Thứ Hai, 25/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Bảy, 5/12/2009 10:31'(GMT+7)

Khoa học và công nghệ trong nông nghiệp:Đi tìm những giá trị thật

"Nhón chân" hay lội ruộng

Cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào đánh giá chính xác sự đóng góp của KHCN đối với sản xuất nông nghiệp. Người ta đưa ra những tỷ lệ tương đối như hàm lượng chất xám chiếm hơn 30% giá trị sản phẩm hàng hóa; biện pháp giống làm tăng năng suất từ 5-20%, biện pháp phân bón giúp tăng 10-15%, tưới tiêu giúp tăng 20-40%... Điều đó ít nhiều cho thấy vai trò to lớn của KHCN.

Theo PGS-TS Triệu Văn Hùng, Vụ KHCN và Môi trường (Bộ NN&PTNT), kết quả 20 năm đổi mới đã khẳng định KHCN thực sự là lực lượng sản xuất, là động lực trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - nông nghiệp nông thôn với tốc độ cao và bền vững. Giai đoạn 2005-2008, các nhà nông học đã chọn, tạo được 135 giống cây trồng có năng suất cao, phẩm chất tốt, chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận của môi trường. Ngoài ra, Việt Nam đã bước đầu ứng dụng các thành tựu nghiên cứu của công nghệ sinh học để hoàn thiện quy trình nhân giống cây sạch bệnh hoặc có khả năng kháng sâu cao; xác lập bản đồ phân tử các gen kháng sâu bệnh, chịu hạn, chịu mặn...

Tuy nhiên, lại có thực tế khác. Theo PGS-TS Nguyễn Sinh Cúc (Tổng cục Thống kê), thu nhập bình quân 1 hộ nông thôn đạt 2.175.800 đồng (năm 2007), tăng 938.300 đồng (2002) nhưng mức chênh lệch thu nhập giữa nhóm thu nhập cao nhất và thấp nhất ngày càng tăng, năm 2002 là 6 lần, 2004 là 6,4 lần và 6,5 lần vào năm 2007. Ngoài ra, cơ cấu đầu tư không hợp lý, thể hiện qua tỷ trọng đầu tư cho KHCN mới đạt 0,13% GDP khu vực này; trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước khác là 4%... Để tăng năng suất, nông dân Việt Nam phải dùng lượng phân hóa học gấp khoảng 3 lần so với Thái Lan, dẫn đến chất lượng tăng trưởng thiếu yếu tố bền vững. Ngoài ra, diện tích đất canh tác của Việt Nam hiện thấp nhất thế giới, chỉ khoảng 0,12ha/người trong khi của Thái Lan là 0,3ha/người. Xét bình quân, Việt Nam chỉ hơn được các nước như Hàn Quốc, Băng-la Đét, Ai Cập...

TS Đặng Kim Sơn (Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược NN&PTNT) cho biết, kết quả phân tích kinh tế cho thấy suốt 20 năm đổi mới (1985-2005), GDP nông nghiệp liên tục tăng trưởng nhưng đóng góp của KHCN thông qua chỉ số năng suất tổng thể có xu hướng giảm dần, chủ yếu là do sự tụt hậu về kỹ thuật.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổng hợp 700 kết quả nghiên cứu từ nhiều nước trên thế giới cho thấy lợi nhuận rất cao của đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu khoa học nông nghiệp. Tỷ lệ hoàn vốn cho nghiên cứu khoa học ở các nước châu Phi là 35%, ở châu Á là 50%, cao hơn rất nhiều so với các công trình thủy lợi. Đây cũng là kết quả rút ra từ những nghiên cứu ở Việt Nam.

Nguồn: TS Đặng Kim Sơn

"Bức tranh" cần vẽ lại

TS Đặng Kim Sơn cho biết thêm, điều đáng lo ngại là mức độ đóng góp của KHCN thấp đối với tăng trưởng sản xuất nông nghiệp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nổi bật là đầu tư thấp và cơ chế chính sách bất cập. Theo Ngân hàng Thế giới, tổng chi cho một cán bộ nghiên cứu ở Việt Nam chỉ bằng 9% của In-đô-nê-xi-a và Thái Lan, 2,5% của Ma-lai-xi-a. Những yếu kém trong cơ chế chính sách khó chỉ ra bằng con số, nhưng rõ ràng cán bộ KHCN không có động lực, hăng hái dốc toàn tâm cho việc nghiên cứu. Các đơn vị KHCN chưa thực sự gắn bó thiết tha với hiệu quả đóng góp cho sản xuất. Do thu nhập và hiệu quả sản xuất thấp nên nông dân không gắn bó với nông nghiệp...

Những năm gần đây, có thực tế không thể phủ nhận là đầu tư cho KHCN nông nghiệp đã được chú ý. Ví dụ, ngân sách cấp cho nghiên cứu của ĐH Nông - Lâm Thái Nguyên từ 500 triệu (năm 2005) đã tăng 7 lần, đạt 3,5 tỷ đồng năm 2009. Tuy nhiên, các nghiên cứu ở trường ĐH, viện nghiên cứu khó có điều kiện ứng dụng nếu như năng lực tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật của không chỉ người dân mà là cả các cơ quan KHCN cấp tỉnh, huyện còn khá thấp. Được biết, hiện chỉ có 3/63 tỉnh là Vĩnh Phúc, Nghệ An và Hà Tĩnh đã dành cơ bản đủ 2% tổng chi ngân sách cho KHCN theo đúng quy định của Chính phủ và Luật KHCN. Còn lại, đa số các địa phương khác mới dành khoảng 1%, thậm chí có tỉnh chỉ dành 0,2% tổng chi ngân sách, tức là ít hơn 10 lần so với quy định cho hoạt động KHCN nói chung. Trong "miếng bánh" đã bị cắt giảm ấy, tính ra được mức đầu tư cho nông nghiệp thì sẽ rõ vì sao lĩnh vực này vẫn chậm phát triển.

Theo đại biểu Quốc hội, GS Nguyễn Lân Dũng thì không ít vùng quê đang ở trong tình trạng "001683", tức là không có thanh niên, không công nghiệp, chỉ có thể tổ chức ngày Tết Thiếu nhi 1-6 và ngày Phụ nữ 8-3 vì lao động nam giới đã di cư để kiếm sống. Đây rõ ràng là những con số "biết nói" và đáng để suy nghĩ.

Theo Trà My

(Hà Nội Mới điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất