cho mọi đối tượng đi đường; đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ an toàn cho xe máy.
Một số giải pháp, chính sách cụ thể được đề xuất như: Quy định trẻ em dưới 6 tuổi đội mũ bảo hiểm; Quy định trẻ 16-18 tuổi có chứng chỉ lái xe an toàn (50cc, e-bike); bổ sung nội dung lái xe đường trường vào bài thi cấp bằng lái xe máy; phổ biến Sổ tay điều khiển xe máy an toàn; triển khai làn đường riêng, làn ưu tiên cho xe máy; quy định xe máy mới phải có hệ thống phanh chống bó (ABS); quy định xe máy phải tự động bật đèn pha ban ngày (AHO); kiểm định kỹ thuật hàng năm đối với mô tô, xe máy.
Trong khuôn khổ buổi lễ, Uỷ ban ATGT Quốc gia đã tổ chức kí kết hợp tác với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) trong các hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và trong công tác xã hội hỗ trợ, chia sẻ với các nạn nhân TNGT./.
TG