Chủ Nhật, 6/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 2/2/2011 21:4'(GMT+7)

Có một “ngôi chùa người Việt” ở Hồng Kông

 
 
Hòa thượng Tây thuê chùa cho phật tử ta
“Thuê chùa lễ Phật”, nghe có vẻ rất lạ với người Việt Nam, song ở nơi “tấc đất, tấc vàng” như Hồng Kông, việc thuê nhà để ở khá phổ biến, do đó, thuê chùa để lễ Phật cũng là chuyện bình thường. “Chùa Việt Nam” là tên bà con người Việt ở Hồng Kông gọi như vậy chứ trên thực tế, “ngôi chùa” này chưa đủ tiêu chuẩn của một ngôi chùa, đúng hơn chỉ là một Phật đường, “tọa” tại một căn hộ rộng chừng 80m2 trên tầng 2 của một toà nhà tại thị trấn Nguyên Lãng, Tân Giới (Hồng Kông). Trụ trì “ngôi chùa” này là Hòa thượng Thích Tín Quang, người mà phật tử người Việt thường gọi với đầy sự kính trọng là Thầy Tây Đức, vì Hòa thượng là người gốc Đức.
 
Quá trình hình thành “Chùa Việt Nam” cũng gian truân như cuộc sống của đại đa số bà con người Việt ở Hồng Kông, và cũng gắn liền với vị Hòa thượng mà hầu hết các phật tử ở đây coi như cha mình.
 
Sư cô Thích Định Tịnh, người đèn nhang, trông nom chính ở “Chùa Việt Nam”, nhớ lại: Thời kỳ trong “trại cấm” là những chuỗi ngày cơ cực mà ai đã từng trải qua đều không thể quên được. Chính trong giai đoạn khó khăn này, Thầy Tây Đức đã đến với bà con người Việt. Thầy cùng các phật tử địa phương đi quyên góp, giúp đỡ bà con trong trại từ cái ăn cái mặc, dạy dỗ trẻ con học hành, đến việc trao đổi thư từ để bà con có thể liên lạc với bên ngoài trại, tìm cách giúp đỡ bà con sớm ra khỏi “trại cấm”… Quan trọng hơn, Thầy Tây Đức còn dạy bà con hướng thiện, tránh xa tội lỗi, biết thương yêu con người và sống có niềm tin. Cảm phục trước ân đức của Thầy, vào khoảng năm 1997, một số bà con người Việt đã tình nguyện làm “đệ tử”, theo thầy học Phật pháp, tu tâm, tích đức. Cùng với thời gian, cuộc sống của bà con người Việt ở Hồng Kông dần ổn định, nhu cầu tín ngưỡng cũng như nhu cầu tìm tới cộng đồng ngày cao. Tổ chức tôn giáo tự phát này vì thế ngày càng thu hút được nhiều bà con người Việt tham gia hơn và hoạt động cũng trở nên thường xuyên hơn. Sự phát triển này đã thôi thúc nhu cầu về một địa điểm ổn định, đàng hoàng hơn và quy chuẩn hơn để phật tử sinh hoạt. Sau một thời gian tìm kiếm, năm 2006, Thầy Tây Đức cuối cùng cũng đứng ra thuê lại được gian Phật đường của một Hòa thượng người Hồng Kông để các phật tử cùng bà con người Việt sinh hoạt tín ngưỡng và sinh họat cộng đồng. Đó chính là “Chùa Việt Nam” hiện nay.
 
Không chỉ là một ngôi chùa
Không chỉ đơn thuần là nơi tụng kinh niệm phật, “Chùa Việt Nam” giờ đây đã thực sự trở thành cầu nối tập trung bà con, là nơi để những con người xa quê hương tìm được sự giúp đỡ về mặt tinh thần, hướng về đất nước. Theo sư cô Thích Định Tịnh, “Chùa Việt Nam” hiện chỉ là một tổ chức tự phát trên cơ sở nhu cầu về tín ngưỡng, hoạt động nhờ vào sự quyên góp, ủng hộ của các phật tử cũng như bà con người Việt tại Hồng Kông. Cho đến nay “Chùa Việt Nam” vẫn chưa có quan hệ chính thức hay liên lạc với bất cứ tổ chức tôn giáo hay “Hội người Việt Nam ở nước ngoài” nào, cả trong và ngoài nước; thỉnh thoảng, một vài phật tử có điều kiện kinh tế tự nguyện đứng ra mời các sư thầy từ Việt Nam sang để giảng Phật pháp cho bà con. Các phật tử người Việt ở Hồng Kông đều mong mỏi có được một ngôi chùa thật sự của mình (chứ không phải gian Phật đường đi thuê như hiện nay), song mong ước này cũng khá xa vời khi phần lớn bà con ta ở đây còn nghèo và giá bất động sản ở Hồng Kông được xếp vào loại đắt nhất thế giới.

Theo Đại đoàn kết

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất