Thứ Sáu, 27/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 29/4/2012 15:18'(GMT+7)

Có một Trường Sa mới

 Tôi vốn không thích đi biển, phần vì những lo ngại về sức khoẻ, phần cứ như chính cái tên nó vận vào người, nên tôi chỉ thích đi đến những miền cao. Chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa vào giữa tháng tư này, vì vậy, thực sự là một chuyến đi nhiều “áp lực”và đầy thử thách với tôi, khi phải vượt Biển Đông mênh mông, dù rằng mùa này biển êm, việc đi biển đúng như cái câu “tháng Ba bà già đi biển” vậy.

* Khách mới của Trường Sa

Như phần lớn những chuyến đi thăm Trường Sa với đại đa số đều là người lần đầu đến thăm vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc, chuyến công tác của chúng tôi lần này cũng toàn những “vị khách mới” của Trường Sa. Ai cũng háo hức và sung sướng khi lần đầu, cũng có thể là lần đặc biệt nhất trong đời, được đến thăm Trường Sa, vùng đảo tiền tiêu của Tổ quốc mà chỉ cái tên thôi cũng đã dâng lên trong mỗi người dân Việt Nam niềm xúc cảm mãnh liệt, yêu thương và gắn bó, khao khát được một lần đặt chân đến thăm.

“Chuyến đi của đời người”, bất cứ ai trên con tàu HQ 996 của chuyến hành trình này đều chung một câu khẳng định như thế. Không giấu niềm hạnh phúc khi được tham gia chuyến đi, Quang Khải - anh bạn ở cùng phòng - diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam, chia sẻ rằng đã rất vui mừng khi được thông báo sẽ đi lưu diễn phục vụ cán bộ, chiến sỹ Trường Sa. “Đời nghệ sỹ được phục vụ khán giả chính là niềm hạnh phúc lớn, huống chi cải lương lại là bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nên được đem những bài ca, câu hát cải lương đến với bà con khắp mọi miền đất nước còn là góp phần giữ gìn và phát triển bộ môn nghệ thuật này”.

Khải nói đã đi diễn phục vụ cán bộ, chiến sỹ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, gần như khắp cả từ Bắc chí Nam, nhưng lần này thì khác, khác lắm… Hỏi khác thế nào thì Khải chỉ trả lời ngắn gọn bằng hai chữ “hạnh phúc”, rồi cười thật tươi nói thêm rằng đó còn là “hạnh phúc nhân đôi”. Ra là cùng lúc với nhận quyết định đi lưu diễn tại Trường Sa, chàng diễn viên trẻ cũng nhận được quyết định kết nạp Đảng vào ngày 16/4 vừa qua. “Cơ quan bảo tổ chức kết nạp Đảng trước khi đi nhưng mình xin được dời lại sau chuyến đi Trường Sa để được cảm nhận trọn vẹn niềm tin yêu và tự hào vào cách mạng và Tổ quốc Việt Nam mến yêu”, Khải nói.

Hạnh phúc cũng chính là cảm xúc dâng trào của hai vị khách trẻ Phạm Minh Tuấn (sinh năm 1979) và Trương Thị Hạnh Quyên (sinh năm 1990) khi có một đêm sinh nhật không thể nào quên vào tối 24/4 ngay tại đảo Núi Le. Minh Tuấn, hiện đang du học tại Lào, vẫn cái chất mộc mạc của chàng trai “miệt vườn” Tiền Giang, nói rất “thiệt tình” rằng anh chưa bao giờ có một ngày sinh nhật đúng nghĩa, bởi với anh ngày sinh nhật cũng như bao ngày bình thường khác, nhưng được đón sinh nhật ngay tại Trường Sa quả thực là một kỷ niệm không bao giờ quên trong đời.

Giọng run run như muốn rơi nước mắt, Hạnh Quyên, cô sinh viên văn hoá nghệ thuật Đà Nẵng, khi được kết nối cuộc gọi điện thoại về nhà đã nghẹn ngào xúc động nói: “Con cám ơn mẹ đã sinh ra con, cám ơn tất cả mọi người đã luôn thương yêu và dành cho con những tình cảm và lời chúc tốt đẹp. Mẹ ơi, chuyến đi Trường Sa lần này đã giúp con trưởng thành và thấy yêu quê hương, đất nước mình hơn. Con hứa sẽ học thật tốt và sống tốt hơn, trách nhiệm hơn”. Trong đêm sinh nhật tuổi 22 giữa bao la Trường Sa, cô gái Đà Nẵng thấy mình như người hạnh phúc nhất. Cười bẽn lẽn, Quyên khoe rằng cô đã nhận được món quà sinh nhật tuyệt vời, là những chiếc vỏ ốc tuyệt đẹp cùng những lời chúc mừng đáng yêu từ các anh chiến sỹ đảo Núi Le.

Khách mới, nhưng tình yêu và sự gắn bó với Trường Sa thì như đã từ rất lâu rồi. Nguyễn Doãn Sơn, hoạ sỹ, giảng viên mỹ thuật tại Hà Nội, một thành viên vào giờ chót, không chính thức của đoàn công tác, nhưng tình yêu mãnh liệt với Trường Sa đã khiến anh “nài nỉ” bằng được để ra thăm đảo một lần. Anh chính là đồng tác giả của bộ tranh gốm về đề tài Trường Sa hiện đang được thực hiện tại thị trấn Trường Sa. Ấp ủ đề tài thật lâu, rồi cho ra đời bộ tranh, Sơn chỉ mong được tận mắt nhìn thấy “Trường Sa bằng xương, bằng thịt” để thoả niềm mong ước, để tiếp tục có thêm chất liệu, thêm trải nghiệm cho những tác phẩm tiếp theo cũng về đề tài Trường Sa. Và ngay trong chuyến đi này, Sơn đã có gần 20 bức tranh, ký hoạ về Trường Sa, về người lính hải quân.

* Trường Sa, ngày mới

Đón chúng tôi, những vị khách mới lên thăm đảo Trường Sa Lớn, điểm đến đầu tiên của hành trình, là ánh bình minh rực rỡ trên Biển Đông và cái nắng vàng rực trải đều trên mặt biển, mặt đảo đầy cát trắng. Quả đúng như danh xưng “thủ đô của quần đảo Trường Sa anh hùng”, Trường Sa Lớn giờ đã ra dáng vẻ của một thị trấn giữa đại dương xanh ngát. Hiện ra trước mắt chúng tôi là một ốc đảo xanh, đáng yêu và bình yên với những công trình quân sự, dân sự, những nóc nhà dân, nhà cộng đồng, đền, chùa, đài liệt sỹ nằm giữa những hàng cây bàng quả vuông, cây phong ba, cây bão táp đặc trưng của Trường Sa, giữa màu xanh của rau muống biển, những rặng dừa và len lỏi là những vườn rau, vườn cây nào chuối, đu đủ, cà, ớt, bầu, mướp, mồng tơi, rau muống, cải xanh, rau húng…

Những vị khách mới chúng tôi ngay từ khi còn đứng trên boong tàu, nhìn thấy đảo Trường Sa Lớn hiện ra trong tầm mắt đã mừng rỡ, nhảy cẫng lên và hét to “chào Trường Sa”, “tôi yêu Trường Sa”, “Trường Sa ơi, ta đã đến” cho ước mơ bấy lâu nay đã thành sự thật… Vậy là tôi đã đến Trường Sa.

“Mỗi ngày của Trường Sa như là một phép lạ”, nhà thơ Trần Đăng Khoa, một người cũ của Trường Sa, mười mấy năm mới trở lại nơi này, đã bật lên lời nhận xét về sự thay đổi của Trường Sa sau bao nhiêu năm. Với những vị khách mới như chúng tôi, mọi sự hiểu biết về Trường Sa trước đây chỉ là qua những trang sách báo, phóng sự truyền hình, những thước phim tư liệu, hay qua những câu thơ của chính Trần Đăng Khoa được viết ngay tại Trường Sa, Phan Vinh, An Bang mười mấy năm trước. Nhà thơ liên tưởng rằng, với một đất nước đang phát triển như Việt Nam chúng ta, mỗi ngày trôi qua là một sự đổi thay, thì với Trường Sa, mỗi ngày trôi qua cũng là một phép lạ, một sự đổi thay đến không ngờ. Sự đổi thay, đổi mới đáng kinh ngạc ấy không chỉ đến từ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân cũng như nhân dân cả nước dành cho Trường Sa mà bằng chính sự nỗ lực, bằng bàn tay khối óc và tình yêu, sự gắn bó với Trường Sa của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ công tác tại quần đảo này.

Qua câu chuyện của các “vị khách cũ”, qua chia sẻ của những “công dân Trường Sa” và bằng chính những trải nghiệm trong hơn mười ngày của chuyến đi, chúng tôi cũng cảm nhận được sự đổi thay của một Trường Sa mới. Đảo nổi, đảo đá ngầm giờ đã gần lắm với đất liền, với sóng điện thoại di động Viettel, sóng truyền hình K+ phủ đều tất cả các điểm đảo. Các chương trình của VTV, VOV đều đến được với anh em lính đảo. Trong chuyến đi lần này, quà tặng của đoàn dành cho các đảo còn là những chảo thu sóng của Truyền hình An Viên được lắp đặt ngay để anh em chiến sỹ có thêm nhiều lựa chọn trong việc xem truyền hình, theo dõi tin tức thời sự, hay giải trí.

Các đảo giờ cũng đã sáng bừng lên ngay cả trong đêm tối giữa mênh mông biển cả. Năng lượng sạch với hệ thống điện quạt gió, hệ thống đèn thắp sáng bằng pin mặt trời được lắp đặt trên tất cả các đảo đã đem lại nhiều thuận lợi cho việc canh gác, phòng thủ trên đảo, cũng như cho sinh hoạt thường ngày của anh em chiến sỹ. Nhìn những hàng quạt gió vươn cao ngạo nghễ đứng bao quanh các đảo Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh, An Bang, như những cánh tay êm ái đang ôm lấy đảo, nâng niu gìn giữ để những ngày tháng nơi đảo xa bớt nhọc nhằn, bớt khó khăn.

Dạo quanh thị trấn Trường Sa, qua những con đường nhỏ rợp bóng bàng vuông, tôi từ từ tận hưởng hết những “phép lạ” của Trường Sa. Đây là trạm quan trắc, trạm khí tượng hải văn Trường Sa được thiết kế đẹp như một khu vườn kiểu châu Âu. Đây là chùa Trường Sa với dáng vẻ trầm mặc đúng chất những ngôi chùa Việt đang được trang hoàng, chuẩn bị đón mừng đại lễ Phật đản. Xa kia là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi của người dân thị trấn. Là hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt khá hiện đại mới được đưa vào sử dụng gần đây. Còn buổi chiều ở Phan Vinh, lại là một “phép lạ” khác. Đảo đang tiếp tục được xanh hoá. Những cây bàng vuông con được lính đảo nâng niu, chăm sóc, che chắn cẩn thận để tránh gió, được trồng san sát nhau trên bãi cát san hô trắng xoá giờ chỉ mới cao chừng độ hai, ba gang tay, nhưng vài tháng nữa, hay vào độ này năm sau đã có thể vươn cành, toả bóng xanh.

Quá nhiều “phép lạ” nơi Trường Sa này. “Ôi, thật không thể tin được”. Tôi đã thốt lên khi được một anh lính trên đảo Đá Tây A dẫn đi “khoe”, cho xem “hàng độc” của đảo: Trong cái chậu con không nhiều đất, một bụi xương rồng vươn cao chạm cả trần nhà đang nở đầy hoa. Lần này thì cả đoàn đều kinh ngạc. “Sức sống mãnh liệt Trường Sa là đây”, Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Hải Đường thốt lên.

“Trường Sa thay da đổi thịt từng ngày, qua năm nay đã khác hẳn năm trước”, thượng uý Hoàng Văn Sinh (sinh năm 1982), chính trị viên đảo Đá Tây C, nói đầy vẻ tự hào. Đứng cạnh tôi bên bụi xương rồng “Đá Tây”, Sinh nói mặc dù còn một số khó khăn như về nước ngọt, rau xanh, thực phẩm… nhưng nhìn chung đời sống tại Trường Sa giờ đã tốt lên nhiều. “Từ đời sống, sinh hoạt, viễn thông, đến giải trí, văn hoá tinh thần cũng ngày càng đầy đủ hơn. Đảo có cả dàn karaoke, có đến hai hệ thống thông tin liên lạc của Viettel và Vinasat. Chính những sự đổi thay trong cuộc sống nơi đảo khiến chúng tôi cảm nhận đã gần hơn với đất liền, như đất liền đã nối gần hơn với đảo”.

* Vọng cổ Trường Sa

Những đêm giữa Biển Đông, giữa Trường Sa mênh mông sóng nước, nghe tiếng sóng biển, tiếng gió thổi, nghe những bài hát về Trường Sa, về biển đảo, về quê hương, đất nước, dậy lên trong lòng mỗi chúng tôi những niềm lâng lâng khó tả. Bình yên quá, biển đảo quê hương sao mà đẹp quá, nhưng cũng bao la quá, mênh mông quá, khiến cái cảm giác cô độc, lẻ loi của một con người, một con tàu, một hòn đảo nhỏ bé giữa trùng khơi không khỏi thoáng hiện ra trong tâm trí.

Nhưng trên tất cả, chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy tự hào về biển đảo, về Tổ quốc mình đến thế. Như một sự trùng hợp đầy ý nghĩa, trong những ngày kỷ niệm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước này, tôi - một người con của miền Nam lần đầu ra thăm Trường Sa, được gặp và chia sẻ tình yêu Trường Sa với không ít những người con của miền Nam - Thành đồng Tổ quốc, của những người con từ mọi miền đất nước luôn dành tình cảm thiết tha cho miền Nam ruột thịt. Trên đảo Trường Sa tôi đã được anh lính trẻ mới 22 tuổi đời Hoàng Văn Phú, quê Bến Cát, Bình Dương, chia sẻ tâm tình về những ngày tháng công tác trên đảo, về nhóm lính trẻ quê Bình Dương đang cùng các đồng đội khác nỗ lực từng ngày canh gác, bảo vệ và xây dựng Trường Sa thêm đẹp, thêm vững. Trên đảo Trường Sa Đông, lại là một người con của quê hương Bình Dương, anh lính Liêu Kim Tiến (sinh năm 1989) đang trong những tháng công tác cuối cùng tại đảo đã bộc bạch rằng còn thời gian công tác là mong muốn được đóng góp cho đảo tốt hơn, được kề vai sát cánh với anh em đồng đội.

Cũng ở quần đảo tiền tiêu này, tôi đã gặp được những người đồng hương thành phố mang tên Bác. Trên chốt gác ở nóc cao của đảo An Bang, Lê Văn Trung, anh lính trẻ vừa tròn 20 tuổi, ngụ tại quận 5, vui mừng khi được gặp một vị khách từ thành phố ra thăm. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi của hai anh em kết thúc bằng những câu chúc, những lời động viên và bằng bài hát “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”, cùng cái ôm thân tình. Đưa tôi và đoàn ra xuồng, rồi cùng anh em lính đảo đẩy xuồng từ bãi cát ra biển trở về tàu, Trung nói với theo “Mấy anh đi mạnh giỏi nghen”, khiến chúng tôi không khỏi bùi ngùi lưu luyến. Tình đồng hương sao mà ấm áp đến lạ. Chỉ tiếc là tôi đã không kịp ghi lại tên một người lính đồng hương khác trên đảo Trường Sa Đông, chỉ nhớ là họ Quách, sinh năm 1988, quê quán ở quận 11, đã mãi mãi nằm lại ở nơi này…

Cái tình của những người con miền Nam với Trường Sa dạt dào là vậy. Thế nên nhà thơ Hồ Nhân, quê Đồng Tháp, chỉ chưa đầy hai ngày có mặt trong chuyến đi đã đầy cảm xúc viết nên bài ca cổ “Về với Trường Sa”. Nghệ sỹ cải lương Quang Khải, người con xứ Nghệ nhưng đậm chất Nam Bộ, là người đầu tiên thể hiện bài ca cổ này trên đảo Núi Le, đảo Thuyền Chài. Giữa Trường Sa lộng gió, giữa vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nghe câu vọng cổ vang lên, thấy như đang ở nơi đất liền, nơi đâu đó của Nam Bộ với vọng cổ và đờn ca tài tử, thấy thực sự là mình đang ở trên mảnh đất ruột thịt của Tổ quốc Việt Nam. “Ở đâu có vọng cổ, ở đó là Việt Nam”, anh bạn Phạm Minh Tuấn nói vui vui mà cũng đầy sự khảng khái và hào sảng dân Nam Bộ. Đêm giữa Biển Đông, đêm nơi Trường Sa, tôi, Tuấn và đồng nghiệp Thanh Vũ, cùng các anh bạn nghệ sỹ Quang Khải, Vũ Long, Đăng Thuật ngân nga vọng cổ từ “Bức thư tình người lính biển”, “Tình đồng chí”, “Về miền Tây”, đến “Dạ cổ hoài lang”, “Tình anh bán chiếu”… như đất liền là đây, Việt Nam là đây…

* Có một Trường Sa mới trong tôi…

Những ngày ngắn ngủi ghé thăm Trường Sa rồi cũng qua nhanh. Những buổi giao lưu văn nghệ “cháy hết mình”, những đêm vọng cổ Trường Sa, thoáng chốc cũng chỉ còn là kỷ niệm. Chuyến thăm Trường Sa lần đầu tiên trong đời tôi kết thúc như một “phép lạ”. Tôi vốn không thích đi biển, phần vì những lo ngại về sức khoẻ, phần cứ như chính cái tên nó vận vào người, nên tôi chỉ thích đi đến những miền cao. Chuyến công tác đến Trường Sa vào giữa tháng Tư này, vì vậy, thực sự là một chuyến đi nhiều “áp lực”và đầy thử thách với tôi, khi phải vượt Biển Đông mênh mông, dù rằng mùa này biển êm, việc đi biển đúng như cái câu “tháng Ba bà già đi biển” vậy. Nhưng cuối cùng tôi đã vượt qua những thử thách của chính bản thân mình để có một chuyến đi mang ý nghĩa đời người.

Chưa bao giờ tôi thấy yêu biển, yêu biển đảo quê hương như lần ra thăm Trường Sa này. Trường Sa, có cái gì đó thiêng liêng, quý giá vô cùng. Trường Sa, một cái gì đó gần gũi, thương yêu vô cùng. Tôi đã đi, đã đến và cảm nhận được một thứ tình cảm và sự gắn bó rất lạ với vùng đất này. Tôi cũng đã thấy một Trường Sa mới trong tôi, một Trường Sa không phải chỉ là hiện hữu của đảo, của biển, của đất thiêng, đảo ngọc, của những người chiến sỹ kiên cường, mà đó là một Trường Sa của tinh thần và ý chí.

Ai đó đã nói những người lính Trường Sa có tinh thần còn hơn cả sắt đá, hơn cả tinh thần thép, bởi đá cũng phải bị bào mòn, sắt thép cũng phải hoen gỉ bởi nắng, gió, bởi cái mặn của biển. Đó chính là “tinh thần Trường Sa” mà chỉ có những “chủ nhân của Trường Sa”, những người lính và người dân đang ở nơi Trường Sa, mới có được. Nhưng tôi và những vị khách lần đầu đến Trường Sa cũng đều ít nhiều cảm nhận được có một chút của “tinh thần Trường Sa” đang ngấm vào mình. Chắc chắn chúng tôi, những người đã được đến, được yêu Trường Sa, sẽ phải nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với sự hi sinh của các chiến sỹ Trường Sa cho sự bình yên của đất liền, cho chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chắc chắn chúng tôi sẽ phải có những việc làm thiết thực hơn cho Trường Sa của chúng ta, để Trường Sa đã gần lại càng thêm gần, để Trường Sa không xa với đất liền, để Trường Sa mãi mãi gắn chặt với dải đất cong cong hình chữ S, như chính dân tộc Việt Nam mãi mãi trường tồn…

Tôi đã nhận ra một Trường Sa mới trong tôi, và tôi biết không chỉ riêng mình có được cảm nhận này. Nghĩ về Trường Sa, giờ tôi lại ước mình sẽ được lần nữa, hay nhiều lần nữa trở lại với Trường Sa, về lại với nơi đã góp phần thay đổi đời mình…


Ký sự Trường Sa của Hoàng Liên Sơn/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất