(TCTG) - Là một tỉnh miền núi, điều kiện phát triển kinh tế không có nhiều thuận lợi, những năm qua, Tuyên Quang đã có những định hướng đúng và nhiều chủ trương sáng tạo nên đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 13,53%. Để tiếp tục giữ vững tốc độ phát triển đó, việc vận dụng sáng tạo Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào điều kiện cụ thể ở Tuyên Quang được coi là một trong những quyết sách hàng đầu.
Tuyên Quang có địa hình đan xen khá phức tạp, gồm: vùng núi cao; vùng núi thấp; vùng đồi thấp và thung lũng dọc các con sông. Diện tích đất tự nhiên 587.000 ha, trong đó đất nông nghiệp 518.000 ha; dân số hiện nay trên 738.000 người với cộng đồng 22 dân tộc anh em cư trú và sản xuất trên địa bàn 141 xã, phường, thị trấn (trong đó có 129 xã, 7 phường và 5 thị trấn). Khu vực nông thôn, dân số có 713.395 người, chiếm trên 90% dân số toàn tỉnh, trong số 411.285 người đang trong độ tuổi lao động thì lao động nông nghiệp chiếm 67%, số còn lại tham gia các hoạt động kinh tế khác, tuy nhiên trong giai đoạn ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, kể cả số lao động khu vực thành thị, đã qua đào tạo còn thất nghiệp, vì vậy việc làm và thu nhập đối với lao động nông thôn luôn là câu hỏi nhức nhối nhất đối với toàn Đảng bộ.
Ngay sau khi tiếp thu Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 27-10-2008 để thực hiện, trong đó nhấn mạnh “Coi trọng tạo việc làm cho nông dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn”.
Tháng 10-2010, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV đã diễn ra trong không khí hết sức sôi nổi nhưng nghiêm túc khi thảo luận về vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mặc dù tập trung cao độ cho phát triển công nghiệp, dịch vụ nhằm giữ vững tốc độ phát triển nhanh và chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, Tuyên Quang vẫn xác định “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, trọng tâm là xây dựng và phát triển nông thôn mới”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khẩn trương đưa vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lên bàn hội nghị. Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 13/5/2011 về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 ra đời đã cơ bản gỡ được nút rối trong giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập của người lao động Tuyên Quang nói chung và riêng với khu vực nông thôn.
Xu hướng giảm dần tỷ trọng lao động nông nghiệp là tất yếu, nhưng đòi hỏi người nông dân có trình độ cơ bản về khoa học kỹ thuật để có khả năng tiếp cận, cải tạo, bắt ruộng đất sinh lời, làm giàu ngay trên đồng đất quê mình là hoàn toàn chính đáng. Mục tiêu trong Nghị quyết 02-NQ/TU đặt ra là: “Đến năm 2015: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%, trong đó qua đào tạo nghề trên 27%. Cơ cấu đào tạo: nông, lâm nghiệp, thủy sản 31,5%; công nghiệp – xây dựng 7%; dịch vụ 6,5%. Đến năm 2020: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%, trong đó qua đào tạo nghề trên 37%. Cơ cấu đào tạo: nông, lâm nghiệp, thủy sản 37,8%; công nghiệp – xây dựng 11,7%; dịch vụ 10,5%”.
Đứng trước thực trạng 129 xã khu vực nông thôn của Tuyên Quang đạt chất lượng quá thấp khi đối chiếu với Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã quyết định ban hành Nghị quyết chuyên đề số 27-NQ/TU ngày 23/11/2011 về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, để xác định thêm một lần nữa xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần phải vào cuộc để đạt được mục tiêu: “Xây dựng nông thôn mới với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý; gắn sản xuất nông, lâm nghiệp với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; xây dựng nông thôn ổn định, dân chủ được phát huy, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững”.
Những chủ trương của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn lần lượt được cụ thể hóa bằng các quyết định của chính quyền các cấp và trong thực tế đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân trên địa bàn 7 xã điểm thuộc 7 huyện, thành phố trong tỉnh. Việc phê duyệt quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới của 7 xã đã hoàn tất, các nguồn vốn đầu tư đã chuyển thành những công trình cụ thể: bê tông hóa đường giao thông nông thôn với tổng số trên 65 km; mở mới 1,2 km đường giao thông nội đồng kết hợp dân sinh tại xã Nhữ Hán (huyện Yên Sơn), đảm bảo bề rộng nền đường 5 mét, mặt 3 mét; xây dựng mới đập chứa nước Đồng Bọt, xã Đại Phú (huyện Sơn Dương); nâng cấp công trình thủy lợi Phai Kẽm, kiên cố hóa 6 km kênh mương tại xã Bình Xa (huyện Hàm Yên); nâng cấp trạm biến áp, đường dây hạ thế ở các xã Bình Xa (huyện Hàm Yên), xã An Khang (thành phố Tuyên Quang); xây dựng mới nhà văn hóa thôn Đèo Ảng, xã Bình Xa huyện Hàm Yên), nhà văn hóa thôn Tông Đình, xã Kim Bình (huyện Chiêm Hóa); công trình 09 phòng học tại xã Kim Bình…; về phát triển sản xuất có mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc ở xã Kim Bình (huyện Chiêm Hóa), xã Năng Khả (huyện Na Hang), mô hình cho vay luân chuyển (vay bò trả bê) ở xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình), mô hình trồng đậu tương, rau vụ đông ở Đại Phú, Bình Xa, An Khang, mô hình trồng chè ở Nhữ Hán…; về hỗ trợ hợp tác xã, sau khi được hỗ trợ kinh phí, các hợp tác xã An Khang, Bình Xa, Năng Khả, Thượng Lâm đã trang bị máy tính nối mạng Internet để phục vụ hoạt động, mua máy làm đất, máy phun thuốc trừ sâu, máy gieo hạt đậu tương làm dịch vụ cho nhân dân.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030; thành lập ban chỉ đạo các cấp thuộc Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang. Về bố trí nguồn lực có chính sách hỗ trợ các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án trên từng lĩnh vực, địa bàn để có vốn đầu tư tăng cường cho phát triển nhanh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đến tháng 6/2010, việc chỉ đạo rà soát, tổng hợp, đánh giá thực trạng nông thôn mới các huyện, thành phố đã có kết quả cụ thể trên toàn bộ 129 xã, trong đó có 4 xã đạt từ 8-9 tiêu chí, 37 xã đạt từ 5-7 tiêu chí, 88 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Các xã đều đã thành lập Ban quản lý thực hiện chương trình và đã triển khai xây dựng quy hoạch nông thôn mới. Tính đến ngày 15/2/2012, có 80/129 xã đã hoàn thành quy hoạch và đang trong quá trình thẩm định, phê duyệt; về xây dựng đề án, có 86/129 xã đã được phê duyệt.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (40/129 xã), đến năm 2030 có 100% (129/129 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, hiện nay tất cả các xã đều phải khởi động để vượt qua những khó khăn, thách thức chung, đó là: Khối lượng công việc rất nhiều trong khi nguồn nhân lực có trình độ cho biên chế chuyên trách là không đủ; việc xác định nguồn vốn kể cả một số công trình nằm trong kế hoạch phân kỳ hàng năm của các xã điểm rất khó, nhu cầu vốn nhiều nhưng đầu tư từ ngân sách và sự đóng góp của nhân dân có hạn; người nông dân ở Tuyên Quang với tập quán canh tác lâu đời là làm ăn manh mún kiểu “thửa ruộng, vạt nương” hay “tra ngô hốc đá” không tích lũy được nhiều kinh nghiệm thâm canh, chuyên canh nay chuyển đổi sang tư tưởng làm ăn mới gặp phải rất nhiều lúng túng; đầu tư cho nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi may nhờ vào thời tiết khó đoán định trước nên việc thu hút doanh nghiệp về đầu tư là rất khó… Tuy nhiên, chủ trương đúng đắn, chính sách phù hợp, có lộ trình và từng bước đi cụ thể sẽ giúp nhận thức của nhân dân Tuyên Quang về vấn đề xây dựng nông thôn mới ngày càng sáng rõ, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới cần bền bỉ, lâu dài nhưng tất cả đều đồng tình quyết tâm thực hiện.
Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới của Tỉnh ủy được ban hành cũng chính là điểm mốc đánh dấu phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” ra đời, nghị quyết được phổ biến đến từng đảng viên và nhân dân trong tỉnh, các phương tiện thông tin đại chúng lập chuyên mục và liên tục đưa tin sôi nổi về phong trào, khắp nơi trong từng ngõ xóm đều treo băng rôn, khẩu hiệu. Nhà nhà, người người ở Tuyên Quang đang chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới./.
Nguyễn Thị Mai Lan (Văn phòng Tỉnh ủy Tuyên Quang)